DetailController

Giáo dục

Thầy giáo vùng cao và ước mơ “đưa chữ Tày lên mạng Internet”

31/12/2009 00:00

         Dáng người dong dỏng gầy, khuôn mặt xương xương toát lên vẻ hồn hậu dễ mến. Thoạt nhìn, thầy giáo Lường Đức Chôm ở xã Trung Thành, huyện Đà Bắc trông già hơn cái tuổi 56 của mình nhưng bù lại, lợi thế của thầy là chất giọng khoẻ khoắn và lối nói chuyện truyền cảm, có duyên, chân tình và đầy sức hút.

“Sau một thời gian làm cán bộ thống kê tại UBND huyện Đà Bắc rồi về nghỉ theo chế độ 176, tôi bắt đầu bước vào nghề “gõ đầu trẻ” từ năm 1990, tại Trường Tiểu học xã Trung Thành” – thầy giáo Lường Đức Chôm nhớ lại 15 năm gắn bó với sự nghiệp giáo dục tại quê nhà. 37 tuổi mới trở về nơi “chôn nhau cắt rốn” và bén duyên với nghề giáo, thầy đã có những trải nghiệm quý báu, đủ để thẩm thấu thế nào là nỗi nhọc nhằn của con chữ vùng cao.

 
Thầy Chôm kể: Hơn chục năm về trước, ở mảnh đất nghèo khó này, trẻ em đã quen với lấm lem bùn đất hơn là việc cắp sách tới trường, quen cầm cục đá ném tổ chim hơn là cầm cây bút chì tập viết, quen “nghé ọ” gọi trâu bò về chuồng hơn là ê a những âm vần đầu tiên trong bảng chữ cái… Học chữ đối với chúng hiếm hoi và xa lạ như miếng thịt đối với người già. Ngay cả các bậc phụ huynh cũng ít người ý thức được tầm quan trọng của việc học chữ, nên chẳng có mấy nhà định hướng cho con cái theo học đến nơi đến chốn. Để vận động con trẻ bám lớp bám trường, điều tất yếu mà thầy cô giáo nơi đây phải làm là vượt dốc, băng đèo đến tận nhà thuyết phục cả phụ huynh lẫn học sinh, không kể mưa rừng hay sương núi, không kể mùa tra hạt hay mùa đốt nương... Trong cuộc kháng chiến trường kỳ với giặc dốt, vũ khí đắc lực nhất của người thầy là sự kiên tâm. Bền bỉ ngày qua ngày, họ đã gồng chữ lên non, thắp sáng tinh thần hiếu học trên mảnh đất ngỡ chỉ có rặt măng rừng và đá sỏi.
 
Xã Trung Thành có khoảng 80% dân số là người dân tộc Tày. Bản thân thầy giáo Lường Đức Chôm cũng là người gốc Tày Đà Bắc. Thầy luôn tâm niệm: Người Tày phải biết tiếng Tày, không biết thì phải học, người đã biết phải chỉ dạy cho người chưa biết để cùng nhau xây dựng một cộng đồng dân tộc Tày đoàn kết và đậm đà bản sắc văn hoá. 15 năm dạy học, thầy giáo Lường Đức Chôm đã dồn nhiều tâm huyết vào việc tìm hiểu văn hoá dân tộc Tày. Thầy vẫn thường nói: Học chữ là học làm người, có hiểu được văn hoá dân tộc mới có thể giữ gìn và phát huy hiệu quả những giá trị cao quý của văn hoá dân tộc. 15 năm dạy học của thầy Chôm đồng nghĩa với 15 năm miệt mài nghiên cứu và biên soạn bộ giáo trình dạy chữ Tày. Đặc biệt, thầy đã khéo léo lồng việc dạy tiếng Tày vào những tiết học của môn tiếng Việt, kết hợp “dạy chữ” với “dạy Đạo” để truyền dẫn cho các thế hệ học trò của mình ý thức về cội nguồn và văn hoá truyền thống. Theo thầy, đó là bước đệm cần thiết để thầy hiện thực hoá ý tưởng “dạy chữ Tày cho người Tày”. Với ý tưởng đó, học trò của thầy dần dần sẽ là những ai yêu thích và mong muốn tìm hiểu về văn hoá dân tộc Tày chứ không phải chỉ là những đứa trẻ đang ở độ tuổi định hình nhân cách.
 

Thầy giáo Lường Đức Chôm say sưa bên những trang sách cổ viết bằng chữ nôm Tày  

Tháng 8/2006, thầy giáo Lường Đức Chôm chuyển sang làm cán bộ thường trực Trung tâm Học tập cộng đồng, tiếp tục lộ trình đưa chữ Tày đi sâu vào đời sống. Tâm huyết bao năm của thầy đến lúc đó bắt đầu “đơm hoa kết trái” khi nhận được sự đồng tình, khuyến khích của chính quyền xã Trung Thành. Ghi nhận thành quả lao động của thầy giáo Chôm, UBND xã quyết định thành lập nhóm biên soạn giáo trình dạy chữ Tày do thầy làm chủ biên. Sau đó, tổ chức hội thảo chuyên đề, xác lập lại cơ sở khoa học và thực tiễn để thống nhất kế hoạch giảng dạy, đồng thời lập tờ trình đề nghị HĐND xã và các ban, ngành liên quan cho phép Trung tâm Học tập cộng đồng thực hiện việc dạy chữ Tày trên địa bàn xã. Tháng 7/2008, HĐND xã ban hành Nghị quyết số 12/NQ-HĐND về việc dạy và học chữ dân tộc Tày. Lớp học được mở tại Trung tâm Học tập cộng đồng và sẵn sàng “mở” ngay tại nhà thầy giáo Chôm đối với những trường hợp không có điều kiện theo lớp học buổi sáng.    
 
Thầy giáo Lường Đức Chôm tâm sự: Tôi mơ ước sau này mỗi gia đình ở quê tôi đều có một máy tính nối mạng Internet, người Tày chúng tôi sẽ thường xuyên trao đổi thông tin trên mạng, trong đó sẽ sử dụng chữ Tày như là một trong những phương tiện ngôn ngữ được sử dụng thường xuyên và hiệu quả. Điều đó chứng tỏ cộng đồng dân tộc Tày nơi đây sẵn sàng vươn ra thế giới văn minh, hiện đại để “hoà nhập chứ không hoà tan”, để phát triển và sánh vai cùng các dân tộc khác.
 
Mơ ước đó, theo thầy là không hề viển vông. Đặc biệt mới đây, khi tham gia “mạng lưới bảo tồn và phát triển tri thức bản địa dân tộc Thái Việt Nam” và lĩnh hội những thành quả mà mạng lưới đã tạo dựng, niềm tin của thầy càng được củng cố sâu sắc. Thầy vui vẻ nói: Mạng lưới đã xây dựng thành công bộ chữ Thái Việt Nam kèm theo chương trình giảng dạy bằng giáo án điện tử. Đối với chữ Tày ở Trung Thành nói riêng và ở Đà Bắc nói chung, vì cùng thuộc ngữ hệ Tày – Thái, nên hoàn toàn có thể coi đó là nền tảng xác đáng để phương hoá thành ngôn ngữ bản địa, sử dụng phổ biến trong cộng đồng. Vì thế tôi đã mua máy vi tính để thực hiện phương hoá bộ chữ Thái – Tày Việt Nam, biên soạn một bộ giáo án điện tử thay thế bộ giáo án viết tay đã từng xây dựng. Đây là lộ trình cần thiết để tôi hiện thực hoá ước mơ của mình - “đưa chữ Tày lên mạng Internet”./.