DetailController

Tin từ các đơn vị

Thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024

26/01/2024 16:17
Triển khai Chỉ thị số 13/CT-BCT ngày 30/10/2023 của Bộ Công Thương về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2023 và dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Để bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, bình ổn thị trường hàng hóa dịp cuối năm 2023 và dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, đồng thời làm tiền đề để thực hiện các mục tiêu kinh tế vĩ mô. Tỉnh đã tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại nội địa, kích cầu tiêu dùng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn mở rộng mạng lưới phân phối hàng hóa. Chủ động có phương án đảm bảo nguồn cung, ổn định thị trường các mặt hàng thực phẩm thiết yếu nói chung, mặt hàng thịt lợn nói riêng dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Sở Công Thương đã phối hợp với Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố, Cục Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động thị trường đối với các lĩnh vực về giá, chất lượng sản phẩm, các quy định về an toàn thực phẩm, các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá, phao tin thất thiệt về cung cầu giá cả hàng hoá, đặc biệt là các mặt hàng thuộc diện bình ổn giá. Vận động các hộ kinh doanh ký cam kết không tham gia và tiếp tay trong việc tiêu thụ hàng lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo về quyền và lợi ích hợp pháp cho người sản xuất và tiêu dùng góp phần bình ổn giá cả thị trường, đảm bảo nhu cầu tiêu dùng, mua sắm của người dân trong dịp Tết. Chỉ đạo các doanh nghiệp thương mại trên địa bàn tỉnh có kế hoạch dự trữ hàng hóa nhằm đảm bảo nguồn cung hàng hóa tiêu dùng thiết yếu phục vụ tốt nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết. Khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng mạng lưới phân phối hàng hóa tới khu vực vùng sâu, vùng xa; chủ động tham gia chương trình bình ổn thị trường và thực hiện cam kết đảm bảo bán hàng bình ổn trong dịp cuối năm 2023 và Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, thời gian thực hiện từ  01/01/2023 đến 19/02/2024 (tức ngày mùng 10 Tết năm Giáp Thìn 2024). Các mặt hàng tập trung bình ổn gồm 09 nhóm mặt hàng là lương thực (các loại gạo, mỳ tôm...); thực phẩm (tươi sống, đông lạnh, công nghệ và chế biến...); dầu ăn các loại; nước chấm các loại; bột ngọt các loại; sữa các loại; rượu các loại (trừ rượu ngoại); bia các loại; nước giải khát.

Tại các siêu thị, trung tâm thương mại, các điểm phân phối, mua sắm lớn trên địa bàn tỉnh lượng hàng hóa bán ra tăng gấp 2-3 so với thường ngày, chủ yếu tập trung vào các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như gạo, miến, mỳ chũ, mỳ tôm, lương khô, đồ hộp, xúc xích, mắm, muối, mỳ chính, dầu ăn, lạc, vững, đỗ, giấy vệ sinh, nước tẩy rửa, rau củ quả... Tuy nhiên giá các mặt hàng không có biến động, hiện vẫn áp dụng nhiều chương trình khuyến mại giảm giá để hỗ trợ người tiêu dùng. Tại các cửa hàng tạp hóa, đại lý và các chợ truyền thống trên địa bàn thành phố tình trạng trên cũng diễn ra tương tự, người dân mua hàng với số lượng lớn, đặc biệt là các mặt hàng thực phẩm tươi sống (thịt lợn, gà, bò…), thực phẩm khô, đồ dùng thiết yếu… giá cả các mặt hàng có tăng nhẹ như gạo, mỳ tôm, thịt gà… so với thời điểm trước nhưng không có nhiều biến động nhiều, các mặt hàng rau củ quả và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu khác không có biến động về giá.

Bên cạnh đó, Sở Công Thương tỉnh chỉ đạo kịp thời, yêu cầu các doanh nghiệp, đơn vị cung ứng trên địa bàn tỉnh đảm bảo nguồn cung hàng hóa và có kế hoạch luân chuyển nguồn hàng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn, thực hiện bình ổn giá cả, không được tự ý tăng giá gây rối loạn thị trường. Phối hợp với Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố tăng cường công tác kiểm tra, nắm bắt hoạt động kinh doanh tại hệ thống các cửa hàng, đại lý, chợ truyền thống trên địa bàn, thường xuyên cập nhật tình hình cung cầu, giá cả, tâm lý tiêu dùng của người dân, đặc biệt khi xảy ra tình huống bất thường phải kịp thời báo cáo về Sở để tìm hướng tháo gỡ. Phối hợp chặt chẽ với Cục Quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng, tăng giá đột biến gây rối loạn thị trường.

