DetailController

Quốc phòng - An ninh

Thực hiện một số quy định về bảo vệ bí mật nhà nước trên địa bàn tỉnh

08/02/2023 00:00
Để triển khai thực hiện hiệu quả Luật Bảo vệ bí mật nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành, ngày 3/02/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Công văn số 120/UBND-NKV về việc thực hiện một số quy định về bảo vệ bí mật nhà nước trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành của tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố triển khai thực hiện nghiêm túc hướng dẫn của Bộ Công an tại Công văn số 4114/BCA-ANCTNB ngày 25/11/2022 về việc hướng dẫn thực hiện một số quy định của Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, cụ thể như sau: 

Xác định bí mật nhà nước và độ mật của bí mật nhà nước

Về thẩm quyền: Khoản 2, Điều 10 Luật Bảo vệ bí mật nhà nước quy định người đứng đầu cơ quan, tổ chức có trách nhiệm xác định bí mật nhà nước và độ mật của bí mật nhà nước. Tuy nhiên, trong hệ thống chính trị, cấp phó người đứng đầu cơ quan, tổ chức là cấp giúp việc trực tiếp cho cấp trưởng, được cấp trưởng phân công phụ trách các phần việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc thẩm quyền của cấp trưởng (thể hiện trong quy chế làm việc hay văn bản phân công công tác hàng năm của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc quy chế, nội quy bảo vệ bí mật nhà nước); đồng thời cấp trưởng vẫn phải chịu trách nhiệm đối với phần việc đã phân công cho cấp phó. Do đó, cấp phó được uỷ quyền của người đứng đầu cơ quan, tổ chức cũng có trách nhiệm xác định bí mật nhà nước và độ mật của bí mật nhà nước đối với những thông tin thuộc lĩnh vực được phân công phụ trách.

Trường hợp ký thừa lệnh, thừa uỷ quyền, thay mặt: Các trường hợp ký thừa lệnh, thừa uỷ quyền hoặc ký thay mặt phải có văn bản đề xuất người đứng đầu cơ quan, tổ chức quyết định bí mật nhà nước và độ mật của bí mật nhà nước.

Áp dụng danh mục bí mật nhà nước: Theo quy định tại Khoản 1, Điều 10 Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, việc xác định bí mật nhà nước và độ mật của bí mật nhà nước phải căn cứ vào danh mục bí mật nhà nước và độ mật của bí mật nhà nước phải căn cứ vào danh mục bí mật nhà nước. Theo đó, khi được giao soạn thảo tài liệu, các cơ quan, tổ chức phải căn cứ vào 35 danh mục bí mật nhà nước thuộc các ngành, lĩnh vực đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành để xác định bí mật nhà nước và độ mật của bí mật nhà nước.

Dự thảo văn bản chứa nội dung bí mật nhà nước: Khi chưa được người có thẩm quyền quyết định độ mật và ký ban hành thì không đóng dấu chỉ độ mật trên dự thảo văn bản. Theo đó, khi gửi dự thảo phải có văn bản yêu cầu nơi nhận có trách nhiệm bảo vệ nội dung dự thảo, bảo đảm không để xảy ra lộ, mất bí mật nhà nước.

Đối với nội dung “Được phép hoặc không được phép sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước” quy định tại Khoản 2, Điều 10, Luật Bảo vệ bí mật nhà nước: - Thẩm quyền: Căn cứ Điều 2, Nghị định số 26/2020/NĐ-CP ngày 28/02/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ bí mật nhà nước (Nghị định số 26) cơ quan, tổ chức ban hành, phát hành tài liệu hoặc tạo ra vật chứa bí mật nhà nước quyết định việc được phép hoặc không được phép sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước.

Hình thức thể hiện: Căn cứ Khoản 1, Điều 2, Nghị định số 26 nội dung “được phép hoặc không được phép sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước” phải được thể hiện ở mục “nơi nhận” của tài liệu. - Việc áp dụng quy định “không được phép sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước” nhằm hạn chế việc sao, chụp tuỳ tiện dẫn đến lộ, mất bí mật nhà nước. Theo đó, nội dung “không được phép sao, chụp tài liệu, vật chưa bí mật nhà nước” được áp dụng trong trường hợp bí mật nhà nước có độ mật cao (như Tuyệt mật) để hạn chế tối đa người tiếp cận và không sao, chụp vẫn có thể triển khai nội dung bí mật nhà nước. Việc áp dụng quy định “Được phép sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước”: được áp dụng trong trường hợp bí mật nhà nước có phạm vi phổ biến rộng.

Về đóng dấu “BẢN SỐ” trên tài liệu bí mật nhà nước”: Tất cả văn bản bí mật nhà nước đã được người có thẩm quyền ký (kể cả bản lưu tại văn thư và bản lưu tại đơn vị soạn thảo) đều phải đóng dấu “BẢN SỐ” theo thứ tự từ 01 đến bản cuối cùng để quản lý số lượng tài liệu mật đã ký, ban hành.

Xử lý, khắc phục trường hợp cơ quan, tổ chức xác định sai bí mật nhà nước và độ mật của bí mật nhà nước: Thực hiện xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/11/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình. Đồng thời, yêu cầu cơ quan, tổ chức xác định sai bí mật nhà nước và độ mật của bí mật nhà nước có văn bản đính chính hoặc thu hồi bí mật nhà nước đã phát hành.

