“Thực hiện Quyết định số 157/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên, tính đến nay, tỉnh ta đã có 20.080 học sinh, sinh viên được vay vốn với tổng dư nợ lên đến hơn 261 tỷ đồng. Trong năm 2011, kế hoạch giải ngân của tỉnh đối với tín dụng này là 75 tỷ đồng cộng với nguồn vốn quay vòng, hệ thống ngân hàng CSXH trong tỉnh nỗ lực đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu vốn vay cho các đối tượng”. Ông Vũ Đình Đoài, Giám đốc NHCSXH tỉnh cho biết.
Cơ hội đến trường cho học sinh nghèo
Trong 3 năm triển khai, chương trình đã hỗ trợ cho hơn 5.810 sinh viên Đại học, hơn 6.665 sinh viên Cao Đẳng và hơn 6.000 sinh viên hệ trung cấp nghề nguồn vốn để đi học. Trong đó, nhiều em thực sự có được cơ hội học tập, tìm việc làm và thay đổi cuộc sống. Đã từng là một trong những điển hình làm kinh tế giỏi ở thị trấn Đà Bắc nhưng dịch cúm gia cầm năm 2006 đã khiến gia đình ông Phan Văn Đường lâm vào cảnh phá sản. Nam sau, hai cậu con trai sinh đôi của anh cùng đỗ đại học. Đã phải bán nhà để trả nợ, cô con gái lớn cũng đang học năm cuối ĐH Sư phạm nay lại tiếp tục lo cho hai con, gánh nặng đối với vợ chồng anh Đường không nhỏ. Những tưởng phải để hai con dừng học nhưng lúc ấy, thông qua tổ tín chấp của Hội CCB thị trấn, gia đình anh Đường đã được vay vốn cho hai con theo học. Nay, con gái cả của ông đã ra trường và tìm được việc làm, có điều kiện để trả nợ cho ngân hàng, hai con trai của anh đều đang theo học ĐH và chuẩn bị ra trường. Cùng chung hoàn cảnh với anh Đường, gia đình ông Nguyễn Văn Thái, tiểu khu Thạch Lý, TT Đà Bắc cũng phải nuôi ba cô con gái cùng theo học ĐH nên kinh tế gia đình rất khó khăn. Được sự hỗ trợ từ nguồn vốn cho vay học sinh, sinh viên, ba con gái của ông đều đã có cơ hội được học tập, tìm được việc làm. Đến nay, mặc dù chưa hết hạn trả nhưng gia đình ông cũng đã hoàn tất số tiến hơn 12 triệu đồng vay cho con đi học. “Tất cả số tiền ấy đều do các con dành dụm được sau khi đi làm” ông Thái cho biết. Không chỉ tạo cơ hội cho các em học sinh nghèo huyện đà Bắc mà trong 3 năm triển khai, chương trình đã cho hơn 13.000 SV ĐH, CĐ, hơn 6.000 HS trung học chuyên nghiệp và hơn 1.000 học viên học nghề vay vốn để học.
Theo ông Vũ Đình Đoài, với địa bàn là một tỉnh miền núi, kinh tế còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo tương đối cao, nhu cầu về vay vốn học sinh sinh viên hiện nay là rất lớn. Vấn đề là làm sao để người dân tiếp cận được với nguồn vốn. Giải quyết vấn đề này, ngay từ khi có kế hoạch triển khai, NHCSXH tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động, thông báo rộng rãi tại tất cả các điểm giao dịch ở xã về chương trình để người dân kịp thời nắm bắt. Thông qua các buổi giao dịch trực tiếp ở các tổ tiết kiệm và vay vốn để giải đáp các thắc mắc của người dân về thủ tục, đối tượng vay.
Sẽ cố gắng đáp ứng đủ nhu cầu vốn cho các đối tượng
Từ đầu năm đến nay, hệ thống ngân hàng CSXH tỉnh cũng đã giải ngân được 25 tỷ đồng với khoảng hơn 1.500 đối tượng được vay. Đặc thù của năm nay là thực hiện điều tra theo hộ nghèo mới, do quá trình điều tra kéo dài, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo tăng vì vậy ít nhiều ảnh hưởng đến quá trình xây dựng nguồn vốn vay cũng như tiến độ giải ngân của chương trình. Mặt khác, năm nay, ngoài vốn vay cho học sinh, sinh viên, ngân hàng cũng thực hiện triển khai cho vay đối với các đối tượng lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “đào tạo nghề cho lao động nông thôn”. Vì vậy, ngay từ đầu năm, Ngân hàng CSXH tỉnh đã chủ động nhiều biện pháp linh hoạt để kịp thời giải ngân nguồn vốn. Ông Vũ Đình Đoài cho biết thêm: có hai phương án mà ngân hàng triển khai khi xác định đối tượng vay vốn là dựa vào danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo do ngành LĐ-TB&XH điều tra và dựa vào xác nhận của chính quyền địa phương trong trường hợp là con em mồ côi hoặc gia đình khó khăn tạm thời. Bên cạnh đó, hệ thống giao dịch tại cơ sở tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, công khai minh bạch thông tin để người dân, các tổ chức chính trị - xã hội cùng tham gia vào việc giám sát nguồn vốn, sử dụng nguồn vốn của các đối tượng.
Bên cạnh những kết quả đó, một trong những vấn đề khó khăn mà tỉnh ta phải đối mặt đó là quá trình thu hồi vốn. Tính đến thời điểm này, tổng dư nợ quá hạn là hơn 200 triệu. Nguyên nhân chủ yếu là do một số sinh viên đến kỳ trả nợ nhưng do ra trường không tìm được việc làm hoặc có việc làm nhưng thu nhập thấp nên việc thu nợ gặp nhiều khó khăn. Thực trạng này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tính bền vững của chương trình, bởi theo chu kỳ 5 năm vay vốn nếu không thu hồi được nợ thì không có vốn để quay vòng.
Để giải quyết vấn đề này, theo ông Đoài, tỉnh ta cần có chiến lược định hướng đào tạo nghề cho học sinh, sinh viên ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Đó là việc đầu tư học nghề theo địa chỉ và gắn với nhu cầu của xã hội, như vậy khi ra trường sinh viên mới có cơ hội về việc làm và trả nợ cho ngân hàng. Có như vậy, chương trình mới thực sự phát huy được hiệu quả và có tính bền vững lâu dài.