DetailController

Khoa học - Môi trường

Thúc đẩy hoạt động sở hữu trí tuệ tại địa phương

13/07/2022 00:00
Những năm gần đây, hoạt động quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ tại địa phương ngày càng đóng vai trò quan trọng trong hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà sản xuất, kinh doanh nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa trên thị trường và khẳng định giá trị tài sản trí tuệ.
Cam Cao Phong là sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng của tỉnh Hòa Bình đã được đăng ký chỉ dẫn địa lý

Triển khai Chương trình phát triển tài sản trí tuệ theo Quyết định số 2205/QĐ-TTg ngày 24/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua tỉnh đã tập trung thực hiện có hiệu quả Quyết định số 984/QĐ-UBND ngày 14/5/2021 của UBND tỉnh Hòa Bình về việc phê duyệt Chương trình phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Hòa Bình, giai đoạn 2021-2030. Tỉnh  tập trung ưu tiên, hỗ trợ triển khai thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ về tạo lập, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh, góp phần nâng cao chất lượng, giá trị thương mại, danh tiếng cho sản phẩm đặc thù địa phương. Đã hỗ trợ các địa phương, đơn vị đăng ký, sử dụng tên địa danh và phê duyệt bản đồ đề đăng ký các nhãn hiệu chứng nhận: Sả-Tinh dầu Sả Thành phố Hòa Bình, Chè Sông Bôi Lạc Thủy, Xạ đen Hòa Bình; Nhãn hiệu tập thể: Đá cảnh, Gỗ lũa Lâm Sơn, Lương Sơn. Điều chỉnh mở rộng chỉ dẫn địa lý Cao Phong đối với sản phẩm cam của huyện Cao Phong...

Thực hiện Chiến lược Sở hữu trí tuệ đến năm 2030 theo Quyết định số 1068/QĐ-TTg ngày 22/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ, trong năm 2021, toàn tỉnh có 82 đơn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp của các tổ chức, cá nhân sản xuất và kinh doanh sản phẩm, dịch vụ được nộp về Cục Sở hữu trí tuệ đăng ký bảo hộ quyền Sở hữu công nghiệp (trong đó 01 đơn Sáng chế; 02 đơn Kiểu dáng công nghiệp và 79 đơn đăng ký nhãn hiệu). Tổng số văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp cho các tổ chức, cá nhân của tỉnh Hòa Bình tính đến hết năm 2021 là 266 văn bằng, gồm: 01 Sáng chế, 01 Chỉ dẫn địa lý, 01 giải pháp hữu ích, 12 Kiểu dáng công nghiệp và 251 Nhãn hiệu hàng; Hỗ trợ xác lập quyền Sở hữu công nghiệp cho 10 tổ chức, doanh nghiệp theo quy định tại Quyết định 01/2018/QĐ-UBND với tổng kinh phí hỗ trợ 120 triệu đồng. Triển khai biên soạn, in ấn cuốn Đăng bạ Văn bằng bảo hộ Sở hữu công nghiệp tỉnh Hòa Bình để phát hành rộng rãi trong toàn tỉnh góp phần nâng cao nhận thức của các đơn vị, tổ chức, cá nhân về các quy định về sở hữu trí tuệ. Trong 6 tháng đầu năm 2022, đã hỗ trợ xác lập quyền Sở hữu công nghiệp cho 20 nhãn hiệu của các tổ chức, doanh nghiệp theo quy định tại Quyết định 01/2018/QĐ-UBND với tổng kinh phí hỗ trợ 100 triệu đồng. Triển khai các hoạt động hưởng ứng ngày Đổi mới sáng tạo và Sở hữu trí tuệ thế giới, kỷ niệm ngày KH&CN Việt Nam 18/5, tiêu biểu là phối hợp với Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ Ký kết thoả thuận hợp tác về sở hữu trí tuệ, thành lập và Khai trương Trạm khai thác thông tin và sử dụng dịch vụ sở hữu công nghiệp (IPPlatform) tại tỉnh Hoà Bình, tổ chức Hội thảo Khoa học với chủ đề “Các chính sách thúc đẩy KH&CN, Đổi mới sáng tạo”, tuyên truyền, phổ biến các hoạt động về sở hữu trí tuệ trên các phương tiện thông tin truyền thông trên địa bàn tỉnh. Sắp tới, thực hiện hỗ trợ các địa phương, đơn vị về việc cho phép sử dụng tên địa danh và phê duyệt bản đồ đề đăng ký các nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm nông sản đặc sản của tỉnh như: Khoai Lang Phú Cường – Tân Lạc, Gạo Mai Châu, Lợn bản địa Lạc Sỹ - Yên Thủy, Rượu Mai Hạ -Mai Châu, Miến dong Cao Sơn – Đà Bắc, Du lịch Bản Lác – Mai Châu.

Hoạt động sáng kiến có nhiều đổi mới và được đẩy mạnh việc thông qua công tác tuyên truyền, thúc đẩy các hoạt động sáng kiến và phong trào thi đua lao động sáng tạo trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, việc triển khai tổ chức Hội thi tìm kiếm sáng kiến cải cách hành chính tỉnh Hòa Bình được tổ chức thường niên từ năm 2019 đến nay đã góp phần đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sáng tạo, công tác cải cách hành chính của cơ quan, đơn vị và địa phương. Từ năm 2021 đến hết 6 tháng đầu năm 2022, đã có 75 sáng kiến của các cơ quan, đơn vị đăng ký xét công nhận sáng kiến có ảnh hưởng, hiệu quả áp dụng trong phạm vi tỉnh, trong đó có 41 sáng kiến được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận sáng kiến có ảnh hưởng, hiệu quả áp dụng trong phạm vi tỉnh. Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh và Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng tiếp tục được tuyên truyền phổ biến rộng rãi, đặc biệt là trong hệ thống các trường phổ thông trung học, các cơ sở giáo dục chuyên nghiệp, dạy nghề và các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Qua hội thi đã tuyển chọn được một số giải pháp có giá trị và tính ứng dụng cao gửi đi dự thi Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc năm 2021 là Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc.

Sáu tháng cuối năm 2022, tỉnh tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp nâng hiệu quả của hoạt động bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) trên phạm vi toàn tỉnh. Thúc đẩy phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh, thực hiện có hiệu quả Chương trình phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021 - 2030; hỗ trợ, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân đăng ký xác lập và bảo vệ quyền SHTT, đặc biệt nghiên cứu xây dựng Chỉ dẫn địa lý Kim Bôi cho sản phẩm nước khoáng và dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng tại huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình; xây dựng các nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận cho các sản phẩm là các đặc sản của địa phương nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ. Tiếp tục nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp về  SHTT; hướng dẫn hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh sử dụng công cụ SHTT trong hoạt động sản xuất kinh doanh; hỗ trợ các cá nhân, doanh nghiệp bảo hộ và khai thác quyền SHTT ở nước ngoài; đẩy mạnh hoạt động sáng kiến trong mọi tầng lớp nhân dân, tổ chức Hội thi tìm kiếm sảng kiến cải cách hành chính tỉnh./.