DetailController

Trồng trọt

Thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản chủ lực của tỉnh Hòa Bình

30/08/2023 17:00
Thời gian qua, mặc dù trong bối cảnh quốc tế và khu vực phức tạp, diễn biến khó lường; ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng với sự quan tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ban Cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh; sự nỗ lực, sát sao, quyết tâm trong chỉ đạo, hỗ trợ sản xuất từ các cơ quan chuyên môn và các địa phương; sự chủ động của doanh nghiệp, hợp tác xã và sự cần cù, sáng tạo của người sản xuất, nhiều sản phẩm chủ lực đã được xuất khẩu, góp phần nâng cao thương hiệu và giá trị nông sản; nâng cao kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Số doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác có sản phẩm nông, lâm sản xuất khẩu tăng nhanh, đây là tiền đề cho việc mở rộng xuất khẩu trong những năm tiếp theo. Sản lượng và kim ngạch xuất khẩu nông sản đều tăng mạnh so với mục tiêu 10% đặt ra.

Những năm gần đây, hoạt động xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của tỉnh có mức tăng trưởng ấn tượng. Sau hai năm thực hiện Đề án "Phát triển thị trường xuất khẩu nông sản chủ lực tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2020 -2025, định hướng đến năm 2030" đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản tăng nhanh qua các năm (năm 2020 đạt 34,706 triệu USD; năm 2021 đạt 86,200 triệu USD; năm 2022 đạt 132,032 triệu USD). Bước đầu đã có các vùng chuyên canh phục vụ xuất khẩu; một số doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư, nâng cấp nhà máy, trang thiết bị để sơ chế, chế biến, bảo quản nông sản xuất khẩu. Số lượng, chủng loại sản phẩm xuất khẩu ngày càng tăng và đa dạng, thị trường xuất khẩu được mở rộng qua từng năm. Đến nay, toàn tỉnh đã có 63 mã sản phẩm nông sản được xuất khẩu sang 15 quốc gia, vùng lãnh thổ. Nhiều mặt hàng nông sản lần đầu được xuất khẩu và có phản hồi tích cực từ khách hàng, có đơn hàng kế tiếp như mía ăn tươi (mía tím, mía trắng), nhãn, chuối, bưởi đỏ, bưởi diễn, rau xanh (cải, xà lách) và sản phẩm OCOP (mật ong chanh đào, tinh bột nghệ).

Kết quả phát triển sản xuất các mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh Hòa Bình cũng khá ấn tượng. Đến nay, bên cạnh một số loại nông sản của tỉnh Hòa Bình đã nằm trong danh mục nông sản chủ lực quốc gia, Ủy ban nhân dân tỉnh đã có quyết định công nhận sản phẩm chủ lực của tỉnh. Tổng số hiện nay có 16 loại nông sản nằm trong danh mục sản phẩm nông sản chủ lực (của Quốc gia và của Tỉnh) bao gồm lúa gạo; cam; quýt; bưởi; rau; chè; sắn và sản phẩm từ sắn; trâu; bò; lợn; dê; gà; vịt;  trứng gia cầm; cá nuôi lồng; gỗ và sản phẩm từ gỗ. Bên cạnh đó, Hòa Bình có sản phẩm mía ăn tươi (mía tím và mía trắng) hay sản phẩm dược liệu rất đa dạng, với những nguồn gen quý. Đây là những sản phẩm phù hợp với điều kiện tự nhiên và lợi thế của tỉnh, có thể cung cấp nguyên liệu cho chế biến. Trong  giai đoạn 2020-2022, tốc độ tăng trưởng bình quân ngành (GRDP) nông, lâm, thủy sản đạt 4,67%; tương ứng với giá trị sản xuất theo giá so sánh đạt 11,981 nghìn tỷ đồng. Trong đó tốc độ tăng trưởng lĩnh vực trồng trọt đạt 4,8%, tương ứng với giá trị sản xuất theo giá so sánh đạt 6,85 nghìn tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng lĩnh vực chăn nuôi đạt 5,45%, tương ứng với giá trị sản xuất theo giá so sánh đạt 3,62 nghìn tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng lĩnh vực thủy sản đạt 10,29%,tương ứng với giá trị sản xuất theo giá so sánh đạt 307,67 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng lĩnh vực lâm nghiệp đạt 4,86%, tương ứng với giá trị sản xuất theo giá so sánh đạt 1,171 nghìn tỷ đồng.

Cùng với đó, tỉnh tập trung phát triển thương hiệu và xúc tiến thương mại phục vụ xuất khẩu nông sản. Hỗ trợ chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP, tiêu chuẩn GlobalGAP, tiêu chuẩn hữu cơ cho 147 cơ sở trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, gồm:82 cơ sở trồng trọt được chứng nhận VietGAP với quy mô 2.121,41 ha (rau, quả các loại), 07 cơ sở chứng nhận GlobalGAP với quy mô 124.4 ha (nhãn, bưởi, thanh long, rau  các loại); 15 cơ sở nuôi trồng thủy sản, với quy mô 1965 lồng cá; 27 cơ sở chăn nuôi (gà, lợn, bò, dê) với quy mô 1573.32 tấn sản phẩm/năm; 06 cơ sở nuôi ong với quy mô 4.748 đàn và 10 cơ sở chứng nhận theo tiêu chuẩn hữu cơ trong trồng trọt với quy mô 60,74 ha. Toàn tỉnh có 16.106 ha rừng trồng đã được cấp chứng chỉ FSC. Có 21 mã số vùng trồng xuất khẩu được cấp với tổng diện tích trên 300 ha; 09mã số cơ sở đóng gói quả tươi. Hỗ trợ xây dựng 01 chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm Cam Cao Phong, 23 nhãn hiệu chứng nhận,14 nhãn hiệu tập thể, cho các sản phẩm nông sản trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, sản phẩm cam Cao Phong đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại EU. Đánh giá và công nhận cho 123 sản phẩm của 108 chủ thể đạt OCOP từ ba sao trở lên, gồm 24 sản phẩm 4 sao và 101 sản phẩm 3 sao. Đa số sảnp hẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP là nông sản. Trên địa bàn tỉnh đã có 07 cửa hàng chuyên về sản phẩm OCOP. Đến năm 2022 đã có trên 60 mã mặt hàng được xuất khẩu. Với kim ngạch xuất khẩu đạt 132,032 triệu USD, đã chiếm tỷ trọng 14,16% so với tổng giá trị sản xuất toàn ngành (đạt 21,907 ngàn tỷ đồng).

Như vậy, trong 3 năm qua, tỷ trọng giá trị xuất khẩu đã tăng 1,96 lần, tăng nhanh hơn mức tăng tổng giá trị sản xuất toàn ngành với mức tăng 1,29 lần. Đồng thời tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu nông sản cũng khá cao so với tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh; nếu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu nông sản chỉ chiếm tỷ lệ 4,40% trong tổng kim ngạch xuất khẩu thì đến năm 2022 đã chiếm 9,18% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả tỉnh. Về số lượng doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia xuất khẩu năm 2019 có 9 doanh nghiệp, hợp tác xã xuất khẩu nông sản; đến năm 2022 có 14 doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia hoạt động này. Trong đó, số lượng doanh nghiệp, hợp tác xã có trụ sở tại tỉnh chiếm đa số./.