Mục đích của kế hoạch là đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các chỉ tiêu của Chương trình phát triển thanh niên tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021- 2030 đã đề ra. Xác định rõ và thực hiện đầy đủ trách nhiệm của các cấp, các ngành trong thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về thanh niên theo ngành, lĩnh vực góp phần thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 của Chính phủ và Chương trình phát triển thanh niên tỉnh Hòa Bình.
Yêu cầu: Việc triển khai Chương trình phát triển thanh niên tỉnh cần phải bám sát mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, đảm bảo tính khả thi, phù hợp với điều kiện cụ thể của ngành, địa phương. Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành của tỉnh với Mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan tham mưu giúp việc Tỉnh ủy, các cơ quan Trung ương trên địa bàn tỉnh nhằm thực hiện toàn diện mục tiêu Chương trình phát triển thanh niên của tỉnh đề ra.
Nội dung triển khai thực hiện bao gồm: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp trong công tác phát triển thanh niên. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật cho thanh niên. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tới thanh niên, thực hiện kết hợp giáo dục pháp luật với giáo dục đạo đức lối sống nhằm nâng cao nhận thức của thanh niên về vị trí, vai trò, trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ của mình; tuyên truyền, triển khai nội dung Bộ Quy tắc ứng xử trên không gian mạng nhằm nâng cao nhận thức cho thanh niên trong khai thác, sử dụng thông tin trên internet và tham gia mạng xã hội một cách lành mạnh, hữu ích.
Tăng cường cung cấp dịch vụ, các hoạt động hỗ trợ thanh niên. Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị, trường học xây dựng, tổ chức các hoạt động, hình thức hỗ trợ học sinh, sinh viên lồng ghép trong các môn học, hoạt động ngoài giờ lên lớp và hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội rà soát kiện toàn lại hệ thống mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, từ đó đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt gắn với chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động, nhất là ở nông thôn. Tạo điều kiện cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia đào tạo nghề nghiệp. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý; thực hiện tốt các chính sách đối với học viên và nhà giáo tham gia giảng dạy trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Nâng cao chất lượng cung cấp thông tin về khởi nghiệp; định hướng và hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp. Nâng cao thể chất, tầm vóc của thanh niên và công tác chăm sóc sức khỏe và phòng, chống bệnh tật cho thanh niên. Triển khai các mô hình, hình thức hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao cho thanh niên trên địa bàn tỉnh phấn đấu năm 2023 có trên 50% thanh niên thường xuyên tham gia luyện tập thể thao rèn luyện sức khỏe. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng thể thao thành tích cao; thực hiện tốt công tác tuyển chọn, huấn luyện vận động viên tham gia thi đấu tại các giải thể thao khu vực và toàn quốc.
Nâng cao chất lượng tư vấn và trợ giúp pháp lý cho thanh niên. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong phổ biến giáo dục pháp luật. Nâng cao khả năng tiếp cận pháp luật cho thanh niên thuộc nhóm dễ bị tổn thương, thanh niên lao động tự do và thanh niên vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; đẩy mạnh việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ. Tổ chức các hoạt động tư vấn tâm lý cho thanh niên. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố phối hợp triển khai các hoạt động tư vấn tâm lý cho thanh niên nông thôn, thanh niên vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Triển khai các dự án đầu tư, xây dựng các thiết chế văn hóa, thể dục, thể thao, công trình phúc lợi xã hội cho các đối tượng thanh niên. Triển khai hoạt động đào tạo nghề, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho thanh niên nông thôn. Hỗ trợ thanh niên chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương và công tác phòng, chống tội phạm, tai nạn giao thông. Phòng chống tệ nạn xã hội trong thanh niên và công tác chăm sóc trẻ em. Hỗ trợ thanh niên tàn tật, khuyết tật, thanh niên sau cai nghiện; người hoạt động mại dâm tái hòa nhập cộng đồng (dễ bị tổn thương).
Kinh phí để tổ chức thực hiện Chương trình được bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành và huy động từ các nguồn xã hội hóa, các nguồn hợp pháp khác của các tổ chức cá nhân./.