DetailController

Sức khỏe - Đời sống

Tích cực triển khai các hoạt động thực hiện chiến lược quốc gia về bình đẳng giới

24/06/2022 00:00
Thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 – 2030, thời gian qua tỉnh Hòa Bình đã tích cực triển khai nhiều hoạt động và bước đầu đạt được một số kết quả tích cực. Tỉnh đã triển khai thực hiện đồng bộ các hoạt động nhằm đạt được 06 mục tiêu trong chiến lược quốc gia đề ra gồm: lĩnh vực chính trị; lĩnh vực kinh tế, lao động; trong đời sống gia đình và phòng ngừa ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; trong lĩnh vực y tế; trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo; trong lĩnh vực thông tin và truyền thông.
Đảm bảo quyền lợi về y tế, chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ vùng sâu, vùng xa, DTTS

Trong đó đạt được một số chỉ tiêu chủ yếu như: Cán bộ nữ diện BTV Tỉnh ủy quản lý ở cấp tỉnh, hiện có tổng số 318 đồng chí, trong đó cán bộ nữ 57/318 đồng chí, chiếm 17,9%; cán bộ diện BTV huyện, thành phố quản lý hiện có tổng số 1.554 đồng chí, trong đó cán bộ nữ 319/1.554 đồng chí chiếm 20,52%. Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ 2021-2026 đạt 50%, tỷ lệ nữ đại biểu HĐND các cấp tăng đáng kể so với nhiệm kỳ trước. Kết quả này cho thấy sự vào cuộc mạnh mẽ của cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận và các tổ chức đoàn thể, minh chứng sự tiến bộ vượt bậc của tỉnh khi triển khai thực hiện Luật bình đẳng giới.

Trong lĩnh vực kinh tế, theo mục tiêu tới năm 2025, tăng tỷ lệ lao động nữ lao động làm công hưởng lương lên đạt 50% vào năm 2025, 6 tháng năm 2022 ước đạt 20%; Giảm tỷ trọng lao động nữ làm việc trong khu vực nông nghiệp trong tổng số lao động nữ có việc làm xuống dưới 30% vào năm 2025 (6 tháng đầu năm 2022 ước đạt 60%). Tỉnh đã có những chính sách tạo việc làm cho lao động nữ, nhất là lao động ở các vùng có đất chuyển nhượng cho các khu công nghiệp; Bên cạnh đó còn tăng cường các nguồn vốn vay cho lao động nữ, hỗ trợ phụ nữ giảm nghèo và tạo việc làm, xuất khẩu lao động; đẩy mạnh các phong trào thi đua có sự tham gia của phụ nữ; mở các lớp chuyển giao khoa học công nghệ mới về trồng trọt, chăn nuôi, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, học tập các mô hình khuyến công, khuyến nông... tạo điều kiện cho phụ nữ có cơ hội tiếp cận thị trường, phát triển doanh nghiệp nữ. Thường xuyên kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động, thực hiện các chế độ, chính sách đối với lao động nữ.

Bên cạnh đó, để đảm bảo bình đẳng trong đời sống gia đình, lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo, thông tin và truyền thông, tỉnh đã triển khai các hoạt động tăng cường tuyên truyền, phổ biến, thực hiện các nội dung Luật Hôn nhân gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, tạo điều kiện cho sự phát triển của phụ nữ về quyền lợi và lợi ích hợp pháp góp phần cải thiện và nâng cao sức khoẻ, phát triển trí tuệ, năng lực cho phụ nữ trên các lĩnh vực của đời sống xã hội đảm bảo sự tham gia bình đẳng của phụ nữ trong lĩnh vực kinh tế xã hội và gia đình. Tới nay, 50% người bị bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới được phát hiện, được tiếp cận ít nhất một trong các dịch vụ hỗ trợ cơ bản; 70% cơ sở trợ giúp xã hội công lập triển khai các hoạt động trợ giúp, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; 35% dân số được tiếp cận kiến thức cơ bản về bình đẳng giới…

Tuy nhiên hiện nay, công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm cán bộ nữ ở một số địa phương, cơ quan, đơn vị chưa được quan tâm đúng mức. Tỷ lệ cán bộ nữ trong quy hoạch cũng như tham gia cấp ủy, BTV cấp ủy, các chức danh lãnh đạo chủ chốt của cấp ủy và các chức danh lãnh đạo, quản lý các cơ quan, đơn vị nhất là người đứng đầu tỷ lệ chưa cao. Kinh phí cho công tác bình đẳng giới còn hạn chế. Đội ngũ cán bộ làm công tác bình đẳng giới từ tỉnh đến cơ sở thường xuyên biến động, 100% kiêm nhiệm nên hiệu quả còn hạn chế, chất lượng không cao.

Thời gian tới cần tiếp tục triển khai thực hiện tốt Luật bình đẳng giới; tham gia xây dựng và đóng góp bổ sung, sửa đổi hệ thống luật pháp, chính sách, bảo đảm tốt quyền lợi chính đáng và hợp pháp cho phụ nữ, đặc biệt trong các lĩnh vực: Lao động - việc làm, Giáo dục - đào tạo, dạy nghề, doanh nghiệp, môi trường, bảo hiểm xã  hội, hôn nhân - gia đình, chăm sóc sức khoẻ, bảo vệ bà mẹ, trẻ em…Xây dựng, hoàn thiện chính sách hỗ trợ phụ nữ trong đào tạo, bồi dưỡng trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; chính sách khuyến khích đào tạo nghề cho lao động nữ nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động và phát huy được thế mạnh của phụ nữ, có các giải pháp cụ thể để tăng tỷ lệ phụ nữ được đào tạo trung cấp nghề, cao đẳng, đại học và sau đại học. Có chính sách khuyến khích, hỗ trợ phụ nữ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Chính sách đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho phụ nữ nông thôn. Chính sách hỗ trợ phụ nữ nghèo, phụ nữ đơn thân, phụ nữ tàn tật có hoàn cảnh khó khăn./.