Thung Nai là một xã lòng hồ thuộc huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình, nằm cách thành phố Hòa Bình khoảng 25km. Tương truyền, xưa kia nơi đây là vùng thung lũng, có rất nhiều nai đến kiếm ăn, nên người dân địa phương đã đặt tên là Thung Nai. Đây cũng là vùng đất gắn liền với văn hóa của người Mường hay còn gọi là Xứ Mường. Người dân Bản Mường ở Thung Nai chủ yếu sống bằng nghề làm nông và đánh bắt thủy sản lòng Hồ
Dọc theo con đường lên dốc núi uốn lượn một màu xanh mướt, dừng chân tại bến Bình Thanh là đã đặt chân lên vùng đất Thung Nai. Một khung cảnh non nước hữu tình như bức tranh thủy mặc hiện ra trước mắt. Về Thung Nai, ta thấy một lòng hồ lớn nằm giữa lưng chừng núi và nổi lên giữa làn nước xanh êm ả là những hòn đảo không tên. Xa xa, những con thuyền chở khách thong dong, những mái nhà sàn lấp ló ven, những đập nước tung bọt trắng. Văng vẳng đâu đó, tiếng mái chèo đập nước đánh tôm của người Mường, tiếng gọi nhau í ới của người đi thuyền, tiếng chim véo von trên vách núi …
Thung Nai còn được biết đến với những cái tên như Động Thác Bờ, Đền Thác Bờ, Hang Bờ, Bản Mu, chợ Bờ. Tất cả những cái tên đó gắn liền với sinh hoạt đời thường và cuộc sống tâm linh của người dân miền non nước này. Chỉ mất khoảng 45 phút ngồi trên thuyền thưởng ngoạn quanh cảnh trên hồ đã có thể dừng chân ghé thăm Đền Thác Bờ. Đây là nơi thờ Bà chúa Thác Bờ hay còn gọi là Bà chúa Thượng Ngàn của vùng Tây Bắc, cai quản từ xứ Mường Hòa Bình lên xứ Thái Sơn La, Lai Châu. Tương truyền vào khoảng năm 1430 - 1432, vua Lê Lợi niên hiệu Thuận Thiên đem quân đi dẹp loạn giặc Đèo Cát Hãn ở Mường Lễ, Sơn La. Khi vua Lê Lợi kéo quân đến khu vực Thác Bờ thì thấy giữa dòng nước xoáy phía trước là một thác nước hiểm trở xô bọt trắng trời, với muôn vàn mỏm đá lởm chởm nên đoàn quân không thể tiến lên được.
Lúc bấy giờ ở xã Hào Tráng có cô gái người dân tộc Mường tên là Đinh Thị Vân và cô gái người dân tộc Dao (không rõ tên) ở xóm Mó Nẻ, xã Vầy Nưa, huyện Đà Bắc đứng lên vận động trai tráng trong bản lên rừng xẻ ván, đóng thuyền độc mộc, kêu gọi nhân dân chặt nứa kết thành bè mảng, góp lương thực, thực phẩm cho nhà vua nuôi quân và chở giúp quân sĩ qua Thác Bờ đi đánh giặc.
Trên đường chiến thắng trở về, vào tháng 3 năm Nhâm Tý (1432) vua Lê Lợi dừng chân ở Thác Bờ. Nhà vua dừng lại làm lễ khao quân ngay tại Thác Bờ và 2 cô lại vận động bà con trong bản góp cơm lam, thịt muối chua, rượu cần, múa hát điệu thường rang, bọ mẹng, ném còn, múa xoè để liên hoan mừng chiến thắng. Về sau khi hai bà mất, hai bà thường hiển linh và giúp đỡ mọi người mỗi khi vượt qua thác ghềnh hiểm trở. Từ đó nhân dân đã phong cho 2 bà là bà chúa Thác Bờ. Vua đã ban chiếu chỉ cho dân trong vùng lập đền thờ 2 bà.
Từ Đền Thác Bà, tiếp tục đi thuyền 10 phút đến khám phá Hang Bờ. Anh Cư Văn Thuỷ, Chủ trang trại và du lịch, ẩm thực cho biết: Ngày nước lớn, có thể đi thuyền vào sâu trong lòng hang. Khi nước cạn, có thể đi bộ trên những cây tre được kết làm cầu khỉ. Đi thuyền dọc theo lòng Hồ, cách đó không xa Đền Thác Bờ, đến với địa danh có tên Ngòi Hoa, bản của người Mường nguyên sơ và biệt lập, phương tiện đi lại chủ yếu bằng thuyền. Tại đây, chúng tôi được tham gia vào nếp sống sinh hoạt gắn liền với bản sắc dân tộc vùng miền và thưởng thức các món ăn đặc sản như lợn thả rông, cá nướng sông Đà… Người dân nơi đây hiền hòa, vui vẻ, hiếu khách và nhẹ nhàng như lòng Hồ Thung Nai.
Mặt trời dần khuất sau dãy núi cũng là lúc du thuyền đưa chúng tôi cập bến nơi xuất phát. Một ngày đến với Thung Nai, được hòa mình vào khung cảnh thiên nhiên và nhịp sống thanh bình, khám phá một nét đẹp tiềm ẩn mà thiên nhiên ban tặng.