DetailController

Tin từ các đơn vị

Thúc đẩy phát triển công nghiệp trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh

21/03/2023 17:30
Thực hiện Chương trình hành động số 23/Ctr-TU ngày 18/10/2018 của Tỉnh ủy Hòa Bình thực hiện Nghị quyết số 23/NQ-TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã xác định các nội dung liên quan đến chức năng, nhiệm vụ và lĩnh vực ngành quản lý; đặc biệt là vấn đề “phát triển nguồn nguyên liệu đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm đáp ứng yêu cầu phát triển ngành công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm…” và “hỗ trợ, tạo điều kiện cho các làng nghề, làng nghề truyền thống hoạt động có hiệu quả”.
Các địa phương đã tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chất lượng sản phẩm cây có múi đã được cải thiện rõ rệt, đã có sản phẩm xuất khẩu

Ngành đã triển khai tích cực nhiều giải pháp để thúc đẩy phát triển công nghiệp trong sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông minh, và đặc biệt trong thời gian gần đây nhất là lĩnh vực chuyển đổi số trong nông nghiệp nông thôn. Để có nguồn nguyên liệu đảm bảo phục vụ cho công nghiệp chế biến, ngành nông nghiệp luôn xác định mục tiêu sản xuất hàng hóa tập trung, sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm; đồng thời áp dụng các kỹ thuật canh tác hiện đại cũng như quản lý chất lượng chặt chẽ để đảm bảo chất lượng sản phẩm đáp ứng được các yêu cầu của thị trường, gắn kết phát triển sản xuất với bảo vệ môi trường, đồng bộ với thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Đến nay, các nông sản chủ lực, lợi thế của tỉnh như: gạo chất lượng cao, cây ăn quả có múi (cam, quýt, bưởi), cây mía (mía ăn tươi), gia súc (trâu, bò, dê, lợn), gia cầm (gà), cá nuôi lồng,… đã từng bước phát triển theo hướng chuyên canh, tập trung, tạo ra sản lượng lớn và chất lượng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Tiêu biểu như: Sản xuất lúa, gạo đã ứng dụng công nghệ cao trong phòng trừ sâu bệnh hại trên cây lúa (phòng trừ sâu bệnh bằng thiết bị bay không người lái) góp phần giảm chi phí sản xuất, giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật, bảo vệ sức khỏe nông dân và giảm ô nhiễm môi trường sinh thái. Hiện tỉnh đã hình thành các chuỗi liên kết sản xuất lúa gạo, tăng cường chứng nhận sở hữu trí tuệ cho các thương hiệu lúa gạo, các vùng sản xuất lúa đặc trưng của mỗi địa phương (như huyện Đà Bắc, huyện Mai Châu, thành phố Hòa Bình...).

Đối với cây ăn quả có múi (cam, quýt, bưởi): năm 2022 đã có 9.68 nghìn ha, diện tích kinh doanh đạt 7.429 ha với sản lượng năm 2022 ước đạt 174,9 nghìn tấn, đặc biệt có chỉ dẫn địa lý “Cam Cao Phong” và các chứng nhận khác cùng các sản phẩm chế biến đa dạng từ quả cam; năng suất bình quân đạt 22-23 tạ/ha, thuộc nhóm cao nhất toàn quốc. Các địa phương đã tích cực ứng dụng các biện pháp kỹ thuật thâm canh, ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm, biện pháp kỹ thuật làm tăng khả năng ra hoa, đậu quả do đó chất lượng sản phẩm cây có múi đã được cải thiện rõ rệt.

