DetailController

Thời sự trong ngày

Thực hiện đồng bộ, hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới

25/05/2022 00:00
Thực hiện Kế hoạch số 92-KH/TU ngày 30/5/2017 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về Một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế - phấn đấu đưa kinh tế tỉnh Hòa Bình sớm đạt trình độ phát triển trung bình của cả nước vào năm 2020, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh đã tập trung lãnh đạo thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới.
Huyện Lạc Thủy là một trong những địa phương thực hiện tốt công tác quy hoạch dồn điền, đổi thửa, xây dựng các cánh đồng mẫu lớn

Giai đoạn 2017-2021, giá trị tăng thêm ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản bình quân khoảng 3,89%/năm; tốc độ tăng giá trị sản xuất các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản đều tăng nhanh, trung bình đạt trên 5%/năm. Cơ cấu nội ngành chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi, lâm nghiệp và thủy sản, tăng tỷ trọng cây, con đặc sản có giá trị kinh tế cao. Tỉnh đã ưu tiên phát triển nhóm cây ăn quả có múi, mía ăn tươi, rau an toàn; đã hình thành và liên tục mở rộng vùng sản xuất tập trung cây có múi (cam, bưởi) ở huyện Cao Phong, Kim Bôi, Lac Thủy; mía nguyên liệu ở huyện Đà Bắc, Cao Phong, Tân Lạc, Lạc Sơn, Yên Thủy; sản xuất rau hữu cơ, rau sạch tại huyện Lương Sơn, Tân Lạc, Mai Châu; duy trì phát triển vùng chè xanh ở huyện Lạc Thủy, Yên Thủy, Lương Sơn; vùng chè Shan tuyết ở huyện Mai Châu, Đà Bắc, Tân Lạc. Năm 2017, diện tích cây ăn quả có múi là 8,08 nghìn ha, diện tích kinh doanh trên 3,6 nghìn ha, sản lượng khoảng 8,87 vạn tấn thì đến năm 2021, diện tích cây ăn quả có múi toàn tỉnh đạt trên 10 nghìn ha, trong đó diện tích kinh doanh đạt trên 8 nghìn ha, sản lượng đạt khoảng 17,4 vạn tấn. Toàn tỉnh đã có 4.086 ha diện tích đủ điều kiện an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, trong đó cây có múi 3.373 ha, rau an toàn các loại 561 ha và 152 ha cây trồng khác. Công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thực hiện mô hình cánh đồng lớn có giá trị kinh tế cao tiếp tục được đẩy mạnh. Trong giai đoạn đã thực hiện chuyển đổi được gần 7 nghìn ha đất trồng lúa, màu kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao; những mô hình chuyển đổi theo hướng cánh đồng lớn, có giá trị cao, quy mô lớn như mô hình trồng nhãn thu nhập trên 250 triệu đồng/ha/vụ tại Kim Bôi, trồng dưa chuột Nhật thu nhập trên 100 triệu đồng/ha/vụ tại Kỳ Sơn, Kim Bôi, mô hình sản xuất dưa lưới, dưa chuột thu nhập trên 500 triệu đồng/ha/vụ tại Lạc Thủy....

          Các địa phương đã hình thành các mô hình liên kết có hiệu quả như mô hình trồng ớt xuất khẩu, mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ dưa chuột Nhật,. Một số địa phương đã chủ động đưa các giống chất lượng cao vào gieo cấy, phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của từng vùng như mô hình gieo cấy giống lúa chất lượng cao J02, mô hình thâm canh giống lúa Bắc Hương 9,... Ngành chăn nuôi của tỉnh cũng từng bước chuyển dịch theo hướng hình thành các vùng chăn nuôi quy mô lớn theo hình thức trang trại, gia trại tập trung sử dụng giống năng suất cao, thay đổi phương thức chăn nuôi, đảm bảo an toàn dịch bệnh, tăng hiệu quả chăn nuôi. Tỉnh tập trung chuyển sang nuôi các loại gia súc, gia cầm phù hợp với lợi thế của địa phương đồng thời phù hợp với nhu cầu thị trường, đặc biệt là thị trường Hà Nội, trong đó tập trung phát triển 5 loài vật nuôi lợi thế là trâu, bò, lợn, gia cầm, dê, đang từng bước phát triển theo hướng tập trung công nghiệp, hình thành các vùng chăn nuôi, mô hình chăn nuôi trang trại sử dụng giống năng suất cao, thay đổi phương thức chăn nuôi, đảm bảo an toàn dịch bệnh, tăng hiệu quả chăn nuôi. Liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị được hình thành và hoạt động có hiệu quả, như mô hình HTX liên kết sản xuất, tiêu thụ gà Hương Nhượng, huyện Lạc Sơn; HTX liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm gà Lạc Thủy; HTX Liên kết tiêu thụ sản phẩm dê huyện Lương Sơn; HTX Liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lợn bản địa Hồng Vân, huyện Lương Sơn...

