DetailController

Sức khỏe - Đời sống

Thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội góp phần giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh

17/10/2019 00:00
Giảm nghèo và giảm nghèo bền vững là một trong những chính sách lớn mà Đảng và Nhà nước ta đã quyết tâm thực hiện trong nhiều năm qua, được cụ thể hóa bằng Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững. Thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Hòa Bình đã thực hiện nhiều chương trình tín dụng, góp phần cùng các địa phương thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.
Nhờ nguồn vốn vay tín dụng chính sách xã hội, nhiều hộ nông dân huyện Lạc Thủy đã mạnh dạn đầu tư phát triển mô hình trang trại tổng hợp mang lại giá trị kinh tế cao

Hiện nay, Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh đang thực hiện cho vay 18 chương trình tín dụng chính sách dành cho hộ nghèo và các đối tượng khác theo chỉ định của Chính phủ, trong đó trọng tâm hướng đến là đối tượng hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo. Thông qua hoạt động tín dụng chính sách, hàng nghìn hộ nghèo và các đối tượng chính sách trong tỉnh đã được vay vốn để phát triển sản xuất kinh doanh, ổn định việc làm, nhiều hộ sau thời gian vay vốn đã phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, từ đó giảm tỷ lệ hộ nghèo theo đúng mục tiêu đề ra của tỉnh. Trong giai đoạn từ năm 2016 đến tháng 7/2019, doanh số cho vay của Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh cho các chương trình tín dụng đạt 3.771 tỷ đồng, với 128.882 lượt khách hàng được vay vốn, dư nợ tại thời điểm 7/2019 là 3.109 tỷ đồng. Tổng dư nợ 18 chương trình tín dụng chính sách đang triển khai trên địa bàn đạt 3.108,6 tỷ đồng, trong đó: Dư nợ cho vay đối với hộ đồng bào là người dân tộc thiểu số đạt 2.417 tỷ đồng, với 92.431 hộ còn dư nợ; Chương trình cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017 - 2020 đạt 20,4 tỷ đồng, với 558 hộ; dư nợ bình quân 36,6 triệu đồng/ hộ; dư nợ chương trình tín dụng hộ nghèo đạt 915,2 tỷ đồng; dư nợ chương tình tín dụng hộ cận nghèo đạt 577,8 tỷ đồng; dư nợ chương trình cho vay giải quyết việc làm đạt 100,3 tỷ đồng; dư nợ chương trình tín dụng nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn đạt 436,9 tỷ đồng; dư nợ chương trình tín dụng học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đạt 56,8 tỷ đồng; dư nợ chương trình cho vay hộ nghèo về nhà ở đạt 121,7 tỷ đồng; dư nợ các chương trình tín dụng khác đạt 571 tỷ đồng,...

 

Công tác quản lý nguồn vốn tín dụng chính sách tại Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh luôn được thực hiện tốt, nguồn vốn cho vay được truyền tải đến đúng đối tượng thụ hưởng; với cơ chế, thủ tục cho vay thuận tiện đã giúp cho các hộ vay vốn khởi tạo sản xuất, kinh doanh, tạo dựng tài sản, ổn định cuộc sống, nâng cao thu nhập và vươn lên thoát nghèo, góp phần hạn chế tính trạng tín dụng đen, cho vay nặng lãi tại địa phương. Thông qua hoạt động tín dụng chính sách, trong những năm qua đã cơ bản làm thay đổi nhận thức cho một bộ phận người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số về việc vay vốn, ý thức vay có trả, biết cách sử dụng vốn vay vào sản xuất kinh doanh, phát triển dịch vụ. Bên cạnh đó, góp phần đáng kể thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, tạo việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp, hoàn thành một số tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định và phát triển kinh tế tại địa phương./.