Theo đó, Kế hoạch tập trung vào 9 nội dung chính, đó là: Nâng cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị; thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng; Hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội; đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của công tác phòng, chống tham nhũng; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, điều tra, truy tố, xét xử; nâng cao hiệu quả công tác giám định thiệt hại, thu hồi tài sản tham nhũng; kiểm soát tài sản, thu nhập; thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước; nâng cao nhận thức và phát huy vai trò, trách nhiệm của xã hội; khen thưởng người phản ánh, tố cáo, báo cáo về hành vi tham nhũng.
Trong quá trình tổ chức thực hiện phải bảo đảm quán triệt quan điểm, mục tiêu, giải pháp của Đảng và Nhà nước trong phòng, chống tham nhũng và đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác phòng chống tham nhũng, quan điểm phòng ngừa là chính, cơ bản, lâu dài. Kịp thời phát hiện, xử lý tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng là quan trọng, cấp bách. Kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa, chủ động phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm minh, kịp thời những người có hành vi tham nhũng, bao che, dung túng, tiếp tay cho tham nhũng, can thiệp, cản trở việc chống tham nhũng; không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không chịu bất kỳ sức ép không trong sáng của tổ chức, cá nhân nào.
Ủy ban nhân dân tỉnh giao Thanh tra tỉnh đôn đốc, kiểm tra việc xây dựng và triển khai thực Kế hoạch hành động này và các chương trình, kế hoạch, văn bản chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác phòng, chống tham nhũng đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong tỉnh. Thực hiện tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định.
Giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị, người đứng đầu các doanh nghiệp nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tỉnh quản lý trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình có trách nhiệm tổ chức triển khai,thực hiện kế hoạch. Rà soát các quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn, quy trình nghiệp vụ công tác trình cơ quan có thẩm quyền ban hành, nhằm phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực; xây dựng, ban hành và tổ chức việc tuyên truyền, giáo dục phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng theo quy định.
Đồng thời, đề nghị hiệp hội doanh nghiệp tỉnh căn cứ vào quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng và pháp luật khác có liên quan chỉ đạo các hội viên ban hành quy tắc đạo đức kinh doanh, quy tắc đạo đức nghề nghiệp đối với người lao động, thành viên, hội viên của mình; thực hiện quy tắc ứng xử, cơ chế kiểm soát nội bộ nhằm phòng ngừa, kiểm soát xung đột lợi ích, ngăn ngừa tham nhũng; phát động phong trào không đưa hối lộ, chi phí không chính thức cho cán bộ, công chức, viên chức; tích cực, chủ động tham gia phát hiện các biểu hiện, các hành vi tham nhũng, lãng phí, thông tin kịp thời, chính xác, trung thực cho các cơ quan chức năng có thẩm quyền để có biện pháp xử lý./.