          Lĩnh vực lâm nghiệp phát triển theo hướng tăng diện tích trồng cây gỗ lớn, cây bản địa. Diện tích trồng rừng hằng năm đều vượt kế hoạch đề ra; từ năm 2017 đến nay, toàn tỉnh đã trồng được khoảng 36.613 ha rừng, bình quân hàng năm đạt 7,3 nghìn ha, chủ yếu là rừng sản xuất; độ che phủ rừng tăng từ 51,1% năm 2017 lên đạt 51,5% vào năm 2021; hệ thống rừng giống, vườn ươm giống cây lâm nghiệp được cải thiện, đã xây dựng cải tạo được 6 vườn ươm giống và 8 rừng giống. Nuôi trồng thủy sản phát triển khá nhanh theo hướng tăng tỷ trọng sản lượng nuôi lồng và kết hợp nuôi trồng trên các hồ thủy lợi. Các chỉ tiêu về diện tích nuôi trồng, sản lượng khai thác, giá trị ngành thủy sản năm sau luôn đạt cao hơn năm trước. Diện tích nuôi trồng thủy sản đến nay đạt 2,7 nghìn ha và 4,7 nghìn lồng nuôi cá. Một số loài thuỷ sản có giá trị kinh tế cao đã được đưa vào sản xuất và đã thu được kết quả tốt như cá trắm đen, cá lăng, cá hồi, cá dầm xanh, cá chiên Đã triển khai được 01 mô hình sản xuất chuỗi cá sông Đà theo chuỗi giá trị và 04 dự án “Liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cá đặc sản sông Đà theo chuỗi giá trị”.

          Bên cạnh đó, tỉnh đã chủ trọng thực hiện chương trình xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại và tiêu thụ sản phẩm. Đã xây dựng chỉ dẫn địa lý “Cao Phong” cho sản phẩm cam quả của huyện Cao Phong và 7 nhãn hiệu tập thể Mía tím Hòa Bình, Hạt dổi Lạc Sơn, quả lặc lày và rau hữu cơ của huyện Lương Sơn, Bưởi đỏ Tân Lạc, Cam Lạc Thủy,...; một số sản phẩm đang trong quá trình triển khai xây dựng nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể như: sản phẩm Cá, Tôm (Sông Đà, hồ Hòa Bình), Mật ong Hòa Bình, Gà Lạc Sơn, quýt Nam Sơn - Tân Lạc, Hồng bì Kỳ Sơn, Khoai Phúc Sạn (Mai Châu),... Chủ động xúc tiến thương mại, đẩy mạnh hoạt động tìm hiểu thị trường đối với các sản phẩm hàng hóa chủ lực của tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh có 100 sản phẩm OCOP đạt chuẩn 3 đến 4 sao; công nhận 9 làng nghề, làng nghề truyền thống.

          Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều kết quả quan trọng, bộ mặt nông thôn từng bước được đổi mới, hạ tầng kinh tế - xã hội chuyển biến rõ rệt, đời sống của nông dân được nâng lên, an sinh xã hội được bảo đảm; các điều kiện về giáo dục, y tế, văn hóa tiếp tục được cải thiện. Vai trò của hệ thống chính trị ở cơ sở tiếp tục được củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động; quyền làm chủ của nhân dân được đề cao, an ninh trật tự ở nông thôn được giữ vững. Trong 3 năm 2017-2019, toàn tỉnh đã có thêm 49 xã đạt chuẩn nông thôn mới; lũy kế đến cuối năm 2019, toàn tỉnh có 88xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 46% tổng số xã), trung bình số tiêu chí nông thôn mới trên 1 xã đạt 15,01 tiêu chí. Thực hiện Nghị quyết 830/NQ-UBTVQH của Ủy ban thường vụ Quốc hội về sắp xếp lại  đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh, đến cuối năm 2021, toàn tỉnh có 65/129 xã đạt chuẩn nông thôn mới (02 xã Sủ Ngòi, Trung Minh đã đạt chuẩn nông thôn mới được UBTVQH quyết định thành lập phường), chiếm 50,4% tổng số xã, 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và có 03 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới./.