Để hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam (15/3/2022), Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương đã phát hành Bộ tài liệu “Hướng dẫn tiêu dùng an toàn trong thời kỳ bình thường mới” nhằm góp phần lan tỏa thông điệp, hướng dẫn người tiêu dùng một số cách thức để có thể tiêu dùng an toàn với 03 nội dung trọng tâm gồm: An toàn lựa chọn, An toàn thanh toán và An toàn sử dụng (Thông điệp 3A).
An toàn lựa chọn: Là giai đoạn từ khi NTD tiếp cận và tiếp nhận thông tin ban đầu đến giai đoạn cân nhắc lựa chọn hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng.
Đối với doanh nghiệp (DN), phải cung cấp thông tin cho NTD một cách đầy đủ, chính xác về uy tín, khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp hàng hóa, dịch vụ của DN. Không được giả mạo các đánh giá về hàng hóa, dịch vụ hoặc xóa phản hồi tiêu cực của khách hàng (đối với hình thức thương mại trực tuyến). Soạn thảo và áp dụng các điều khoản và điều kiện mua hàng hóa, dịch vụ phải rõ ràng, công bằng, đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật bảo vệ quyền lợi NTD và quy định của pháp luật khác có liên quan. Dành thời gian hợp lý để NTD dùng tìm hiểu, lựa chọn hàng hóa, dịch vụ phù hợp và nghiên cứu các điều kiện, chính sách, tài liệu có liên quan trước khi quyết định giao dịch. Xây dựng, ban hành và công khai các cơ chế giải quyết tranh chấp, chính sách bồi thường thiệt hại để NTD tìm hiểu trước khi quyết định giao dịch.
Đối với NTD, được tìm hiểu các quyền lợi tương ứng theo quy định pháp luật, gồm có: Quyền được thông tin; lựa chọn; tư vấn. NTD cần kiểm tra, tìm hiểu các thông tin có liên quan đến doanh nghiệp và hàng hóa, dịch vụ muốn mua và lựa chọn cẩn thận, kỹ lưỡng hàng hóa, dịch vụ.
An toàn thanh toán: Là giai đoạn từ trao đổi các thông tin liên quan đến hàng hóa, dịch vụ đến giai đoạn NTD thanh toán, nhận hàng hóa, dịch vụ.
Đối với DN, cần cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về DN; nội dung giao dịch hàng hóa, dịch vụ; nguồn gốc, xuất xứ hàng hoá; các tài liệu liên quan đến giao dịch và thông tin cần thiết khác về hàng hóa, dịch vụ theo yêu cầu của NTD. Khi thanh toán, DN cần cung cấp bằng chứng giao dịch giữa DN và NTD. Thực hiện trách nhiệm đảm bảo an toàn, bảo vệ bí mật thông tin của NTD theo quy định của pháp luật…
Đối với NTD, khi tham gia mua bán và thanh toán truyền thống, NTD cần lưu ý: Chủ động bảo mật, bảo vệ thông tin của chính mình. Chỉ cung cấp cho bên bán các thông tin cần thiết liên quan đến giao dịch và yêu cầu bên bán thực hiện trách nhiệm bảo mật thông tin theo đúng quy định pháp luật. Chú ý đến các điều khoản và điều kiện, chính sách về giao hàng hóa, chi phí có liên quan, bảo hành; chính sách trả hàng và hoàn tiền của doanhnghiệp. Kiểm tra kỹ hàng hóa trước khi nhận. Lưu giữ lại toàn bộ hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch...