Ban hành danh mục bí mật nhà nước

Theo quy định tại Khoản 1, Điều 9, Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, Thủ tướng Chính phủ là chủ thể duy nhất có thẩm quyền ban hành danh mục bí mật nhà nước; các cơ quan, tổ chức (gồm cả tổ chức đảng) chỉ triển khai áp dụng trực tiếp 35 danh mục bí mật nhà nước đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành và không được tự ban hành danh mục bí mật nhà nước.

Sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước

Việc sao tài liệu bí mật nhà nước: Luật Bảo vệ bí mật nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành không quy định phải có phiếu trình hoặc tờ trình đề xuất việc sao tài liệu bí mật nhà nước. Cơ quan, tổ chức khi thực hiện sao tài liệu bí mật nhà nước phải đóng dấu “BẢN SAO BÍ MẬT NHÀ NƯỚC” trước, ghi đầy đủ thông tin về hình thức sao, ngày, tháng, năm sao, nơi nhận, sau đó trình lãnh đạo có thẩm quyền duyệt ký bản sao.

Trường hợp sao nhiều bản: Có thể thực hiện nhân bản từ văn bản bí mật nhà nước đã có chữ ký của người có thẩm quyền của cơ quan, tổ chức ban hành tài liệu gửi đến, đóng dấu “BẢN SAO SỐ”, “BẢN SAO BÍ MẬT NHÀ NƯỚC” quy định tại Thông tư số 24/2020/TT-BCA ngày 10/3/2020 của Bộ trưởng Bộ Công an ban hành biểu mẫu sử dụng trong công tác bảo vệ bí mật nhà nước (Thông tư số 24), ghi hình thức sao, thời gian sao, số lượng, nơi nhận bản sao và trình lãnh đạo có thẩm quyền ký sao. Sau đó photocopy đủ số lượng đã được lãnh đạo duyệt ký sao; đóng dấu tròn đỏ của cơ quan, tổ chức trên các văn bản sao (trường hợp này, dấu bản sao số, dấu bản sao bí mật nhà nước là dấu đen được photo, nhưng dấu tròn của cơ quan, tổ chức phải là dấu đỏ; không phải đóng thêm dấu chỉ độ mật đỏ trên các bản sao). Đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị không có con dấu riêng thì người có thẩm quyền ký trực tiếp tại dấu “BẢN SAO BÍ MẬT NHÀ NƯỚC”.

Đối với dự thảo văn bản chứa nội dung bí mật nhà nước chưa có chữ ký của người có thẩm quyền của cơ quan, tổ chức: Không phải thực hiện quy trình sao theo quy định tại Điều 3, Nghị định số 26.

 Ký sao tài liệu bí mật nhà nước theo hình thức thừa lệnh, thừa uỷ quyền: việc sao tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước phải thực hiện theo quy định tại Điều 11 Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, Điều 3 Nghị định số 26 và Khoản 9, 10, 11, 12, 13, 19 Điều 2, Thông tư số 24. Theo đó, thẩm quyền cho phép sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước được quy định trực tiếp tại các văn bản trên, không được phép uỷ quyền tiếp nên việc ký sao tài liệu bí mật nhà nước theo hình thức thừa lệnh, thừa uỷ quyền là không đúng quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.

Giải mật bí mật nhà nước

Đối với tài liệu không có nội dung bí mật nhà nước được cơ quan, tổ chức xác định đóng dấu độ mật: Yêu cầu cơ quan, tổ chức xác định sai bí mật nhà nước và độ mật có văn bản đính chính hoặc thu hồi bí mật nhà nước đã phát hành, không thực hiện quy trình giải mật theo quy định tại Điều 22 của Luật.

Bí mật nhà nước được giải mật toàn bộ hoặc một phần trong trường hợp cần giải mật để đáp ứng yêu cầu thực tiễn bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập, hợp tác quốc tế. Quy trình, thủ tục giải mật toàn bộ hoặc một phần thực hiện theo quy định tại Khoản 4, Điều 22 của Luật Bảo vệ bí mật nhà nước.

Ban hành quy chế, nội quy bảo vệ bí mật nhà nước

Luật bảo vệ bí mật nhà nước và văn bản hướng dẫn thi hành không quy định hình thức ban hành quy chế bảo vệ bí mật nhà nước nên quy chế có thể ban hành theo hình thức văn bản quy phạm pháp luật hoặc văn bản hành chính. Việc ban hành theo hình thức văn bản quy phạm pháp luật phải đảm bảo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Nghị định 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (Nghị định số 34), Nghị định số 154/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Tổ chức cơ sở đảng ở cơ quan, đơn vị không phải ban hành nội quy riêng mà áp dụng theo nội quy bảo vệ bí mật nhà nước của cơ quan, đơn vị đó.

Phân công cán bộ kiêm nhiệm thực hiện nhiệm vụ bảo vệ bí mật nhà nước tại cấp xã: Luật Bảo vệ bí mật nhà nước và văn bản hướng dẫn thi hành không quy định Đảng uỷ, HĐND, UBND cấp xã phải bố trí cán bộ kiêm nhiệm thực hiện nhiệm vụ bảo vệ bí mật nhà nước nên việc bố trí hay không do người đứng đầu của cơ quan, tổ chức, đơn vị này tự quyết định./.