Để đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm, khả năng tiếp cận lương thực của người dân cũng như nhu cầu về dinh dưỡng và an toàn thực tập cần thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng an toàn, hiệu quả, sản xuất hàng hóa lớn gắn với thị trường tiêu thụ, gắn kết chặt chẽ với công nghiệp chế biến, du lịch, bảo vệ môi trường, sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Về trồng trọt, giữ ổn định diện tích gieo trồng các nhóm cây trồng chủ lực hàng năm: Cây lúa từ 33-35 ngàn ha, cây ngô 38-40 ngàn ha (gồm cả ngô sinh khối), đảm bảo sản lượng lương thực cây có hạt 36 vạn tấn; diện tích cây ăn quả trên 16 ngàn ha; cây rau 11-12 ngàn ha, cây mía ăn tươi khoảng 6-7 ngàn ha. Sản xuất tập trung, quy mô lớn, trên cơ sở phát huy lợi thế vùng, miền; gắn với đảm bảo an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng và hoạt động bảo quản, chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị, đáp ứng thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Về chăn nuôi, duy trì tốc độ phát triển đàn: Trâu 0,5%/năm, bò 2,3%/năm, lợn 3%/năm, gia cầm 3,5%/năm, dê 3,5%/năm; sản lượng trứng, sữa đến năm 2030 đạt 150 triệu quả trứng, 550 tấn sữa...Khuyến khích phát triển chăn nuôi tập trung công nghiệp phù hợp với các vùng, khu quy hoạch phát triển chăn nuôi của tỉnh và chương trình phát triển nông thôn mới. Tập trung phát triển các loại giống vật nuôi có lợi thế của địa phương theo chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh…
Về thủy sản, đảm bảo diện tích nuôi ao hồ nhỏ, nuôi hồ chứa thuỷ lợi đạt 3.000 ha, 7.000 lồng, bè nuôi cá thể tích 490.000 m3. Sản lượng nuôi trồng và khai thác đạt 16.000 tấn/năm. Tăng cường sản xuất, ương dưỡng giống đặc biệt là ương các giống có giá trị kinh tế, giống chủ lực trong lồng trên hồ thủy điện Hòa Bình; đẩy mạnh nuôi trồng các loài thủy đặc sản có giá trị kinh tế cao trên các thủy vực lớn. Phát triển thủy sản theo hướng bền vững trên cơ sở ứng dụng công nghệ mới; xây dựng và nhân rộng mô hình sản xuất khép kín theo chuỗi giá trị; đẩy mạnh liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ và xây dựng nhãn hiệu tập thể với cá sông Đà…
Hoàn thiện cơ chế, chính sách đất đai, đầu tư, tài chính, tín dụng, thương mại hỗ trợ cho nông dân, địa phương và doanh nghiệp sản xuất kinh doanh lương thực, thực phẩm. Phát triển cơ sở hạ tầng và khoa học công nghệ. Đẩy mạnh nghiên cứu chọn tạo, sử dụng các giống cây trồng, vật nuôi mới sạch bệnh có năng suất, sản lượng, chất lượng và chống chịu cao với từng vùng sinh thái. Từng bước xây dựng các sản phẩm OCOP của tỉnh. Xây dựng,thiết lập phần mềm cơ sở dữ liệu về nuôi trồng thủy sản thuộc cơ sở dữ liệu Quốc gia về thủy sản trên địa bàn tỉnh Hòa Bình; Triển khai thực hiện Đề án thí điểm bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản lưu vực sông Đà khu vực hồ Hòa Bình…
Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng đội ngũ cán bộ kỹ thuật và quản lý nông nghiệp có trình độ chuyên môn sâu, có kỹ năng, kỹ thuật, tâm huyết trong xây dựng và phát triển nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao. Từng bước xây dựng lực lượng lao động nông nghiệp, nông thôn chuyên nghiệp, lành nghề để tạo ra các sản phẩm có giá trị hàng hóa và khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Thúc đẩy kinh tế hộ phát triển sản xuất quy mô trang trại, hình thành doanh nghiệp vừa và nhỏ sản xuất gắn với thị trường. Thúc đẩy hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản, kết nối hệ thống tiêu thụ theo nguyên tắc: doanh Khuyến khích phát triển Hiệp hội ngành hàng. Khuyến khích hỗ trợ, tạo điều kiện để các trang trại phát triển thành doanh nghiệp nông nghiệp; tích cực thu hút các doanh nghiệp có tiềm lực khoa học công nghệ và tài chính đầu tư vào nông nghiệp của tỉnh.
Nâng cao khả năng và quyền tiếp cận của người dân đối với lương thực, thực phẩm an toàn, đảm bảo dinh dưỡng; phát triển hệ thống lưu thông, xuất khẩu; hợp tác quốc tế trong đảm bảo an ninh lương thực. Tăng cường hợp tác quốc tế, tạo điều kiện kết nối giữa các doanh nghiệp của tỉnh với các doanh nghiệp nước ngoài trong việc phát triển các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ lúa gạo, nông sản hàng hóa. Duy trì, phát triển các thị trường truyền thống như Trung Quốc, Nhật Bản và tìm kiếm mở rộng các thị trường mới cho xuất nhập khẩu giống, lúa gạo nông sản của tỉnh…
Phát triển hệ thống thông tin an ninh lương thực, kiện toàn và tăng cường hệ thống giám sát, theo dõi diễn biến sản xuất, dự báo sản lượng lương thực trong tỉnh, cảnh báo diễn biến bất lợi thời tiết tác động tới sản lượng lương thực, nông sản để có giải pháp ứng phó kịp thời, có hiệu quả. Tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp nông thôn…
Nâng cao hiệu quả quản lý; sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bền vững tài nguyên đất, nước, rừng. Nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai; áp dụng các biện pháp thâm canh bền vững các nguồn gen cây trồng vật nuôi thủy sản. Thực hiện tốt các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các hoạt động phát sinh rác thải, nước thải, khí thải và các chất gây ô nhiễm môi trường khác; sử dụng hợp lý phân hóa học, hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật nhằm bảo vệ môi trường đất và nước ngầm./.