Khi tham gia mua bán và thanh toán trực tuyến, NTD cần tìm hiểu và đọc kỹ các điều kiện, điều khoản của website/ứng dụng di động trước khi đồng ý giao dịch và thanh toán. Kiểm tra kỹ các thông tin như nội dung thanh toán, tổng số tiền cần thanh toán trước khi quyết định thanh toán. Cẩn trọng và chủ động bảo mật thông tin của mình trong quá trình thanh toán, yêu cầu bên bán thực hiện trách nhiệm bảo mật thông tin theo đúng quy định pháp luật trong trường hợp bên bán thu thập thông tin của NTD. NTD cần tự mình sử dụng thẻ và tài khoản thanh toán; không đưa thẻ thanh toán của mình cho bất kỳ ai; không tiết lộ số PIN, số thẻ cho bất kỳ ai kể cả nhân viên thu ngân của bên bán. Chỉ giao dịch trực tuyến trên các nền tảng, ứng dụng di động, website uy tín, các địa chỉ mua hàng tin cậy, có độ bảo mật cao; tự mình gõ đường link đầy đủ trên thanh địa chỉ trên trình duyệt Internet và tránh lựa chọn các đường link có sẵn (có thể là giả mạo). Giữ lại các hóa đơn thanh toán thẻ, chứng từ có liên quan để đối chiếu với các giao dịch trên sao kê tài khoản thẻ và thực tế hàng hóa, dịch vụ nhận được cũng như để làm bằng chứng nếuxảy ra tranh chấp...
An toàn sử dụng: Là giai đoạn từ khi NTD tiếp nhận, sử dụng hàng hóa, dịch vụ đến bảo hành, phản ánh, khiếu nại về hàng hóa, dịch vụ (nếu phát sinh vấn đề cần bảo hành, phán ánh, khiếu nại).
Đối với DN, cung cấp đầy đủ, chính xác cho NTD các thông tin như: Các điều khoản và điều kiện, chính sách về giao hàng; thông tin về các loại chi phí khác có liên quan; chính sách và điều kiện bảo hành; hướng dẫn sử dụng; điều kiện được hưởng khuyến mại khác (nếu có); chính sách trả hàng và hoàn tiền của DN;…Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ bảo hành hàng hóa, linh kiện, phụ kiện do mình cung cấp theo quy định pháp luật và thỏa thuận bảo hành giữa bên bán và NTD. Tiếp nhận và tiến hành thương lượng với NTD trong vòng 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu của NTD; tiến hành giải quyết tranh chấp với NTD theo các phương thức phù hợp theo quy định pháp luật và thỏa thuận giữa các bên.
Đối với NTD, cần tìm hiểu các quyền lợi tương ứng của NTD theo quy định pháp luật bảo vệ quyền lợi NTD, cụ thể: Quyền được yêu cầu bồi thường; Quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện. Lưu ý, chủ động lưu lại tất cả các thông tin, tài liệu liên quan đến giao dịch; đọc kỹ trước khi sử dụng hàng hóa các thông tin như hướng dẫn sử dụng (đặc biệt đối với các sản phẩm bảo vệ sức khỏe); điều kiện sử dụng và bảo quản sản phẩm; hạn sử dụng; những lưu ý khi sử dụng sản phẩm… để đảm bảo sử dụng sản phẩm một cách an toàn, hợp lý, hiệu quả. Chia sẻ thông tin tiêu dùng để góp phần xây dựng môi trường tiêu dùng an toàn, lành mạnh. Trong trường hợp xảy ra tranh chấp, NTD cần sử dụng các phương thức giải quyết tranh chấp phù hợp theo quy định pháp luật. Trường hợp không thương lượng được với bên bán, NTD cần liên hệ với cơ quan, tổ chức để được hỗ trợ tư vấn, giải quyết: Hội Bảo vệ quyền lợi NTD; Sở CôngThương địa phương; Tổng đài tư vấn hỗ trợ NTD 1800.6838: Tổng đài miễn cước cuộc gọi do Bộ Công Thương vận hành nhằm tiếp nhận, tư vấn các vấn đề về pháp luật bảo vệ NTD. Phản ánh tới các cơ quan, đơn vị quản lý chuyên ngành liên quan đến loại hàng hóa, dịch vụ mà NTD đã mua của doanh nghiệp để được tư vấn, hỗ trợ, giải quyết./.