DetailController

Quốc phòng - An ninh

Thực hiện Luật Tín ngưỡng, tôn giáo góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc

26/04/2021 00:00
Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 360 cơ sở tín ngưỡng. Phần lớn các cơ sở tín ngưỡng đều có quy mô và phạm vi hoạt động nhỏ, một số mới được khôi phục lại trong những năm gần đây để đáp ứng nhu cầu tâm linh của người dân. Có 03 tôn giáo với các tín đồ tôn giáo chiếm 5,9% dân số toàn tỉnh, hầu hết là dân tộc Mường, dân tộc Kinh. Các tôn giáo đã có mặt trên địa bàn 10/10 huyện, thành phố, 99/151 xã, phường, thị trấn; có 03 tổ chức tôn giáo trực thuộc được chấp thuận thành lập theo quy định của pháp luật.
Trong những năm qua, hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng trên địa bàn tỉnh đã hoạt động theo quy định của pháp luật, phù hợp với truyền thống tốt đẹp của dân tộc, phong tục, tập quán của địa phương

Trong những năm qua, các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định, thuần túy, tuân thủ pháp luật, không có vụ việc phức tạp, điểm nóng liên quan xảy ra. Hầu hết tín đồ tôn giáo và Nhân dân chấp hành đúng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định, khối đại đoàn kết toàn dân được giữ vững. Bên cạnh đó cũng còn một số vấn đề cần quan tâm như: Trước sự phát triển nhanh chóng của xã hội, cùng với việc thâm nhập của các loại hình tín ngưỡng, tôn giáo mới làm cho tín ngưỡng truyền thống của một bộ phận nhân dân đứng trước nguy cơ mai một…

Nhằm tổ chức thực hiện có hiệu quả Luật và Nghị định số 162/2017/NĐ-CP, căn cứ Quyết định số 306/QĐ-TTg ngày 08/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo. Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang, cấp ủy, chính quyền địa phương đã tập trung quán triệt, triển khai thực hiện Luật và Nghị định tới cán bộ, công chức, chiến sỹ, các tầng lớp nhân dân, tín đồ tôn giáo trên địa bàn. Đến nay đã tổ chức được 593 lớp bồi dưỡng, hội nghị tuyên truyền, phổ biến cho 27.309 lượt người (trong đó 395 hội nghị cho cán bộ, công chức làm công tác tôn giáo với 24.532 lượt người, 198 hội nghị cho chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo với 2.777 lượt người).

Sau 03 năm thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định số 162, tình hình tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh Hòa Bình ổn định; đã có sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức đối với vấn đề tôn giáo và công tác tôn giáo, sinh hoạt tôn giáo ổn định, đáp ứng được nhu cầu tự do tín ngưỡng, tôn giáo của đồng bào có đạo, Nhân dân, tín đồ thuộc các tôn giáo ngày càng tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đoàn kết chấp hành các quy định của địa phương, tích cực tham gia lao động sản xuất phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cả về vật chất và tinh thần; chức sắc, chức việc các tôn giáo chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật và những chủ trương, chính sách của địa phương; không có các hành vi kích động tín đồ, phật tử chống đối hoặc cầu nguyện, ra thư chung hiệp thông ủng hộ các hành vi cực đoan vi phạm pháp luật.

Tuy nhiên, một số ít cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở chưa có nhiều sự quan tâm về công tác tín ngưỡng, tôn giáo. Sự phối kết hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể trong công tác tôn giáo để giải quyết các vấn đề tôn giáo có lúc, có nơi chưa chủ động, chưa chặt chẽ. Công tác bám nắm địa bàn của cán bộ cấp cơ sở còn chưa thực sự chủ động và có hiệu quả, trình độ chuyên môn và kiến thức pháp luật còn chưa đáp ứng với tình hình thực tiễn; nhận thức của một bộ phận nhỏ đồng bào dân tộc còn thấp, không đồng đều, do đó dễ bị các đối tượng theo các đạo lạ lợi dụng lôi kéo. Bên cạnh đó, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo mới chỉ quy định chung, chưa có các chế tài xử phạt đối với những hành vi vi phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo. Các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh cơ bản tuân thủ pháp luật; tuy nhiên vẫn còn xảy ra một số hoạt động vi phạm như truyền đạo, tổ chức quyên góp, sinh hoạt tôn giáo tập trung,… trái pháp luật.

Có thể nói, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo được ban hành thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với công tác tín ngưỡng, tôn giáo. Trong quá trình thi hành Luật đã góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tạo điều kiện để quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và các giá trị dân chủ, văn minh, nâng cao niềm tin của người có tín ngưỡng, tôn giáo vào chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; góp phần thực hiện tốt chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước, đấu tranh chống hoạt động lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo chống Đảng và Nhà nước./.