Năm 2012 tuy mưa bão ít xảy ra trên địa bàn tỉnh Hoà Bình, xong các đợt mưa lớn trong tháng 8 & 9/2012 đã làm một số tuyến đường tỉnh sụt lở taluy đường, sân, tường cánh hạ lưu cầu như: ĐT.433, ĐT.448, ĐT.445,…và các tuyến đang trong thời gian thi công xây dựng như QL12B, QL21 bị ảnh hưởng gây khó khăn cho người và phương tiện tham gia giao thông; gây thiệt hại tổng giá trị ước tính lên đến gần 3.500 triệu đồng. Nhiều tuyến đường bị thiệt hại nặng như Quốc lộ 12B- Mặt đường nhựa bị phá hỏng cục bộ trên 1.470m2; Quốc lộ 21: Mặt đường bị phá hỏng cục bộ trên 14.000m2; sụt lở 17.017 m3 đường tỉnh thiệt hại 1.400 triệu đồng
Xác định công tác phòng chống lụt bão và đảm bảo giao thông an toàn, thông suốt trong mọi tình huống là nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên của ngành. Ngay từ đầu mùa mưa năm 2012 Sở triển khai phương án phòng chống lụt bão với tinh thần chủ động trong phương án; kế hoạch phải cụ thể, sát thực tế; đảm bảo giao thông an toàn thông suốt; hạn chế thấp nhất thiệt hại do lũ, bão gây ra, giải quyết khắc phục hậu quả nhanh nhất.
Trong công tác phòng bị, Sở đã kiểm tra và chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị tăng cường công tác duy tu, sửa chữa, gia cố các công trình xung yếu trước mùa mưa bão; chuẩn bị vật tư, vật liệu, trang thiết bị, máy móc đầy đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng, tập kết tại các vị trí theo quy định dễ lấy, dễ vận chuyển…Ban chỉ huy PCLB Sở và các đơn vị được kiện toàn và có phân công trách nhiệm cá nhân cụ thể. Bố trí phân công lãnh đạo và cán bộ thường trực những ngày nghỉ thứ 7, chủ nhật và nghỉ lễ.
Khi có mưa lũ xảy ra bộ phận thường trực lũ bão của Sở đã kịp thời nắm bắt tình hình và số liệu thiệt hại. Các đơn vị quản lý chủ động triển khai và phối hợp các đơn vị đang thi công trên tuyến để khắc phục đảm bảo thông xe an toàn trong thời gian nhanh nhất. Lãnh đạo Sở và các bộ phận chuyên môn trực tiếp đến hiện trường để chỉ đạo và đôn đốc công tác khắc phục hậu quả lụt bão đảm bảo giao thông. Đồng thời đôn đốc các đơn vị, địa phương báo cáo số liệu để tổng hợp báo cáo Ban chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh, Bộ GTVT.
Các Đơn vị Quản lý đường bộ đã chủ động trong công tác đảm bảo giao thông. Bố trí phương tiện, thiết bị, vật tư và lực lượng công nhân thường trực đảm bảo giao thông, khi có mưa lớn trực gác hai đầu ngầm bị ngập nước để chỉ dẫn cho người và phương tiện tham gia giao thông đảm bảo an toàn. Những vị trí sạt ta luy âm đơn vị quản lý cắm cọc tiêu, rào chắn và có biển báo nguy hiểm. Thông tin báo cáo kịp thời. Chủ động chỉ đạo tại chỗ; sử dụng nhân, vật lực, thiết bị tại chỗ thì công tác khắc phục hiệu quả nhất, nhanh nhất và giảm thiểu được thiệt hại đến mức thấp nhất.
Việc xác định được tuyến, vị trí xung yếu đã giúp cho công tác chỉ đạo và khắc phục đảm bảo giao thông được thực hiện thuận lợi và nhanh chóng hơn rất nhiều. Các đơn vị quản lý phối kết hợp với nhà thầu đang thi công các DA cải tạo, nâng cấp đường để khắc phục đảm bảo giao thông được thực hiện chặt chẽ và hiệu quả.
Năm 2013, công tác PCLB, đảm bảo an toàn giao thông tiếp tục được Sở chỉ đạo triển khai chặt chẽ với phương châm: Chủ động trong phương án, lấy phòng ngừa là chính; Kế hoạch phòng, chống phải cụ thể sát thực tế; Đảm bảo giao thông an toàn thông suốt; Hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất do lụt bão gây ra và chỉ đạo giải quyết khắc phục nhanh nhất; Duy trì thực hiện chế độ báo cáo, thông tin liên lạc từ cơ sở lên trên nhanh chóng kịp thời, chính xác.
Khi có bão lụt xảy ra, các đơn vị và toàn thể cán bộ, công nhân viên ngành Giao thông Vận tải phải chủ động, khẩn cấp thực hiện chống bão, lụt để cứu người, tài sản và công trình bị bão, lụt uy hiếp hoặc bị hư hại. Tình huống xảy ra ở địa bàn nào thì ở đơn vị đó phải có phương án tổ chức khắc phục và đảm bảo giao thông nhanh nhất với khả năng nhân, vật lực của đơn vị mình. Các đơn vị Quản lý đường bộ xúc tiến kiểm tra hệ thống cầu đường nhất là trên các tuyến có điểm xung yếu dễ sụt lở, cầu yếu phải có biển báo nguy hiểm. Ngầm tràn ngập sâu từ 0,5m trở lên phải cử người đứng gác đóng Parie tạm thời không cho xe qua lại. Khi cần thiết phải huy động kho tàng, bến bãi và các trang thiết bị của đơn vị mình để phục vụ đảm bảo giao thông.
Đơn vị quản lý đường sông bố trí các Trạm điều tiết hướng dẫn giao thông; Phối kết hợp với địa phương nơi đóng quân và các cơ quan liên quan bảo vệ tài sản Nhà nước, đơn vị và nhân dân khi có bão lũ. Đảm bảo an toàn giao thông trong mọi tình huống. Khi có bão lũ xẩy ra phải huy động nhanh nhất, mọi khả năng về phương tiện, thiết bị và nhân lực để ứng cứu, cứu hộ cứu nạn kịp thời khắc phục hậu quả.