
Bà Đỗ Kim Cúc, một người dân ở Tiểu khu 11, thị trấn Lương Sơn chia sẻ: So với 3 - 4 năm trước, các đường liên khu ở thị trấn đã thay đổi nhiều. Không còn cảnh lỗ chỗ ổ gà, đường hẹp, khó đi hay đường đất lầy lội mà thay vào đó là những con đường được cứng hóa bằng bê tông bằng phẳng và chắc chắn. Bà con các tiểu khu thực hiện Đề án cứng hóa GTNT rất phấn khởi, đồng tình nên việc thi công, bàn giao đúng tiến độ. Công việc quản lý, sửa chữa nhỏ trên các tuyến đường cứng hóa cũng được người dân hết lòng tham gia, ủng hộ cả về chủ trương và sức người, sức của. Với ý thức bảo vệ, giữ gìn của người dân, các tuyến đường GTNT luôn được phong quang, sạch đẹp, đảm bảo VSMT và hoạt động lưu thông tại địa bàn.
Đến nay, các tuyến đường liên xã, liên xóm, thôn toàn huyện đã đạt tỷ lệ cứng hóa gần 50%. Nhu cầu của người dân về cứng hóa đường GTNT ngày càng cao, số km đường cứng hóa vì thế cũng tăng mạnh qua các năm. Đặc biệt, 3 năm gần đây, huyện đã được phân bổ và hoàn thành gần 40 km đường bê tông xi măng. Ngoài kinh phí hỗ trợ một phần của tỉnh, T.ư, huyện còn dành nguồn vốn đối ứng để cùng với nhân dân các thôn, xóm, KDC thực hiện tốt đề án. Thị trấn Lương Sơn, các xã: Nhuận Trạch, Hòa Sơn, Cư Yên, Liên Sơn... là những đơn vị điển hình trong phát triển mạng lưới GTNT với tỷ lệ các tuyến đường liên xã, xóm được cứng hóa đạt từ 60 - 80%.
Đánh giá về hiệu quả thực hiện Đề án cứng hóa đường GTNT, ông Nguyễn Quang Nam, Phó phòng Kinh tế & Hạ tầng huyện cho rằng, đề án không những nâng cao dân trí, phục vụ dân sinh, khai thác tốt tiềm năng và thế mạnh mà còn góp phần thúc đẩy quá trình CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn, thúc đẩy hoạt động thương mại, dịch vụ, mở mang đa dạng các ngành nghề TTCN tại các vùng nông thôn. Toàn huyện đã phát triển hơn 800 cơ sở sản xuất CN-TTCN, giá trị sản xuất lĩnh vực CN-TTCN và thương mại, dịch vụ đạt hàng nghìn tỷ đồng/năm. Thông qua đề án cũng góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình xây dựng NTM tại địa phương.
Cũng theo ông Phó phòng Kinh tế & Hạ tầng huyện, Đề án cứng hóa đường GTNT phù hợp với nguyện vọng của người dân. Quá trình thực hiện, người dân đã đẩy mạnh phong trào, nỗ lực đóng góp tiền, ngày công để hoàn thành các tuyến đường, không ít hộ đã tự nguyện hiến đất cho việc mở rộng con đường. Bình quân mỗi km đường cứng hóa có trị giá đầu tư khoảng 1,5 - 2 tỷ đồng, đạt quy cách, chất lượng theo tiêu chuẩn. Các xã, xóm có công trình luôn quan tâm, có ý thức quản lý, đảm bảo lưu thông, vận chuyển hàng hóa và đi lại của nhân dân trong vùng. Hiện nay, huyện đang tiếp tục tổ chức và triển khai có hiệu quả Đề án cứng hóa đường GTNT, phấn đấu hoàn thành thi công và bàn giao, đưa vào sử dụng 7 km theo phân bổ năm 2011.