Đã đã ứng dụng các giải pháp sản xuất rau trong nhà màng ứng dụng công nghệ cao, ứng dụng tưới tự động, sử dụng cảm biến quản lý sức khỏe cây trồng. Một số địa phương đã hình thành vùng sản xuất tập trung, gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm, ứng dụng công nghệ cao, ứng dụng tưới tự động, sử dụng cảm biến quản lý sức khỏe cây trồng. Đã ứng dụng vào sản xuất đại trà giống mía nuôi cấy mô góp phần nâng cao năng suất, chất lượng mía thương phẩm. Hình thành chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu mía ăn tươi có giá trị cao. Chăn nuôi phát triển theo hướng liên kết đáp ứng nhu cầu thị trường, đảm bảo hiệu quả, bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học. Hiện tại 100% trang trại quy mô lớn đều đã được chứng nhận đủ điều kiện an toàn dịch bệnh, đây là tiền đề để sản phẩm đưa vào chế biến đảm bảo an toàn thực phẩm theo quy định. Duy trì diện tích được cấp chứng chỉ rừng hiện có, tiếp tục thúc đẩy tăng diện tích rừng được cấp chứng chỉ FSC trên địa bàn tỉnh; hiện có 211 cơ sở sản xuất chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ quy mô vừa và nhỏ (48 doanh nghiệp và 163 hộ gia đình), tạo điều kiện thuận lợi phát triển vùng nguyên liệu, gắn trồng rừng, bảo vệ rừng với khai thác - chế biến; từng bước phát triển chế biến tinh tại các cụm công nghiệp tập trung và khuyến khích nâng cấp đối với các cơ sở chế biến quy mô vừa và nhỏ.

Đến năm 2022, toàn tỉnh đã có 715 cơ sở sơ chế, chế biến sản phẩm nông lâm thủy sản; cơ quan chuyên môn đã thực hiện hỗ trợ 160 cơ sở trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản được chứng nhận ATTP, VietGAP, GlobalGAP, tiêu chuẩn hữu cơ... đồng thời cấp cho 84 cơ sở được xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Sở Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với các Sở, ngành có liên quan thực hiện hỗ trợ bảo hộ sở hữu trí tuệ, xây dựng và duy trì thương hiệu cho 38 sản phẩm chủ lực của tỉnh; duy trì hệ thống truy xuất nguồn gốc, xác thực chống giả và kết nối cung cầu tại địa chỉ hb.check.net.vn, hiện có 76 doanh nghiệp/hợp tác xã/cơ sở tham gia với trên 420 sản phẩm; triển khai dán trên 8 triệu tem truy xuất nguồn gốc để gắn lên sản phẩm của tỉnh Hòa Bình nhằm cung cấp thông tin cho người tiêu dùng cũng như bảo vệ thương hiệu của sản phẩm. Đây là những điều kiện tiên quyết để phát triển nguồn nguyên liệu đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm đáp ứng yêu cầu phát triển ngành công nghiệp chế biến của tỉnh.

Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 11 làng nghề, làng nghề truyền thống được UBND tỉnh công nhận. Để khuyến khích hỗ trợ phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống, từ năm 2015 tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ thúc đẩy phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống; sau khi được công nhận các làng nghề đều được hỗ trợ kinh phí để duy trì, bảo tồn, phát triển và đầu tư trang thiết bị. Song song với hỗ trợ làng nghề, công tác khuyến công được thực hiện cũng góp phần rất quan trọng vào sự phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn. Hiện nay các làng nghề, làng nghề truyền thống phát triển dưới 3 hình thức: hộ gia đình, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp, chủ cơ sở. Tổng số lao động của làng nghề 1.300 người, trong đó lao động thường xuyên là 823 người, thu nhập bình quân của người lao động dao động từ 3 - 5 triệu đồng/lao động/tháng; năm 2022, doanh thu của các làng nghề đạt 107,28 tỷ đồng. Hiện đã có 5 làng nghề có sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao (3 sản phẩm của làng nghề dệt thổ cẩm, 2 sản phẩm của làng nghề nấu rượu); 2 làng nghề có sản phẩm đăng ký thương hiệu (làng nghề nấu rượu Mai Hạ, làng nghề nấu rượu Làng Đình).

