DetailController

Tin từ các đơn vị

Thí điểm tổ chức, sắp xếp hoạt động công tác quản lý đô thị, quản lý đất đai trên địa bàn thành phố Hòa Bình

23/02/2023 07:00
Thành phố Hòa Bình có 19 đơn vị hành chính (12 phường, 7 xã) với tỷ lệ đô thị hóa năm 2022 đạt 78,3%, có vai trò là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, khoa học, công nghệ của tỉnh. Công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự an toàn xã hội, giao thông, nhà ở, xây dựng, môi trường của thành phố phức tạp hơn so với các huyện trong tỉnh.

Sau khi thực hiện Nghị quyết số 830/NQ-UBTVQH14 ngày 17/12/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Hòa Bình, thành phố Hòa Bình được mở rộng về địa giới hành chính và bộ máy hành chính từ 13 đơn vị hành chính cấp xã lên 19 đơn vị. Do đó, cần phải tổ chức, sắp xếp hoạt động quản lý đô thị, quản lý đất đai trên địa bàn thành phố để bảo đảm, duy trì trật tự đô thị trên địa bàn, nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm trong công tác quản lý đô thị, quản lý đất đai để đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu xây dựng thành phố ngày càng văn minh, hiện đại, “Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp” theo tinh thần Chỉ thị số 05-CT/TH.U ngày 21/6/2021 của Ban Thường vụ Thành ủy Hòa Bình. Bên cạnh đó, cần triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện tốt công tác quản lý đô thị, đất đai nhằm xây dựng thành phố ngày càng hiện đại, văn minh. Từ thực trạng đó, thành phố Hòa Bình xây dựng Đề án thí điểm tổ chức, sắp xếp hoạt động công tác quản lý đô thị, quản lý đất đai trên địa bàn thành phố Hòa Bình. Đề án được ban hành nhằm tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước trong công tác quản lý trật tự đô thị, quản lý đất đai; kịp thời khắc phục những hạn chế, yếu kém, đồng thời tăng cường trật tự, kỷ cương và xây dựng nếp sống văn minh đô thị, tạo sự chuyển biến mới, thực chất hơn trong ý thức, trách nhiệm của từng cấp, từng ngành và của từng người dân. Phân định rõ trách nhiệm của Công an thành phố, Đội Trật tự đô thị thành phố, UBND các phường, xã trong công tác quản lý trật tự đô thị, quản lý đất đai, vệ sinh môi trường trên địa bàn thành phố theo quy định của pháp luật; đảm bảo công tác quản lý Nhà nước về quản lý trật tự đô thị, quản lý đất đai, vệ sinh môi trường được thường xuyên, liên tục, thống nhất, đúng thẩm quyền, phát huy hiệu quả mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Tổ trưởng dân phố, Trưởng xóm trong công tác phát hiện các vi phạm trật tự đô thị, quản lý đất đai, vệ sinh môi trường trên địa bàn.

Về tổ chức, căn cứ tình hình thực tiễn, phân công Công an thành phố chủ trì thực hiện công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, đỗ đậu xe lấn chiếm lòng đường, hè phố; Đội Trật tự đô thị thành phố thực hiện công tác đảm bảo đảm bảo trật tự đô thị (Lấn chiếm lòng đường, hè phố, hành lang an toàn giao thông để họp chợ, buôn bán, kinh doanh,...) trên các tuyến đường chính trên địa bàn thành phố; UBND các phường, xã chủ trì thực hiện đảm bảo trật tự xây dựng, trật tự đô thị trên các tuyến đường trên địa bàn các phường, xã (trừ các tuyến đường chính thuộc trách nhiệm của Đội Trật tự đô thị thành phố), quản lý đất đai và vệ sinh môi trường.

Về cơ chế chính sách: Đối với Công an thành phố: Bố trí kinh phí hỗ trợ lực lượng Công an thành phố trong công tác phối hợp với Đội Trật tự đô thị thành phố, UBND phường, xã đảm bảo trật tự đô thị là 200.000.000/năm.

Đối với UBND các phường, xã: Hỗ trợ cho UBND các phường, xã kinh phí hoạt động đô thị theo phân cấp đơn vị hành chính từ 150 triệu – 250 triệu đồng/năm tùy theo phân loại cấp xã, phường.

UBND thành phố giao Đội Trật tự đô thị thành phố: Chịu trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm về công tác đảm bảo trật tự đô thị ngay khi mới phát sinh từ cơ sở; Phân công cụ thể cán bộ phụ trách theo địa bàn các phường, xã. Chủ trì phối hợp với Công an thành phố, UBND các phường, xã tổ chức ra quân các tháng, các đợt cao điểm giải toả các tụ điểm lấn chiếm lòng đường, hè phố, hành lang ATGT để làm mái che, mái vẩy, lều lán, hàng quán, họp chợ kinh doanh bán hàng hóa, đặt biển quảng cáo, để vật liệu xây dựng..., gây mất trật tự ATGT, trật tự đô thị và vệ sinh môi trường một số tuyến đường chính trên địa bàn thành phố.

Công an thành phố chịu trách nhiệm chỉ đạo các lực lượng Cảnh sát giao thông, Cảnh sát trật tự tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm như: Điều khiển mô tô, xe gắn máy chạy quá tốc độ, phóng nhanh vượt ẩu, chở quá số người quy định, không có giấy phép lái xe, không đội mũ bảo hiểm, dừng, đỗ xe trái quy định; các phương tiện giao thông vi phạm dừng, đỗ, đón trả khách không đúng nơi quy định, phương tiện vận chuyển nguyên vật liệu không chấp hành các quy định của pháp luật về giao thông đường bộ.

UBND các phường, xã thành lập Tổ xử lý vi phạm về quản lý đô thị, quản lý đất đai và vệ sinh môi trường (hoặc Tổ phản ứng nhanh). Chủ động xây dựng kế hoạch đảm bảo công tác quản lý đô thị, quản lý đất đai và vệ sinh môi trường giao Tổ xử lý vi phạm về quản lý đô thị, quản lý đất đai và vệ sinh môi trường (hoặc Tổ phản ứng nhanh) kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn kịp, xử lý thời các trường hợp vi phạm ngay khi mới phát sinh. Chủ trì tổ chức giải toả các trường hợp lấn chiếm lòng đường, hè phố làm mái che, mái vẩy, lều lán, hàng quán, họp chợ kinh doanh bán hàng hóa, đặt biển quảng cáo, để vật liệu xây dựng..., gây mất trật tự ATGT, trật tự đô thị và vệ sinh môi trường tại các tuyến đường trên địa bàn quản lý. Phối hợp chặt chẽ với Đội Trật tự đô thị thành phố trong các đợt ra quân các tháng, các đợt cao điểm giải toả các trường hợp vi phạm lấn chiếm lòng đường, hè phố gây mất trật tự ATGT, trật tự đô thị và vệ sinh môi trường một số tuyến đường chính trên địa bàn thành phố. Chủ tịch UBND các phường, xã hoàn toàn chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố nếu không kịp thời kiểm tra, phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng, quản lý đất đai và vệ sinh môi trường trên địa bàn mình; không có biện pháp ngăn chặn vi phạm để dẫn đến những hậu quả khó khắc phục./.