Mục tiêu chung của Kế hoạch nhằm phát triển trồng trọt thành ngành kinh tế kỹ thuật hoàn chỉnh, chuyên nghiệp, sản phẩm có sức cạnh tranh cao, đảm bảo an toàn thực phẩm, góp phần đảm bảo an ninh lương thực và các nhu cầu khác của nền kinh tế, gia tăng giá trị xuất khẩu; sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo việc làm, nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống cho nông dân góp phần ổn định xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất trồng trọt bình quân 3,0 - 3,5%/năm. Đảm bảo tưới chủ động cho 100% diện tích đất chuyên trồng lúa; trên 60 % diện tích vùng sản xuất tập trung các cây trồng cạn chủ lực được tưới, trong đó ít nhất 30% diện tích có tưới được áp dụng phương pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước. Tỷ lệ diện tích sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm, thực hành nông nghiệp tốt (GAP và tương đương...), được cấp mã số vùng trồng, đảm bảo truy xuất nguồn gốc đạt 10 - 15%; tỷ lệ diện tích trồng trọt hữu cơ đạt 2-3%. Tỷ lệ giá trị sản phẩm trồng trọt chủ lực được sản xuất dưới các hình thức hợp tác, liên kết đạt 30 - 35%. Giá trị sản phẩm bình quân trên 1 ha đất trồng trọt đạt 220 triệu đồng. Giá trị xuất khẩu nhóm sản phẩm trồng trọt chủ lực tăng ít nhất 5%/năm.
Tầm nhìn đến năm 2050, đảm bảo cung cấp nông sản, sản phẩm trồng trọt chất lượng cao cho vùng Thủ đô Hà Nội. Các sản phẩm ngành trồng trọt được sản xuất theo nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ và thu hút các Doanh nghiệp, Hợp tác xã, trang trại đầu tư sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm và an ninh lương thực. Chủ động tham gia chuỗi cung ứng nông sản toàn cầu. Bảo đảm phát triển sản xuất gắn với hiện đại hóa xã hội, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Kế hoạch xác định 2 nhiệm vụ trọng tâm là: Hoàn chỉnh cơ cấu sản xuất trồng trọt lợi thế từng vùng, địa phương theo 3 nhóm sản phẩm (Nhóm sản phẩm nằm trong danh mục các sản phẩm chủ lực quốc gia, nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh, nhóm sản phẩm đặc sản địa phương và lợi thế vùng miền); tổ chức nâng cao hiệu quả sản xuất trồng trọt, đảm bảo phát triển bền vững.
Đồng thời xây dựng 7 giải pháp thực hiện, gồm: Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức; xây dựng, hoàn thiện và triển khai các cơ chế chính sách liên quan đến phát triển trồng trọt; củng cố, đổi mới tổ chức sản xuất, kinh doanh trồng trọt; hoàn thiện đồng bộ kết cấu hạ tầng sản xuất; phát triển sản xuất đáp ứng yêu cầu thị trường; đẩy mạnh ứng dung khoa học công nghệ, phát triển nguồn nhân lực và khuyến nông; nâng cao năng lực quản lý Nhà nước; hội nhập và hợp tác quốc tế; tiến hành giám sát và đánh giá.
Nguồn vốn thực hiện được đa dạng hóa và sử dụng hiêụ quả các nguồn lực như ngân sách Nhà nước cấp hàng năm, kinh phí lồng ghép trong các Chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án đầu tư công giai đoạn 2021-2025 và giai đoạn tiếp theo; kinh phí huy động từ các nhà tài trợ nước ngoài, các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân trong, ngoài nước và kinh phí hợp pháp khác; nguồn tài chính khác theo quy định của pháp luật.
UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành, UBND các huyện, thành phố, các tổ chức chính trị xã hội tổ chức triển khai, theo dõi việc thực hiện Kế hoạch; Chỉ đạo các đơn vị thuộc Sở tham mưu xây dựng chương trình, kế hoạch, dự án cụ thể trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện; thường xuyên đôn đốc, đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch.
Sở Tài chính hàng năm, căn cứ số kinh phí ngân sách trung ương giao và khả năng ngân sách địa phương, Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh phân bổ ngân sách trung ương, bố trí ngân sách địa phương để thực hiện Kế hoạch đối với những nội dung chi từ nguồn vốn chi thường xuyên.
Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, cân đối, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh ưu tiên bố trí đầu tư phát triển giai đoạn 2021-2030 và trong kế hoạch 5 năm cho ngành nông nghiệp, nông thôn để thực hiện Kế hoạch. Chủ trì phối hợp với các sở, ngành có liên quan và UBND các huyện, thành phố xây dựng và triển khai hiệu quả cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Sở Công Thương Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố tập trung đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến, ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến sâu, chế biến tinh theo chuỗi. Tổ chức triển khai các cơ chế, chính sách và hoạt động thúc đẩy tiêu thụ nông sản; hỗ trợ doanh nghiệp, Hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp tham gia chuỗi cung ứng thương mại điện tử.
Các sở, ban, ngành có liên quan căn cứ chức năng nhiệm vụ, triển khai Kế hoạch theo quy định.
Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Hội Nông dân tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội, các hội, hiệp hội ngành hàng, hội nghề nghiệp Chủ động, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sở, ngành, địa phương triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ cho người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp để thực hiện các định hướng của Kế hoạch; tham gia có trách nhiệm trong công tác truyền thông, phản biện xã hội và vận động thành viên, hội viên, quần chúng nhân dân tham gia phát triển nông nghiệp, nông thôn. Tham gia đề xuất cơ chế chính sách và biện pháp khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân là thành viên tham gia đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn.
UBND các huyện, thành phố tổng hợp, cân đối, báo cáo UBND tỉnh ưu tiên bố trí đầu tư phát triển giai đoạn 2021-2030 và trong kế hoạch 5 năm cho ngành nông nghiệp, nông thôn để thực hiện Kế hoạch. Chủ trì phối hợp với các sở, ngành có liên quan và UBND các huyện, thành phố xây dựng và triển khai hiệu quả cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn (đặc biệt trong đầu tư nhà máy chế biến nông sản); điều chỉnh cơ cấu đầu tư công trong nông nghiệp. Chủ động rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách thu hút các nguồn lực đầu tư, đầu tư theo hình thức đối tác công tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế hợp tác./.