DetailController

Văn hóa

Thiết kế ba xanh độc đáo của nhà cộng đồng thôn Suối Rè

10/02/2011 00:00
Từ cuối năm 2010, người dân ở thôn Suối Rè, xã Cư Yên, Lương Sơn, Hòa Bình chính thức thụ hưởng một không gian sinh hoạt mới với tên gọi nhà cộng đồng đa năng thôn Suối Rè.

Hiện ra phía cuối con đường chưa lát hết bêtông là ngôi nhà dựng bằng tre rộng 200m2 nằm vững chãi trên một khoảng đất cao, rộng 2.000m2, bao gồm sân chơi, nơi dân làng chủ yếu là người Mường. Vì thế nhà cộng đồng đa năng thôn Suối Rè vừa mang cấu trúc nhà năm gian Bắc bộ của người Kinh, vừa thấp thoáng nét nhà sàn Mường với mái dốc, rất nhiều ô cửa sổ và lan can sọc tre.

Công trình này do kiến trúc sư (KTS) Hoàng Thúc Hào và nhóm cộng sự Công ty xây dựng 1+1>2 tự bỏ tiền túi xây dựng thử nghiệm.
Công trình dân cùng giám sát
Nhà cộng đồng được thực hiện trên hai ý tưởng khởi nguồn: phải sử dụng được chính vật liệu và nhân công địa phương. Dưới sự giám sát của KTS Hoàng Thúc Hào và cộng sự, người dân trong làng đã rủ nhau lên xây nhà cộng đồng, dùng tre làm hệ cột kèo, lấy lá cọ lợp mái, lấy đá suối xây tường, với chung một tâm trạng “tôi xây cho tôi dùng”.
Từng không gian bắt đầu được mở ra, mang những mục đích cụ thể hệt như một xã hội thu nhỏ. Tận dụng địa nhiệt, tầng trệt ăn vào khoảng lõm triền dốc, tránh gió đông bắc, hút gió địa hình hướng nam nên người dân có thể trú rét hoặc tránh nóng trong những ngày thời tiết khắc nghiệt. Mở ra phía sau hướng lên núi có rừng tre, giếng nước, tầng trệt thông thoáng còn thích hợp cho những buổi họp xã hoặc các cuộc thảo luận sinh viên.
Men theo cầu thang thông lên tầng trên là lớp học nhỏ. Lớp học mới đó đầy học sinh, những bức tranh được treo trân trọng trên từng thanh tre chắn ngang hay giá sách to với những gáy sách thiếu nhi sắc màu sặc sỡ.
Bước ra ngoài hàng hiên lộng gió là những chiếc đu quay cho các em vui đùa giờ ra chơi. Khoảng sân thoáng đã chăng lưới đá cầu, đánh bóng chuyền, phục vụ các hoạt động ngoài trời.
“Người dân rất sáng tạo” - Nguyễn Duy Thanh, người bạn đồng hành cùng KTS Hoàng Thúc Hào trong vai trò KTS, thốt lên đầy cảm kích. Các phương pháp truyền thống của dân làng đã không ít lần cứu nguy cho công trình tưởng khó đi đến đích. Kinh nghiệm làm sao liên kết các cây tre song song cho chắc bằng con xỏ (dùng đũa cơm chốt lại) hay kỹ thuật làm đất, làm tre bền đỡ được mái (bằng việc vùi tre xuống ao)... Dần dần hệ khung vì kèo của căn nhà mới thành hình, vững chắc, gió bão không gãy không nghiêng.
Dân xưa nay sống nhà tranh vách đất, kinh nghiệm “kín gió sẽ ấm ngay”, công trình tạo nhiều mành chắn gió đông nam, dùng mái kính lấy sáng, tận dụng pin mặt trời, bể lọc nước mưa, bể chứa chia khoang, tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường.
Từ những dự án chỉ được... vỗ tay
Trong giới KTS, ông Hoàng Thúc Hào đạt kỷ lục là người có nhiều ý tưởng, đoạt nhiều giải thưởng danh giá nhưng không thành sản phẩm thật. KTS Hào từng khao khát thực hiện và tin mình sẽ cải tạo thành công nhà tù Hỏa Lò thành quảng trường Khoan Dung.
Nóng lòng muốn thay đổi gốc rễ đau thương, ký ức về chiến tranh và cựu binh ở nhà tù, ông muốn phá vỡ những bức tường đặc quánh của Hỏa Lò, tách chúng ra rồi đặt những viên gạch lên mặt nước. Chiến tranh, nếu còn, chỉ là hình ảnh phản chiếu xuống mặt nước ấy. Phần còn lại của quảng trường là nơi tổ chức các buổi sắp đặt, nghệ thuật đường phố, người dân ùa vào, không gian mở ra, tạo không khí ấm áp.
