DetailController

Tin Nông nghiệp - Nông thôn

Tích cực phòng, chống đói rét cho đàn vật nuôi

24/12/2014 00:00
Những ngày qua, trên địa bàn tỉnh có rét đậm, rét hại ảnh hưởng đến việc chăn nuôi gia súc của bà con nông dân trên địa bàn tỉnh. Để chủ động khắc phục tình trạng này, hiện nay Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh và các địa phương đang tập trung hướng dẫn bà con nông dân các biện pháp nhằm phòng, chống đói rét cho đàn gia súc.

Là huyện có nhiều hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm hiện nay Kim Bôi đang tích cực khuyến cáo, hướng dẫn người chăn nuôi tích cực theo dõi diễn biến thời tiết để có biện pháp phòng, chống đói rét cho đàn vật nuôi. Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kim Bôi, toàn huyện hiện nay có 14.035 hộ chăn nuôi trâu, bò với tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn hiện có 1.8 triệu con. Để chủ động phòng, chống đói rét cho đàn vật nuôi vụ đông, xuân 2014-2015, UBND huyện ban hành công văn chỉ đạo UBND các xã, thị trấn triển khai các biện pháp phòng, chống đói, rét và dự trữ thức ăn cho đàn vật nuôi vụ đông xuân trên địa bàn. Theo đó, công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến biện pháp kỹ thuật và kinh nghiệm phòng, chống đói, rét, dịch bệnh cho vật nuôi được triển khai bằng nhiều hình thức như hệ thống loa truyền tin ở các xóm, bản, khu dân cư, qua các hoạt động hội họp, sinh hoạt cộng đồng…Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, cán bộ thú y luôn bám sát cơ sở hướng dẫn các hộ chăn nuôi xây dựng, củng cố, che chắn chuồng trại đủ ấm, hạn chế gió lùa, luôn giữ cho nền chuồng khô ráo và đảm bảo vệ sinh sạch sẽ chuồng trại. Chủ động dự trữ thức ăn và các nguồn nhiệt như than, trấu, củi để sưởi ấm cho trâu, bò khi thời tiết rét đậm, rét hại. Tổ chức tiêm phòng các loại vắcxin để chủ động tạo miễn dịch cho đàn vật nuôi, giám sát dịch bệnh đến tận hộ và cơ sở chăn nuôi nhằm phát hiện sớm và xử lý kịp thời ổ dịch. Khuyến cáo người dân những ngày giá rét kéo dài, khi nhiệt độ ngoài trời dưới 120c không cho trâu, bò làm việc hoặc chăn thả tự do, đưa về nuôi nhốt có kiểm soát. Cơ cấu lại đàn vật nuôi hợp lý, loại thải những con trâu, bò già. Những nơi có tập quán chăn nuôi gia súc thả rông huy động lực lượng đưa toàn bộ trâu, bò thả rông trên đồi rừng về để quản lý, chăm sóc.

Qua đó, đến nay trên địa bàn huyện Kim Bôi đã có tổng số 13.810 hộ có cây rơm và tích trữ cây ngô, ngọn mía để có nguồn thức ăn cho đàn vật nuôi khi xảy ra rét đậm, rét hại và tiến hành che chắn chuồng trại; công tác tiêm phòng, chống dịch cũng đạt hiệu quả cao. Đến nay đã có trên 13 nghìn con trâu, bò được tiêm phòng tụ huyết trùng, đạt 162% kế hoạch, 45 nghìn con trâu, bò được tiêm phòng vắcxin lở mồm, long móng, đạt 100% kế hoạch. Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay, Trạm Thú y còn thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm như triển khai phun tiêu độc khử trùng với diện tích 6,4 tỷ m2 chuồng trại chăn nuôi tại 28/28 xã, thị trấn; duy trì nghiêm túc hoạt động của chốt kiểm dịch động vật. Tổ chức chỉ đạo đội ngũ thú y cơ sở chủ động, tăng cường kiểm tra, kiểm soát nhằm phát hiện sớm dịch bệnh và kịp thời xử lý dịch bệnh khi mới phát sinh không để dịch lây lan thành dịch lớn.

Qua thống kê của cơ quan chức năng, vụ đông xuân 2013-2014 toàn tỉnh có 48 con gia súc bị chết. Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng trên là do hộ chăn nuôi không tuân thủ các biện pháp phòng - chống như: không quản lý gia súc tại chuồng trại trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, không che chắn lán trại chăn nuôi và tiêm phòng đầy đủ, không cho gia súc, nhất là trâu, bò già, bê, nghé ăn uống đảm bảo về lượng và dinh dưỡng.  

Nhằm chủ động phòng, chống đói rét cho đàn gia súc trong vụ đông xuân năm 2014-2015. UBND tỉnh cũng vừa có Chỉ thị yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể các thành viên ban chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống đói, rét, dịch bệnh từ huyện tới cơ sở. Các cơ quan chuyên môn theo dõi chặt diễn biến tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm, phát hiện sớm các ổ dịch để có biện pháp xử lý kịp thời, hiệu quả, thực hiện tốt công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại khu vực chăn nuôi và tiêm phòng bổ sung cho đàn gia súc. Bên cạnh đó, Sở Tài chính chủ động tham mưu bố trí nguồn kinh phí dự phòng phục vụ công tác phồng, chống đói, rét, dịch bệnh; các cơ quan truyền thông, Trung tâm Khí tượng thủy văn chủ động dự báo tình hình thời tiết để các địa phương và nhân dân kịp thời ứng phó; phối hợp thông tin thường xuyên, chính các về diễn biến thời tiết, tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật phòng, chống đói, rét, dịch bệnh cho vật nuôi để người dân biết, chủ động và tự giác thực hiện.

Ngoài ra, UBND tỉnh cũng yêu cầu UBND các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo các phòng, ban, đoàn thể và chính quyền địa phương có các hành động cụ thể về phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc; cử đoàn công tác đi chỉ đạo trực tiếp, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống đói rét, đặc biệt chú trọng các xã vùng cao còn tập quán thả rông gia súc trong rừng là nơi có nguy cơ vật nuôi bị ảnh hưởng nhiều do đói, rét; cập nhật diễn biến thời tiết, khí hậu, thông tin kịp thời và thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng để người chăn nuôi biết, không chủ quan, bị động trong việc phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn kiểm tra, hướng dẫn người chăn nuôi chủ động dự trữ thức ăn tinh, thức ăn thô, xanh như rơm, rạ, cỏ khô, tận dụng các phụ phẩm làm thức ăn cho trâu, bò. Yêu cầu mỗi gia đình chăn nuôi trâu, bò phải có chuồng trại chống rét và một cây rơm đảm bảo lượng thức ăn bình quân 5-7 kg/con/ngày, che chắn chuồng trại, khi nhiệt độ dưới 12o C phải đưa trâu, bò về chuồng nuôi nhốt, không thả rông trâu, bò trên rừng...