Ngay từ đầu năm, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, BCĐ phòng chống dịch tỉnh, Ban Chỉ đạo chiến dịch tiêm chủng tỉnh, các Sở, ngành, các địa phương đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai quyết liệt các biện pháp, giải pháp, quán triệt thực hiện nghiêm sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn Bộ Y tế. Ban hành nhiều văn bản chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vắc xin trên địa bàn tỉnh. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh được kiện toàn và thường xuyên duy trì các hoạt động, tập trung chỉ đạo các Sở, ban, ngành, đoàn thể và các địa phương thực hiện tốt, đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch theo hướng thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Thực hiện rà soát, đôn đốc và đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho người dân ngay khi được phân bổ vắc xin, đảm bảo an toàn, hiệu quả. Ủy ban nhân dân tỉnh và Sở Y tế đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc các địa phương, đơn vị triển khai công tác tiêm vắc xin phòng COVID-19. Củng cố, nâng cao năng lực của hệ thống phòng chống dịch, tiếp tục triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh để đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.
Trong phòng, chống dịch Covid-19, tính đến tháng 11/2022, toàn tỉnh ghi nhận 206.348 ca. Thời gian gần đây số ca mắc có xu hướng giảm sâu. Đến nay, cơ bản đã được kiểm soát. Thực hiện cách ly điều trị cho 24.143 ca mắc COVID-19. Các cơ sở Y tế đã tập trung mọi nguồn lực để thực hiện tốt công tác điều trị; đặc biệt triển khai tốt việc phân luồng, phân tầng điều trị khoa học góp phần làm giảm tỷ lệ tử vong do COVID-19 (tỷ lệ tử vong tại Hòa Bình là 0,5%, thấp hơn rất nhiều so với trung bình toàn quốc là 0,38%). Thực hiện quản lý F0 tại nhà cho 183.217 người. Việc triển khai tốt công tác quản lý, điều trị người bệnh COVID-19 nhẹ và không triệu chứng tại nhà góp phần quan trọng trong việc chống quá tải cho các cơ sở y tế. Tổng số mũi vắc xin đã tiêm phòng Covid-19 là 2.280.704 mũi.
Đối với các dịch bệnh khác, toàn tỉnh đã ghi nhận: Viêm gan B (02 ca mắc); Tay chân miệng (45 ca mắc); Viêm não Nhật Bản (03 ca mắc); Sốt xuất huyết (45 ca mắc), tăng 25 ca so với năm 2021; Cúm (3.002 ca mắc), tăng 13,25 so với năm 2021; Tiêu chảy (1.235 ca mắc), giảm 37,1% so với năm 2021; Thủy đậu (49 ca mắc); Bệnh do vi rút Adeno (172 ca mắc), giảm 19,6% so với năm 2021…Các bệnh truyền nhiễm lưu hành có số ca mắc cao tại địa bàn tỉnh có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm trước.
Ngành Y tế đã tham mưu kịp thời cho UBND tỉnh chỉ đạo công tác phòng chống dịch hiệu quả, không để các dịch bệnh truyền nhiễm khác bùng phát gây tình trạng “dịch chồng dịch”, đặc biệt đối với các bệnh nguy hiểm và mới nổi (đậu mùa khỉ, sốt xuất huyết...). Trên địa bàn toàn tỉnh trong năm không có ca mắc, không có các ổ dịch phức tạp bùng phát. Tổ chức tốt hệ thống cấp cứu, điều trị bệnh nhân, sẵn sàng khu vực cách ly, các đội cấp cứu lưu động tăng cường công tác phòng chống nhiễm khuẩn, lây nhiễm chéo tại các cơ sở khám chữa bệnh nhằm giảm đến mức tối đa số mắc trong các cơ sở y tế và giảm tỷ lệ tử vong. Đặc biệt UBND tỉnh đã ban hành các Quyết định thành lập các Bệnh viện/khu điều trị tập trung bệnh nhân COVID-19 và chỉ đạo triển khai quản lý, điều trị bệnh nhân tại nhà theo các hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế.
Tăng cường xã hội hóa công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, huy động các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội và người dân và cùng với cơ quan quản lý nhằm phát huy được hiệu quả cao nhất . Thực hiện công tác truyền thông, tuyên truyền về phòng chống dịch bệnh trên quy mô toàn tỉnh, đảm bảo thông tin về dịch bệnh được truyền tải đến mọi tầng lớp Nhân dân trên địa bàn tỉnh. Duy trì tốt việc cập nhật thông tin, chế độ báo cáo hằng ngày về tình hình dịch bệnh.
Thời gian tới, dự báo nguy cơ xâm nhập, bùng phát của các biến chủng, biến thể mới của SARS-CoV-2 và do nồng độ kháng thể ở những người đã tiêm vắc xin, những người đã mắc bệnh có xu hướng giảm dần theo thời gian nếu không có biện pháp phòng, chống dịch quyết liệt và kịp thời. Bên cạnh đó, hiện nay một số dịch bệnh vẫn xuất hiện rải rác ở một số địa phương, điển hình như dịch bệnh Sốt xuất huyết, Cúm, Adeno vi rút…Vì vậy, các cấp ủy đảng, chính quyền cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh truyền nhiễm, nhất là sự xuất hiện của các biến thể mới của COVID-19, các dịch bệnh nguy hiểm/mới nổi khác. Thường xuyên đánh giá, phân tích tình hình và các yếu tố nguy cơ; chủ động xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó và triển khai đáp ứng với mọi tình huống có thể xảy ra. Tích cực triển khai các biện pháp phòng chống các dịch bệnh khác nhằm hạn chế tối đa nguy cơ “dịch chồng dịch” xảy ra trên địa bàn tỉnh.
Các địa phương cần khẩn trương đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm vắc xin, đảm bảo nguyên tắc vắc xin phân bổ đến đâu tiêm ngay đến đó, tuyệt đối không để tồn đọng hoặc xuất hủy vắc xin khi vẫn còn đối tượng cần tiêm. Huy động tối đa các lực lượng tham gia tổ chức tiêm chủng đảm bảo an toàn, thuận lợi, đúng các quy định về tiêm chủng. Tiếp tục tổ chức tốt việc phân luồng, thu dung, cấp cứu, cách ly và điều trị kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm đến nhập viện, hạn chế thấp nhất số ca tử vong.
Đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông về tiêm vắc xin phòng COVID-19 và các dịch bệnh khác để người dân hiểu, đồng thuận và tích cực thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, tham gia tiêm vắc xin để phòng chống dịch bệnh COVID-19 an toàn và hiệu quả. Tích cực phát huy hơn nữa vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, công chức, viên chức trong thực hiện tiêm chủng vắc xin phòng dịch bệnh COVID-19…/.