Mục tiêu của Kế hoạch phấn đấu đến năm 2025, 100% huyện/thành phố, 100% trạm y tế trong tỉnh triển khai Mô hình xét nghiệm phòng Bệnh Tan máu bẩm sinh tại trạm y tế, đảm bảo cho người dân được tiếp cận dịch vụ thuận tiện, ngay tại địa phương; 100% trường hợp phát hiện mang gen bệnh được quản lý, theo dõi, cung cấp kiến thức, tư vấn để phòng Bệnh Tan máu bẩm sinh cho thế hệ sau; có 70% vị thành niên/thanh niên được cung cấp kiến thức cơ bản về phòng Bệnh Tan máu bẩm sinh.
Tiến độ thực hiện gồm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1: Đến hết năm 2022 tập trung xây dựng Kế hoạch và triển khai Mô hình điểm tại 18 xã của 06 huyện, thành phố; giai đoạn 2: Năm 2023 - 2025 sẽ nhân rộng, triển khai tại 151 xã/151 xã, phường, thị trấn của 10/10 huyện, thành phố. Giai đoạn 3: Hoàn thiện mô hình vào cuối năm 2025, từ năm 2026 trở đi sẽ đưa chỉ tiêu “số đối tượng được xét nghiệm phòng Bệnh Tan máu bẩm sinh” vào chỉ tiêu kế hoạch giao hàng năm của công tác Dân số và Phát triển.
Để triển khai hiệu quả Kế hoạch, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện/thành phố tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Cấp ủy, chính quyền các cấp về phòng Bệnh Tan máu bẩm sinh, nâng cao chất lượng dân số. Chủ phối hợp triển khai hoạt động truyền thông chuyển đổi hành vi nhằm tăng tỷ lệ người dân sẵn sàng chi trả kinh phí, chủ động đăng ký tham gia xét nghiệm sàng lọc gen Bệnh Tan máu bẩm sinh. Đổi mới truyền thông, vận động về phòng Bệnh Tan máu bẩm sinh. Chú trọng nội dung, đa dạng hình thức và cách tiếp cận phù hợp với từng vùng, từng nhóm đối tượng; ưu tiên các đối tượng là vị thành niên/thanh niên, người có người thân mang gen Bệnh Tan máu bẩm sinh, phụ nữ mang thai. Xây dựng mạng lưới và nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ xét nghiệm sàng lọc gen Bệnh Tan máu bẩm sinh. Tăng cường quản lý đối tượng mang gen bệnh để quản lý, kịp thời tư vấn sâu về chuyên môn, mục tiêu cuối cùng là phòng được Bệnh Tan máu bẩm sinh cho con của từng đối tượng mang gen.
Các hoạt động cụ thể được triển khai trong thời gian tới, gồm: Xây dựng Góc truyền thông, tư vấn phòng Bệnh Tan máu bẩm sinh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh; truyền thông, vận động chuyển đổi hành vi nhằm tăng tỷ lệ các đối tượng tự nguyện đến cơ sở xét nghiệm sàng lọc gen bệnh; đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng; tổ chức lấy mẫu máu xét nghiệm tại trạm y tế. Ngoài ra các còn tăng cường giám sát hỗ trợ: các hoạt động của Mô hình, công tác lấy mẫu máu xét nghiệm sàng lọc gen bệnh, công tác quản lý theo dõi đối tượng. Xây dựng, hoàn thiện nội dung và in Sổ quản lý đối tượng mang gen Bệnh Tan máu bẩm sinh.
Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch hoạt động và tổ chức triển khai thực hiện Mô hình xét nghiệm phòng Bệnh Tan máu bẩm sinh tại trạm y tế trên phạm vi toàn tỉnh. Giám sát các hoạt động, báo cáo kết quả hoạt động Mô hình can thiệp giảm thiểu mắc Bệnh Tan máu bẩm sinh triển khai trên địa bàn tỉnh về Uỷ ban nhân dân tỉnh và Tổng cục Dân số, kiến nghị đề xuất./.