DetailController

Nông, Lâm, Ngư Nghiệp

Thu gom, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng và chất thải nhựa trong sản xuất trồng trọt nhằm bảo vệ môi trường sinh thái và sức khỏe cộng đồng

22/09/2021 00:00
Hằng năm trên địa bàn tỉnh sử dụng khoảng 370 tấn thuốc bảo vệ thực vật các loại, theo đó phát sinh khoảng 44,12 tấn bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng. Trong đó, thuốc dạng chai (tuýp, lọ, can) nhựa chiếm 70%, dạng gói nhựa khoảng 30%. Sau khi sử dụng, cùng với lượng bao gói là lượng thuốc bảo vệ thực vật còn sót lại trong bao bì. Lượng thuốc này dễ khuếch tán vào không khí hoặc thẩm thấu vào đất, vào nguồn nước nếu không có giải pháp thu gom, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng một cách hiệu quả.

Từ năm 2017 đến nay, tỉnh Hòa Bình đã có nhiều giải pháp để hạn chế tác hại của bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng như: Tổ chức trên 500 lớp tập huấn với hơn 15.000 lượt người tham gia; in và cấp phát trên 18 nghìn tờ rơi về hướng dẫn sử dụng và thu gom bao thuốc bảo vệ thực vật; đầu tư, hỗ trợ lắp đặt trên 1.500 bể chứa…Những giải pháp này đã góp phần thay đổi ý thức bảo vệ môi trường của người sản xuất; nhiều nơi chính quyền và tổ chức đoàn thể ở cơ sở đã vào cuộc quyết liệt, thường xuyên đôn đốc, tổ chức các hoạt động thu gom bao gói sau khi sử dụng. Nhiều cánh đồng, khu vườn đã cơ bản không còn tình trạng bao gói thuốc bảo vệ thực vật thải bỏ tự do.

Tuy nhiên về tổng thể việc thu gom, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng ở tỉnh ta vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém như: thiếu nơi thu gom, bao gói thuốc BVTV được thu gom vào các bể chứa chiếm tỷ lệ thấp 15% so với lượng thải ra. Hằng năm có trên 20 tấn (chiếm 49,81%) bao gói thuốc BVTV sau sử dụng tồn đọng trên đồng ruộng, đất, nước đặc biệt một số huyện như: Mai Châu, Đà Bắc, Tân Lạc, Lạc Sơn…Xử lý không đúng cách, không bố trí được kinh phí tiêu hủy. Trong sản xuất trồng trọt, ngoài chất thải nhựa ở dạng bao gói thuốc BVTV còn nhiều loại chất thải nhựa khác như: màng phủ nông nghiệp, nilon che phủ đất, che mạ, che rau; túi bọc quả, bao bì hạt giống, ống nhựa dẫn nước,vòi phun nước…Về lâu dài, nguy cơ ô nhiễm đất và môi trường trở thành vấn đề đáng báo động, ảnh hưởng lớn đến mạch nước ngầm và sức khỏe trực tiếp của con người.

Trong những năm gần đây, việc sử dụng vật liệu nhựa trong sản xuất trồng trọt có xu hướng tăng nhanh. Với tổng diện tích gieo trồng khoảng 135 nghìn ha/năm thì lượng rác thải nhựa thải ra môi trường khoảng 1.793 tấn/năm, trong đó lớn nhất là từ bao gói đựng phân bón. Bên cạnh đó, các loạt vật liệu nhựa trong canh tác trồng trọt cũng làm tăng mạnh nguồn chất thải nhựa ra môi trường. Vì vậy, đòi hỏi các cấp ủy, chính quyền, người tham gia sản xuất phải xác định rõ và nêu cao trách nhiệm trong hoạt động thu gom, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng và chất thải nhựa trong sản xuất trồng trọt. Huy động được nguồn lực xã hội hóa trong xử lý chất thải, hướng tới nền sản xuất trồng trọt xanh - sạch – bảo vệ môi trường.

Nhiệm vụ từ nay đến năm 2025, tỉnh Hòa Bình phải thực hiện giảm thiểu, hạn chế nguồn chất thải nhựa trong sản xuất trồng trọt. Thay đổi nhận thức, nâng cao trách nhiệm, nghĩa vụ của doanh nghiệp, người sản xuất trồng trọt trong việc quản lý nguồn thải là chất thải nhựa từ sản xuất trồng trọt và bao gói thuốc BVTV sau khi sử dụng. Nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước của chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn các cấp trong việc hạn chế nguồn thải và xử lý nguồn thải. Mục tiêu từ nay đến năm 2025 có ít nhất 70% bao gói thuốc BVTV sau sử dụng được thu gom, vận chuyển và xử lý đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường; 100% các huyện, thành phố xây dựng khu lưu chứa và thường xuyên tổ chức các hoạt động thu gom, xử lý một cách hiệu quả; 100% xã về đích NTM có hoạt động dịch vụ về thu gom, phân loại, vận chuyển, xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường; có ít nhất 01 cơ sở dịch vụ đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật để xử lý chất thải nhựa nói chung, bao gói thuốc BVTV nói riêng được đầu tư, nâng cấp với công suất, công nghệ phù hợp với yêu cầu xử lý nguồn thải…/.