Nhìn chung, thúc đẩy phát triển công nghiệp trong sản xuất nông nghiệp tỉnh Hòa Bình đã từng bước đạt được những kết quả khả quan; theo xu thế chung, các nội dung ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông minh, và đặc biệt là chuyển đổi số trong nông nghiệp nông thôn đã được triển khai. Với các vùng nguyên liệu tập trung được xây dựng, hình thành bước đầu đã phục vụ, tạo điều kiện cho cho công nghiệp chế biến của tỉnh. Đã áp dụng các kỹ thuật canh tác hiện đại cũng như quản lý chất lượng chặt chẽ để đảm bảo chất lượng sản phẩm đáp ứng được các yêu cầu của thị trường, gắn kết phát triển sản xuất với bảo vệ môi trường, đồng bộ với thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Đến nay, các nông sản chủ lực, lợi thế của tỉnh như: gạo chất lượng cao, cây ăn quả có múi (cam, quýt, bưởi), cây mía (mía ăn tươi), gia súc (trâu, bò, dê, lợn), gia cầm (gà), cá nuôi lồng,… đã từng bước phát triển theo hướng chuyên canh, tập trung, tạo ra sản lượng lớn và chất lượng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Các làng nghề, làng nghề truyền thống đã và đang từng bước phát triển theo hướng sản xuất quy mô lớn, áp dụng các kỹ thuật công nghiệp phù hợp với từng công đoạn sản xuất để tạo khối lượng sản phẩm lớn, nâng cao hơn về chất lượng, đa dạng về mẫu mã, kiểu dáng, chủng loại… đáp ứng nhu cầu thị trường.

Tuy nhiên, trong công nghiệp hóa nông nghiệp bộc lộ nhiều tồn tại và hạn chế lớn, trong đó có thể thấy rõ nhất là quy mô sản xuất chưa đủ lớn, đặc biệt đối với các vùng/địa phương khó khăn, tài nguyên đất dai hạn chế, tập quán canh tác nhỏ lẻ, chưa thực sự đổi mới trong tư duy, cách làm nông nghiệp. Đây cũng là tồn tại của nhiều địa phương, trong đó có tỉnh Hòa Bình. Quá trình áp dụng các quy trình công nghệ, đưa công nghiệp vào sản xuất, chế biến đòi hỏi nhiều điều kiện, đáp ứng nhiều yêu cầu cả về trình độ, điều kiện kinh tế, xã hội… trong đó khó khăn nhất là nguồn lực kinh tế.

Để tiếp tục thực hiện và đạt được các mục tiêu của Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 và Chương trình hành động số 23-CTr/TU ngày 18/10/2018; với chức năng, nhiệm vụ được giao, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn xác định: để thúc đẩy công nghiệp hóa nông nghiệp nông thôn trong thời gian tới thì ngoài việc đầu tư áp dụng công nghiệp trong sản xuất, công nghệ chế biến, chú trọng chất lượng và xúc tiến thương mại thì chuyển đổi số được xem là giải pháp hiệu quả để mang lại hiệu quả kinh tế, phát triển bền vững hơn. Trong đó tập trung ưu tiên phát triển các lĩnh vực như: Phát triển, triển khai sàn thương mại điện tử để tăng cường quảng bá, tuyên truyền các sản phẩm nông nghiệp của địa phương, cải thiện hiệu quả kinh doanh. Phát triển, triển khai ứng dụng số hỗ trợ quan sát, giám sát, điều hành thông minh dựa trên dữ liệu số phục vụ công tác quản lý, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng các lĩnh vực của ngành nông nghiệp. Hỗ trợ, thúc đẩy người dân, tổ chức sử dụng/ứng dụng các công nghệ (như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, IoT…) để tự động hóa quy trình sản xuất, giúp phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp chính xác. Phát triển, triển khai các ứng dụng số phục vụ công tác quản lý dựa trên dữ liệu để có các chính sách, điều hành kịp thời phát triển nông nghiệp./.