Đến thời điểm hiện tại, mặc dù là thời điểm gần Tết Nguyên đán nhưng nhìn chung tình hình giá cả các loại hàng hóa trên địa bàn tỉnh không có biến động nhiều, nguồn cung hàng hoá phong phú, đa dạng đảm bảo đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của người dân. Trên địa bàn tỉnh các mặt hàng phục vụ Tết (giỏ quà Tết, bánh kẹo, nho khô, các loại hàng hóa trang trí Tết…) được bày bán nhiều tại các Trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tạp hóa, đại lý và các chợ truyền thống với mẫu mã đa dạng, phong phú, hình thức đẹp. Nguồn cung hàng hóa đảm bảo dự kiến tăng khoảng 15% so với năm 2023, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã chuẩn bị đầy đủ hàng dự trữ để phục vụ nhu cầu Tết, số lượng một số mặt hàng thiết yếu phục vụ dịp Tết dự kiến như gạo các loại 2.000-2.500 tấn; thịt lợn hơi 1.500 -1.800 tấn; thịt trâu, bò hơi 1.500-1.700 tấn; thủy hải sản các loại 1.000-1.200 tấn; rau, củ, quả các loại 10.000-12.000 tấn; bánh mứt kẹo các loại 800-900 tấn; rượu, bia, nước ngọt 2- 2,5 triệu lít; xăng dầu 16.000-18.000 tấn. Với lượng hàng hoá dự kiến trên đảm bảo cung cấp đủ cho nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân trên địa bàn tỉnh. Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh không có nơi nào xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá đột biến.

Về giá cả hàng hóa, giá các loại lương thực, thực phẩm tăng nhẹ, giá gạo tẻ loại bình thường có giá giao động từ 19.000-25.000 đồng/kg, gạo tẻ loại ngon có giá giao động từ 25.000-30.000đ/kg; gạo nếp thường giá giao động từ 25.000-30.000đ/kg, gạo nếp ngon giá giao động từ 30.000-35.000đ/kg; miến dong 60.000-75.000đ/kg, mộc nhĩ 180.000-200.000đ/kg, nấm hương 320.000-370.000đ/kg; Hàng thực phẩm tươi sống không có biến động lớn, giá gà ta sống tăng nhẹ giao động từ 130.000-150.000đ/kg, giá lợn hơi có xu hướng tăng nhẹ giá giao động từ 80.000-85.000đ/kg, giá thịt lợn thành phẩm giao động từ 120.000-140.000đồng/kg, giá thịt bò ổn định giao động từ 260.000-300.000đ/kg, cá chép 80.000đ/kg, cá quả 100.000đ/kg; giá các mặt hàng rau, củ, quả không có biến động tăng do vào đang vào thời điểm chính vụ của một số loại rau củ quả nên nguồn cung dồi dào, giá khoai tây 15.000đ/kg, cà chua 20.000đ/kg, su hào 15.000đ/kg, bắp cải 10.000đ/kg.

Nhìn chung giá cả các mặt hàng phục vụ Tết năm nay có tăng nhẹ nhưng                                                                              không có biến động lớn, giá cả hàng hóa có tăng nhưng ở mức người tiêu dùng có thể chấp nhận được. Chất lượng hàng hoá trên thị trường tỉnh cơ bản đảm bảo, đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân.

Dự báo xu hướng tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết năm nay cũng như mọi năm tập trung chủ yếu vào các mặt hàng: lương thực, thực phẩm tươi sống (thịt lợn, thịt gà, thịt bò, cá tươi,…), thực phẩm công nghệ (bánh, mứt, kẹo, rượu, bia, nước ngọt, dầu ăn,…), hàng may mặc, giầy dép và nhiên liệu (xăng, dầu,…). Đối với nhóm hàng thực phẩm tươi sống, xu hướng nhân dân mua tích trữ để tiêu dùng dần trong Tết những năm gần đây giảm; lượng dự trữ vừa đủ tiêu dùng trong 2 - 3 ngày Tết. Sức mua sẽ tập trung cao những ngày cận Tết (từ 27 đến 29 Tết) và một vài ngày sau tết (từ mùng 02 đến mùng 05 Tết). Đối với nhóm hàng thực phẩm công nghệ, nhu cầu tiêu dùng sẽ tập trung vào các mặt hàng Việt Nam chất lượng cao, có mẫu mã bao bì đẹp và hàng nhập khẩu từ nước ngoài. Sức mua tăng cao trong nửa cuối tháng Chạp. Nhu cầu tiêu thụ các loại hoa tươi, quả tươi sẽ tăng cao vào thời điểm cận Tết do truyền thống, phong tục từ lâu đời của người Việt trong ngày Tết.

Theo quy luật, càng sát ngày Tết, thị trường hàng hoá sẽ có nhiều biến động do sức mua tăng mạnh, tập trung vào các nhóm hàng thực phẩm, hàng hóa tiêu dùng thiết yếu phục vụ nhu cầu Tết. Tuy nhiên, với việc đảm bảo cân đối cung cầu trong dịp Tết thông qua nỗ lực chuẩn bị dự trữ nguồn hàng, cam kết đưa ra giá bán bình ổn thị trường của các doanh nghiệp cùng với việc tổ chức tốt mạng lưới cung ứng hàng hóa, tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường cùng các hoạt động khuyến mại, giảm giá sẽ góp phần bình ổn giá thị trường./.