Với mục tiêu đảm bảo sản xuất nông nghiệp tỉnh hiệu quả, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường nông nghiệp tại các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung và phát triển chế biến nông sản hiện đại, bền vững, đáp ứng được nhu cầu, quy định của thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm nông sản của tỉnh. Ngày 28/9/2022, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Kế hoạch số 749/KH-SNN về thực hiện Chiến lược phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông lâm thủy sản đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. Phấn đấu đến năm 2030, mức độ cơ giới hóa nông nghiệp đối với từng lĩnh vực sản xuất về trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp ngày càng nâng lên, trong đó: Sản xuất cây trồng chủ lực đạt trên 90% năm 2025, cơ giới hóa đồng bộ đạt trên 70% năm 2030; sản xuất chăn nuôi gia súc, gia cầm đạt trên 80% năm 2025, cơ giới hóa đồng bộ đạt trên 60% năm 2030; sản xuất nuôi trồng thủy sản đạt trên 70% năm 2025, đạt trên 90% năm 2030; thủy sản nuôi bằng lồng/bè đạt 85% năm 2025, đạt 95% năm 2030/ tổng sản lượng thủy sản của tỉnh; về lâm nghiệp, các khâu làm đất, giống, trồng cây, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, phòng chống cháy rừng, khai thác vận chuyển gỗ và lâm sản đạt trên 10% năm 2025, đạt trên 30% năm 2030”.
Đối với phát triển chế biến, bảo quản nông sản đảm bảo tốc độ tăng giá trị công nghiệp chế biến nông sản đạt trên 5,0%/năm vào năm 2025 và 8,0% vào năm 2030. Trên 50% số cơ sở chế biến, bảo quản nông sản quy mô doanh nghiệp đạt trình độ và năng lực công nghệ trung bình tiên tiến trở lên. Tổn thất sau thu hoạch các nông sản chủ lực giảm từ 0,5% đến 1,0 %/năm. Hình thành một số doanh nghiệp chế biến nông sản hiện đại, có tiềm lực kinh tế gắn với phát triển các vùng sản xuất nguyên liệu tập trung có áp dụng cơ giới hóa và kết nối tiêu thụ nông sản.
Bên cạnh đó, phát triển cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp, ứng dụng công nghệ hiện đại, công nghệ thông minh, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và bảo vệ môi trường phù hợp với quy mô, trình độ sản xuất, lợi thế từng ngành hàng, vùng sản xuất nông nghiệp với các tổ chức sản xuất có quy mô lớn theo chuỗi giá trị nông sản. Khuyến khích phát triển các tổ chức, trung tâm cơ giới hóa nông nghiệp tại các vùng, địa phương về chế tạo, cung cấp máy, thiết bị, công nghệ, dịch vụ cơ giới hóa nông nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, chuyển giao khoa học công nghệ, các ý tưởng đổi mới, sáng tạo để phát triển cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp. Xây dựng Đề án ưu tiên về đẩy mạnh cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp. Sử dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ thân thiện với môi trường, hiện đại hóa trang thiết bị bảo quản, chế biến nông sản để đa dạng hóa sản phẩm chế biến, giảm tổn thất sau thu hoạch, hạ giá thành; tăng cường chế biến sâu tạo ra giá trị gia tăng cao, tăng khả năng cạnh tranh nông sản; kiểm soát được chất lượng, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Khuyến khích đầu tư mới và mở rộng cơ sở chế biến, bảo quản đảm bảo đủ năng lực chế biến, bảo quản đối với những ngành hàng chủ lực, có tiềm năng, lợi thế của tỉnh gắn với vùng sản xuất nguyên liệu tập trung./.