Thú chơi đào của người Việt đã có từ rất lâu. Người Việt quan niệm màu đỏ thắm của hoa đào tượng trưng và dự báo một năm mới tươi sáng, ấm áp và mang tới nhiều sức khỏe, thành công, hạnh phúc trong năm mới. Chơi hoa đào - một thú chơi tuy bình dị nhưng cũng rất cầu kỳ. Người nhiều tiền thì chơi đào cây, đào thế; người ít tiền thì chơi đào cành. Đối với những người cầu kỳ, có khi đi tìm hàng tuần, thậm chí cả tháng từ trước tết mới được cây đào thế ưng ý mang về trưng trong ba ngày tết.
Nói tới hoa đào, không thể không nhắc tới hoa đào Nhật Tân - nét văn hoá cổ truyền đáng quý của người Hà Nội, đã hình thành và tồn tại đến mấy trăm năm. Có rất nhiều nơi trồng đào, nhưng có lẽ không có nơi nào có đào đẹp như Nhật Tân. Đào Nhật Tân đẹp như vậy có lẽ bởi truyền thống, kỹ thuật của người trồng hoa vùng này và cũng bởi một yếu tố quan trọng nữa là thổ nhưỡng. Cũng bởi vẻ đẹp của đào nơi đây mà đối với những người sành đào, đào Nhật Tân là sự lựa chọn số một. Đến làng đào nổi tiếng nhất Hà Nội – làng đào Nhật Tân trước tết cổ truyền khoảng hai tháng, ta có thể thấy không khí tấp nập nơi đây, bởi đây là thời điểm vườn đào đã được lá, các nụ hoa bé li ti đang chờ đến tết để được khoe sắc.
Gốc đào lấy từ các tỉnh miền núi |
Vào khoảng thập kỷ 80 trở về trước, người dân chỉ chơi cành đào cắm vào hai lọ hoa lục bình trên bàn thờ trong ba ngày Tết. Loại đào như thế được người dân trồng đào gọi là đào tròn hay đào cắt cành. Trồng loại đào này không mất nhiều công sức nhưng giá trị kinh tế không cao bằng việc trồng đào thế. Người trồng đào phải lên các tỉnh miền núi như Hà Giang, Sapa để lấy giống đào rừng (hạt đào hoặc cây con) về trồng làm gốc. Anh Tư – người trồng đào ở Nhật Tân kể: Giống đào rừng rất khỏe và dễ sống, lấy giống đào rừng về trồng để lấy gốc khỏe, năm sau khi đào lên cành sẽ được uốn tròn tạo dáng, tết đến cắt cành bán, còn gốc vẫn giữ nguyên, năm sau sẽ mọc cành mới. Với cách làm này sẽ đỡ tốn công mà gốc đào khỏe, cho ra những cành đào chất lượng. Khi trồng loại đào tròn này, người trồng đào ở Nhật Tân đã kết hợp với trồng hoa dưới gốc để tăng thêm thu nhập. Cách làm này chỉ phù hợp làm đối với loại đào tròn. Đối với đào thế, không thể trồng thêm hoa dưới gốc, bởi nếu làm vậy sẽ làm hỏng cành đào thế. Một kinh nghiệm được người dân trồng đào chia sẻ cho những ai chơi đào cắt cành đó là: Đối với đào cắt cành, dù là bích đào, đào phai hay đào ta, trước khi cắm vào bình cần phải hơ gốc trên than lửa, làm như vậy hoa sẽ nở đều, bền và tươi màu.
Những năm trở lại đây, người chơi đào Tết có xu hướng chơi đào thế. Để có cây đào thế đẹp trong 3 ngày Tết, với những thế cây như: phụ tử, mẫu tử, huynh đệ, trực ngôn, hình hài linh vật… Cầu kỳ hơn là những cây đào được cấy vào phôi đá. Muốn có được một cây đào thế đẹp người trồng đào phải lên các tỉnh miền núi tìm mua gốc đào rừng lâu năm. Theo như anh Tư kể: có khi phải nằm chờ cả tháng trời mới mua được một gốc đào ưng ý. Gốc đào được mua với giá khác nhau, từ 300.000 tới hơn 1 triệu/gốc tùy vào độ tuổi của gốc đào. Các gốc đào rừng rất khỏe, khi mang về sẽ được cắt kết rễ phụ, cành nhỏ, chỉ giữ lại gốc và thân chính để trồng, sau đó ghép mắt. Các mắt đào được ghép ở vị trí nào trên thân tùy thuộc vào dáng của gốc đào và thế đào người trồng muốn tạo. Bởi vì mùa xuân là mùa thích hợp cho việc đâm chồi, nên trong hai tháng cuối năm là lúc người trồng đào bắt đầu công việc ghép mắt. Những cây đào sau khi được ghép mắt cần được chăm sóc cẩn thận, chờ tới khi các mắt đào lớn thành cành mới tiếp tục dùng dây thép để tạo thế. Chính bởi những công đoạn phức tạp như vậy mà muốn có một cây đào thế đẹp, người trồng đào phải dày công uốn tỉa vài ba năm trở lên.
|