
Trung tâm Giáo dục-lao động xã hội (GD-LĐXH) Lạc Sơn trực thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hòa Bình được thành lập năm 2006, chức năng, nhiệm vụ tiếp nhận, quản lý, giáo dục về nhận thức, phục hồi sửa đổi về hành vi, tâm lý, chăm sóc sức khỏe cho người nghiện ma túy sau cắt cơn, giải độc phục hồi; tổ chức lao động sản xuất, trị liệu và dạy nghề, giúp học viên có đủ điều kiện, tái hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống, trở thành người tốt, có ích cho gia đình và xã hội. Giám đốc Trung tâm Nguyễn Quang Triệu cho biết, là đơn vị mới thành lập đang trong giai đoạn hoàn thành nên cơ sở vật chất của trung tâm chưa được đầy đủ. Hiện, trung tâm đang được đầu tư xây dựng giai đoạn II, hướng tới mở rộng quy mô bảo đảm hoàn thiện khu làm việc, ăn ở, khu lao động sản xuất của học viên, xây dựng trung tâm có cảnh quan thân thiện với môi trường, tạo điều kiện tốt nhất cho học viên trong học tập, rèn luyện, lao động trị liệu tại đây.
Tiếp nhận học viên từ năm 2009, chủ yếu là người nghiện ma tuý đã điều trị xong giai đoạn cắt cơn nghiện tại trung tâm chữa bệnh, giáo dục, lao động - xã hội tỉnh, có sức khoẻ, ý thức, nhân thân tốt được lựa chọn để tiếp tục lao động, rèn luyện, đoạn tuyệt hẳn với ma tuý. Trung tâm luôn có khoảng 100 học viên với thời gian điều trị trên dưới một năm, trong đó, khoảng 10% đối tượng có HIV. Mặc dù là những đối tượng đã được lựa chọn chuyển về nhưng việc quản lý, giáo dục học viên cũng không hề đơn giản, nhẹ nhàng hơn. Phần lớn các đối tượng trước khi vào đều có thành phần xã hội phức tạp như có tiền án, tiền sự, mắc các bệnh truyền nhiễm. Điều đó đòi hỏi mọi hoạt động được thực hiện tuân thủ theo quy chế. Học viên được phân loại khi tiếp nhận vào đây, thường xuyên định kỳ khám sức khỏe, đối tượng có HIV được cấp thuốc, điều trị đúng quy trình theo từng giai đoạn, bảo đảm học viên đủ điều kiện tham gia lao động sản xuất, trị liệu, học tập rèn luyện. Áp dụng nghiêm túc nội quy, kỷ luật, ngăn chặn hiện tượng tiêu cực trong học viên, bảo đảm an ninh trật tự tại đơn vị và trên địa bàn đứng chân.
Trong điều kiện cơ sở vật chất còn hạn chế, đội ngũ cán bộ trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm, nhưng bằng tình thương, trách nhiệm, tập thể cán bộ, nhân viên trung tâm đã không quản ngại vất vả luôn quan tâm, giúp đỡ để các đối tượng sớm hoàn lương, tái hòa nhập cộng đồng. Sau thời gian cắt cơn, giải độc phục hồi, học viên được chuyển sang giai đoạn giáo dục nhân cách. Những kiến thức cơ bản về ma túy, tác hại của ma túy, HIV/AIDS được trang bị đến từng học viên. Trung tâm thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền pháp luật về phòng - chống ma túy, tệ nạn xã hội, HIV/AIDS. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã tổ chức được chín buổi học pháp lệnh phòng chống ma túy cho 259 lượt học viên tham gia, bốn buổi nói chuyện chuyên đề về tư vấn sức khỏe cho người nhiễm HIV/AIDS cho 138 lượt học viên; chín buổi học pháp luật cho 259 lượt học viên. Ngoài ra, trung tâm cũng thường xuyên tổ chức tư vấn về một số chuyên đề ma túy, HIV/AIDS, bạo lực gia đình cho 100% số học viên. Đặc biệt, vào thời điểm cuối tháng 6 vừa qua để nâng cao ý thức và nhận thức pháp luật cũng như để cho các học viên nắm được những kiến thức cơ bản và tác hại của ma túy, Trung tâm đã phối hợp với các ngành chức năng và chính quyền địa phương tổ chức hội thi tìm hiểu pháp luật và tác hại của ma túy cho các học viên. Cùng với đó, trung tâm xây dựng kế hoạch, phương án sản xuất thường xuyên đảm bảo cho 90% số học viên tham gia lao động sản xuất hàng ngày như làm gạch, trồng rau xanh, lao động dọn vệ sinh… Các học viên đã tham gia trồng được 120 cây ăn quả các loại, 50 cây xanh bóng mát, chăm sóc hoa màu trên diện tích khoảng 1.000 m2, gia công sản xuất gạch mộc được hơn 30 vạn viên. Ngoài ra, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, giao lưu thể thao với các cơ quan, đơn vị địa phương tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong đời sống tinh thần của học viên. Các cuộc thăm gặp giữa học viên và gia đình được tổ chức theo đúng quy định, qua đó, động viên, khích lệ tinh thần học viên tích cực chữa trị, lao động sản xuất, quyết tâm phấn đấu, rèn luyện để nhanh chóng được trở về với gia đình, xã hội.
Từ đầu năm đến nay đã có 30 lượt học viên hết thời gian chấp hành quyết định cai nghiện trở về tái hòa nhập cộng đồng. Trong đó có nhiều học viên được khen thưởng bằng hình thức giảm thời gian chấp hành quyết định cai nghiện tại trung tâm từ 10 - 30 ngày. Ông Bùi Văn Nam, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết, hiện tại Trung tâm đang có 92 học viên đang được giáo dục, chữa trị lao động sản xuất. Trong đó có 82/92 học viên được xếp loại khá 6/92 học viên xếp loại trung bình. Trong thời gian qua, trung tâm đã luôn bảo đảm an toàn, an ninh tuyệt đối, không để xảy ra hiện tượng học viên gây rối, mất trật tự. Tạo sự chuyển biến tự giác trong quá trình học tập, lao động sản xuất, lao động trị liệu đạt hiệu quả cao.