Quy hoạch quảng trường Khoan Dung - cải tạo nhà tù Hỏa Lò của ông đoạt giải thưởng của Hội KTS quốc tế UIA - Paris 1996. Nhưng ngày đó đã có dự án trung tâm thương mại Hanoi Tower rồi, không dừng lại được.
Gần đây nhất, KTS Hoàng Thúc Hào nhận giải nhất cuộc thi “Vì thủ đô Hà Nội hôm nay và mai sau 2010” với giải pháp cho cung đường Hòa Bình - thiết kế đô thị tuyến đê Bưởi - phần còn lại của tường thành Đại La cũ. Vui mừng lắm vì công trình được khen là trình bày tốt, chi phí rẻ nhưng ngày nào đi làm về qua đường Bưởi, lòng ông thắt lại. Cả triền đê vẫn chỉ là bãi rác hoặc bao tải kè cơ học.
“Các công trình hầu hết không được thực hiện. Tôi xây nhà cộng đồng cũng vì muốn thực hiện thành công ý tưởng của mình và phục vụ thiết thực cho cộng đồng xã hội” - KTS Hào kể.
Chung tiền cùng bạn mua mảnh đất tại Cư Yên từ năm 1994, mảnh đất rất đẹp, trên cao, khô ráo, tránh được gió lạnh, hướng thẳng vào thung lũng. KTS Hào đi hỏi người làng mới biết “sinh hoạt văn hóa ở đây nghèo nàn quá. Lớp mẫu giáo tạm bợ trong một nhà kho, gửi trẻ như vậy làm sao đảm bảo vệ sinh được”.
Đọc ra được nhu cầu thiết yếu nhất của dân, cần một nơi vui chơi, học tập, thế là ông Hào dồn sức cho công trình nhà cộng đồng.
Từ quảng trường Khoan Dung, quy hoạch bảo tồn và phát triển làng gốm Bát Tràng, quy hoạch hồ Gươm đến nhà cộng đồng Suối Rè, KTS Hào luôn giữ ý tưởng kiến tạo những không gian mở, thân thiện, nhân văn cho cộng đồng. Nhà cộng đồng của ông được nhiều người gọi là “một đình làng” đa năng.
Đồng nghiệp thì gọi đây là “chuỗi không gian mở liên hoàn”, gắn kết trong ngoài, trước sau, trên dưới thành một tổng thể hữu cơ. Như bông hoa của đất, nhà cộng đồng mọc ra từ núi đồi, gắn chặt với rừng tre, văn hóa, con người bản địa.
Cô giáo Nguyễn Thị Thu Trang, chủ nhiệm lớp mẫu giáo ghép trên 20 em học sinh ở đây, so sánh: “Bây giờ các em đã có một ngôi nhà sạch sẽ, thoáng mát, có thư viện, phòng làm việc để học tập và vui chơi”. Phải hơn 18 tháng thi công, sau khi đi vào hoạt động, một số tổ chức cộng đồng đã gõ cửa nhà cộng đồng đa năng thôn Suối Rè.
Gặp tổ chức nào, KTS Hào cũng kiên nhẫn phổ biến hai điểm từ ngôi nhà: quy trình thiết kế ba xanh (xanh về văn hóa xã hội, xanh về môi trường và kiến trúc, xanh về kinh tế kỹ thuật) và phương thức vận hành nhà cộng đồng.
Nếu được dân sử dụng, nhà cộng đồng sẽ trở thành điểm đến, kết nối nguồn lực xã hội ở đô thị với địa phương, là điểm dừng chân cho các tổ chức làm từ thiện, là nơi chia sẻ kinh nghiệm xây dựng giữa các địa phương...
Bản thân KTS Hào vẫn cố gắng lập quỹ kiến trúc xã hội để phát triển ý tưởng, làm việc với các văn phòng KTS trẻ. Là giảng viên chính thức của Đại học Xây dựng từ năm 2003, ông cùng đồng nghiệp mở nhiều cuộc thi thiết kế cho sinh viên, đơn giản “vì trước đây tôi giống họ, lọ mọ tìm kiếm chỉ mong gặp người hướng dẫn. Tiếp xúc thường xuyên với các bạn trẻ học được nhiều cái bất ngờ, nhiều khi từ một ý nghĩ nào đấy của sinh viên lại giúp mình nảy ra một ý tưởng có thể phát triển tiếp. Vả lại, sinh viên lắm thông tin, “nghe lỏm” được nhiều điều rất hay!”.