Hiện nay, phần lớn các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sử dụng nhiều lao động (như may mặc, lắp ráp linh kiện điện tử) thường tuyển dụng những lao động có tay nghề vững vàng hoặc được cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo theo tiêu chuẩn quốc gia để đảm bảo cho người lao động có thể làm việc ngay sau khi tuyển dụng. Các doanh nghiệp cũng đã chủ động tuyển dụng các lao động phổ thông vào làm việc và tự đào tạo nghề theo nhu cầu và đặc điểm sản xuất của mình. Tuy nhiên, việc thực hiện các quy định về dạy nghề tại doanh nghiệp của Bộ luật lao động vẫn còn những tồn tại nhất định, đặc biệt là việc thực hiện quy định tại Điều 60 Bộ luật lao động năm 2012 về trách nhiệm của người sử dụng lao động về đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề; chưa thực hiện đầy đủ việc báo cáo kết quả đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh hàng năm,
Nhằm nâng cao chất lượng lao động trên địa bàn, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã triển khai các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề như: Chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng theo Quyết định số 46/QĐ-TTg ngày 28/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ; chính sách miễn giảm học phí cho học sinh theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ; chính sách nội trú theo Quyết định số 53/QĐ-TTg ngày 20/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ. Hàng năm, trong công tác xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã đề nghị UBND các huyện, thành phố bố trí kinh phí cho công tác đào tạo nghề. Kết quả, mỗi năm kinh phí cho đào tạo nghề cấp huyện đạt trên 2 tỷ đồng.
Để tăng cường thu hút đầu tư đối với các doanh nghiệp, Sở LĐ, TB&XH đã phối hợp với Ban Quản lý các khu công nghiệp nghiên cứu đề xuất trình UBND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động làm việc trong doanh nghiệp, Theo đó, nếu doanh nghiệp sử dụng từ 10 đến 100 lao động thì được hỗ trợ 300.000 đồng/ người; sử dụng 100 đến dưới 1.000 lao động được hỗ trợ 500.000/ người; sử dụng từ 1.000 lao động trở lên được hỗ trợ 1 triệu đồng/người. Đây là một trong những chính sách của địa phương nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động như ngành may mặc xuất khẩu, sản xuất linh kiện điện tử. Giai đoạn 2016 - 2018, tỉnh đã hỗ trợ cho trên 1.500 lao động, với tổng kinh phí trên 150 triệu đồng.
Trong thời gian tới, tỉnh Hòa Bình tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đào tạo gắn với nhu cầu trực tiếp của xã hội, doanh nghiệp và đón đầu theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Đồng thời đẩy mạnh mô hình đào tạo nghề theo hình thức kèm cặp, truyền nghề và giải quyết việc làm tại các doanh nghiệp, hợp tác xã, làng nghề; đẩy mạnh công tác tư vấn, tuyên truyền, nâng cao nhận thức đối với công tác giáo dục nghề nghiệp, để người lao động hiểu rõ về vai trò, vị trí của đào tạo nghề đối với phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm, nâng cao thu nhập để người lao động có động lực và tích cực tham gia học nghề./.