
Từ năm 2018 đến nay, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã phê duyệt, triển khai 22 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh có nội dung liên quan đến sở hữu trí tuệ nói chung và xây dựng, đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ và quản lý, khai thác, phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm đặc sản của tỉnh bằng hình thức: Chỉ dẫn địa lý (CDĐL), Nhãn hiệu chứng nhận (NHCN) và Nhãn hiệu tập thể (NHTT), tiêu biểu như: Nhãn hiệu chứng nhận “Sông Đà- Hòa Bình” cho sản phẩm cá, tôm hồ thủy điện Hòa Bình, Xạ đen Hòa Bình, Mật ong Hòa Bình, Gạo Đà Bắc, Bưởi đỏ Tân Lạc, Chè Sông Bôi, …. Trong đó nổi bật là các nhiệm vụ Khoa học và Công nghệ về xây dựng và phát triển Chỉ dẫn địa lý như: Đề tài “Nghiên cứu, điều chỉnh mở rộng chỉ dẫn địa lý Cao Phong cho sản phẩm Cam của huyện Cao Phong”; Dự án “Quản lý và phát triển Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cam Cao Phong của tỉnh Hòa Bình”; Đề tài “Xây dựng và đăng ký Chỉ dẫn địa lý Kim Bôi cho sản phẩm nước khoáng của huyện Kim Bôi tỉnh Hòa Bình”.
Ủy ban nhân dân các các huyện đã phê duyệt triển khai 14 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở sử dụng kinh phí Khoa học và Công nghệ được cấp hằng năm để bố trí xây dựng, đăng ký bảo hộ Nhãn hiệu tập thể, Nhãn hiệu chứng nhận cho các sản phẩm đặc sản của địa phương mình, tiêu biểu như các sản phẩm: Dê núi Lương Sơn, Gà Thả vườn Lương Sơn, Cam Bưởi Lương Sơn, Rượu cần Lương Sơn, Nhãn Lương Sơn, Gạo Mai Châu, Rượu Mai Hạ, Lợn Bản địa Lạc Sỹ Yên Thủy, Bưởi Yên Thủy, Mật ong Lâm Sơn, Gà đen Hang Kia – Pà Cò Mai Châu, Tỏi tía Mai Châu, Cá Dầm xanh Mai Châu.
Chỉ đạo triển khai có hiệu quả chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển khoa học và công nghệ theo Quyết định số 01/2018/QĐ-UBND ngày 11/01/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh nhằm đẩy mạnh hỗ trợ xây dựng, đăng ký bảo hộ quyền Sở hữu công nghiệp, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, góp phần tăng sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa là các sản phẩm nông sản, đặc sản, đã hỗ trợ từ ngân sách: 335 triệu đồng cho 44 tổ chức đã thực hiện thành công hoạt động đăng ký bảo hộ 59 nhãn hiệu hàng hóa và 04 kiểu dáng công nghiệp.
Trong triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới tỉnh Hòa Bình, đã phân bổ 1.250 triệu đồng để hỗ trợ 20 sản phẩm nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Hòa Bình được áp dụng hệ thống và đăng ký tem truy xuất nguồn gốc, thiết kế, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, thiết kế bao bì sản phẩm; hỗ trợ áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc tỉnh Hòa Bình cho 30 sản phẩm nông sản đặc sản được chứng nhận sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên; tổ chức các Hội nghị tập huấn về các lĩnh vực Khoa học và Công nghệ cho trên 100 lượt tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các chủ sở hữu tài sản trí tuệ được bảo hộ; Biên soạn, phát hành 03 lượt Đăng bạ văn bằng bảo hộ quyền Sở hữu công nghiệp trên địa bàn tỉnh…
Trong giai đoạn từ 2018 đến 3/2023, toàn tỉnh Hòa Bình đã có tổng số 398 đơn đăng ký bảo hộ quyền Sở hữu công nghiệp được nộp mới cho các sản phẩm, dịch vụ của tỉnh; có 159 văn bằng bảo hộ được Cục Sở hữu trí tuệ công bố cấp cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh sản phẩm hàng hóa trên địa bàn tỉnh. Đối với các sản phẩm đặc sản, truyền thống, thế mạnh của tỉnh, từ năm 2018 tới nay có 38 đơn đăng ký bảo hộ Nhãn hiệu chứng nhận, Nhãn hiệu tập thể gắn với tên địa danh của các địa phương trong tỉnh được các địa phương, tổ chức nộp mới. Theo đó, đã có 27 Nhãn hiệu chứng nhận và 09 Nhãn hiệu tập thể được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Hiện toàn tỉnh có 01 Chỉ dẫn địa lý, 27 Nhãn hiệu chứng nhận và 19 Nhãn hiệu tập thể được bảo hộ cho các sản phẩm đặc sản của tỉnh./.