DetailController

Tin từ các đơn vị

Thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục

30/06/2022 00:00
Chuyển đổi số đang là chủ trương lớn của Chính phủ và mọi ngành nghề trong đó có giáo dục. Ngày 28/6/2022, Sở Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Kế hoạch số 1656/KH-SGD&ĐT về thực hiện chuyển đổi số ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2022-2025. Theo đó, thực hiện chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện trên phạm vi toàn ngành trong quản lý, giảng dạy và học tập phù hợp với tình hình thực tế của ngành, địa phương đồng bộ với Kế hoạch chuyển đổi số của toàn tỉnh. Từng bước hoàn thiện nền tảng chuyển đổi số của ngành; nâng cao chỉ số về Chính phủ điện tử của ngành giáo dục và đào tạo, góp phần nâng cao chỉ số về Chính phủ điện tử của tỉnh; cùng với các cơ quan, đơn vị liên quan trên địa bàn tỉnh thực hiện thắng lợi mục tiêu chuyển đổi số của toàn tỉnh.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2025, trong phương thức tổ chức dạy - học, về tiếp cận giáo dục trực tuyến phấn đấu 80% người học, 100% giáo viên, 100% cơ sở giáo dục có đủ điều kiện (về phương tiện, đường truyền, phần mềm) tham gia có hiệu quả các hoạt động dạy và học trực tuyến. Về môi trường giáo dục trực tuyến, ưu tiên triển khai các nền tảng dạy và học trực tuyến là sản phẩm trong nước, được trên 50% người học sử dụng. Hình thành kho học liệu trực tuyến. Về quy mô hoạt động giáo dục trực tuyến, tỉ trọng nội dung chương trình giáo dục phổ thông được triển khai dưới hình thức trực tuyến đạt trung bình 5% ở bâc tiểu học, 10% ở bậc trung học.

Trong phương thức quản lý, điều hành, các cơ sở giáo dục trong tỉnh áp dụng hệ thống quản trị nhà trường dựa trên dữ liệu và công nghệ số, trong đó: Người học, nhà giáo được quản lý bằng hồ sơ số với số định danh thống nhất toàn quốc. Cơ sở vật chất, thiết bị và nguồn lực khác phục vụ giáo dục, đào tạo được quản lý bằng hồ sơ số.

Hệ thống thông tin quản lý toàn ngành giáo dục được thiết lập và vận hành hiệu quả, trong đó: Cơ sở dữ liệu ngành được nâng cấp, hoàn thiện, kết nối thông suốt với các cơ sở giáo dục đảm bảo cung cấp thông tin quản lý đầy đủ, tin cậy và kịp thời; được kết nối và chia sẻ hiệu quả với các cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh, Bộ. Các hoạt động quản lý giáo dục cấp Sở, Phòng được vận hành chủ yếu dựa trên dữ liệu và công nghệ số, trong đó 90% hồ sơ công việc tại Sở, 80% công việc tại cấp phòng và các cơ sở giáo dục được giao dịch và giải quyết trên môi trường số (không bao gồm hồ sơ xử lý công việc có nội dung mật).

Về dịch vụ hỗ trợ người học, người dân: 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện được triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Tỉ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến mức độ 3 và 4 trên tổng số hồ sơ đạt tối thiểu 60%. Tỉ lệ người học, phu huynh hài lòng về chất lượng dịch vụ trực tuyến của các cơ sở đạt trung bình 80%. Tỉ lệ tổ chức, cá nhân hài lòng về chất lượng dịch vụ công trực tuyến của các cơ quan quản lý giáo dục đạt trung bình 80%.

Để hoàn thành các mục tiêu đã đề ra, toàn ngành xác định một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu gồm có: Tăng cường các điều kiện đảm bảo triển khai ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo. Phát triển hệ sinh thái chuyển đổi số trong hoạt động dạy, học, kiểm tra, đánh giá và nghiên cứu khoa học. Triển khai đồng bộ hệ thống thông tin quản lý và cơ sở dữ liệu ngành giáo dục. Tuyên truyền nâng cao nhận thức; đào tạo, bồi dưỡng năng lực số cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhân viên và người học. Huy động các nguồn lực tham gia ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo. Xây dựng, hoàn thiện quy chế, quy chuẩn; nâng cao hiệu lực quản lý về chuyển đổi số trong ngành giáo dục./.