DetailController

Đoàn đại biểu quốc hội

Thảo luận về Dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, ĐBQH Đặng Bích Ngọc ( Hòa Bình): Cân nhắc quy định xe cơ giới tham gia giao thông phải có thiết bị giám sát hành trình

27/11/2023 16:09
Thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ chiều 24.11, Phó Trưởng Đoàn chuyện trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình Đặng Bích Ngọc đề nghị: Dự thảo Luật cần cân nhắc quy định xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông phải đáp ứng các điều kiện có thiết bị giám sát hành trình và thiết bị thu thập dữ liệu. Đồng thời, cần rà soát các quy định có liên quan để làm cơ sở tổ chức thực hiện giải quyết được những vấn đề của thực tiễn hiện nay.
Bà Đặng Bích Ngọc, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình phát biểu thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ

Bổ sung quyền xe ưu tiên đối với Viện Kiểm sát Nhân dân

Qua nghiên cứu dự thảo Luật trật tự an toàn giao thông đường bộ, Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Quốc phòng và an ninh, hồ sơ tài liệu liên quan, đại biểu Đặng Bích Ngọc cơ bản đồng tình và thống nhất cao. Đại biểu cho rằng, dự thảo Luật đã được chuẩn bị công phu, nhiều nội dung được đưa vào phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Tuy nhiên, sau 15 năm thực hiện cho thấy, nhiều quy định của Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) được ban hành năm 2008 đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, thiếu nhiều quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội về trật tự an toàn giao thông đường bộ, không đáp ứng được yêu cầu của công tác quản lý trong lĩnh vực này. Việc tách các nội dung của Luật GTĐB năm 2008 để xây dựng thành 2 dự án luật (Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ) là cần thiết để quy định đầy đủ, cụ thể về từng lĩnh vực, đáp ứng yêu cầu tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Về các hành vi bị cấm tại điều 8, tại khoản 1 có quy định: “Điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”. Phải khẳng định rằng, trong thời gian qua Bộ Công an đã rất quyết liệt trong chỉ đao tăng cường xử lý vi phạm nồng độ cồn đối với người tham gia giao thông. Điều này, đã góp phần rất quan trọng vào việc bảo đảm an toàn giao thông, trật tự xã hội; phòng ngừa nguy cơ tai nạn, hạn chế rất lớn những vụ tai nạn thương tâm xảy ra, góp phần làm thay đổi nhận thức của người tham gia giao thông, hình thành văn hoá thói quen “Đã uống rượu bia thì không lái xe”, tạo được niềm tin rất lớn trong Nhân dân. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông với quyết tâm không có ngoại lệ, dù người vi phạm là ai, kể cả những cán bộ trong ngành nếu vi phạm đều bị xử phạt theo đúng quy định của pháp luật để làm gương cho Nhân dân, tăng thu ngân sách từ việc xử lý vi phạm nồng độ cồn. Vì vậy, đại biểu thống nhất như quy định của dự thảo Luật đã nêu.

Về quyền của xe ưu tiên tại Điều 26, ĐBQH Đặng Bích Ngọc đề nghị bổ sung nội dung “xe Viện Kiểm sát Nhân dân đi làm nhiệm vụ khẩn cấp thuộc đối tượng xe ưu tiên” vào trong Dự án Luật, để bảo đảm phù hợp chức năng, nhiệm vụ của Viện Kiểm sát Nhân dân và bảo đảm tính đồng bộ, thực tiễn thi hành pháp luật , nhất là các đạo luật về tư pháp… Vì theo quy định của Luật Tổ chức Viện Kiểm sát Nhân dân năm 2014 và Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 có hiệu lực từ ngày 1.1.2018, thì Viện Kiểm sát có quyền áp dụng các biện pháp pháp ngăn chặn (Điều 165 Bộ Luật Tố tụng hình sự), biện pháp cưỡng chế theo luật… trong đó có biện pháp bắt bị can để tạm giam (Điều 113 Bộ Luật Tố tụng hình sự);…Kiểm sát viên của Viện kiểm sát phải có mặt thực hiện kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, khám xét… đây là những nhiệm vụ khẩn cấp, đòi hỏi Kiểm sát viên phải có mặt kịp thời để tiến hành việc bắt,  khám nghiệm, khám xét, nhất là việc khám nghiệm hiện trường các vụ tai nạn giao thông có dấu hiệu tội phạm.

Giải quyết tình trạng vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông

Liên quan đến điều kiện phương tiện tham gia giao thông đường bộ tại điểm c, khoản 1, Điều 33, đại biểu Đặng Bích Ngọc đề nghị cân nhắc quy định xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông phải đáp ứng các điều kiện “Có thiết bị giám sát hành trình; thiết bị thu thập dữ liệu, hình ảnh người lái xe, dữ liệu, hình ảnh bảo đảm an toàn hành trình theo quy định”.

Bởi, việc áp dụng đối với mọi loại phương tiện giao thông cơ giới (gồm cả xe mô tô, xe gắn máy) là rộng và khó bảo đảm tính khả thi trên thực tiễn, có thể gây lãng phí và tăng chi phí trong xã hội, gây khó khăn cho người tham gia giao thông, nhất là những đối tượng ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn. Vì vậy chỉ nên khuyến khích tập trung vào một số loại hình phương tiện, đặc biệt là các phương tiện giao thông vận tải, kinh doanh có điều kiện. Hơn nữa, pháp luật hiện hành chỉ mới quy định xe ôtô kinh doanh vận tải hành khách từ 9 chỗ (gồm cả lái xe) phải lắp camera bảo đảm ghi lại, lưu trữ toàn bộ hình ảnh trên xe trong quá trình tham gia giao thông.

Theo ĐBQH Đặng Bích Ngọc, hiện nay tình trạng học sinh vi phạm pháp luật trật tự an toàn giao thông diễn ra ngày càng phổ biến, có diễn biến phức tạp. Theo số liệu thống kê, trong 10 tháng đầu năm 2023, lực lượng cảnh sát giao thông trên cả nước đã phát hiện, xử lý 64.446 trường hợp vi phạm, chiếm 2,31% tổng xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông trên cả nước. Trong đó, lỗi vi phạm chưa đủ tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, không có giấy phép lái xe, không đội mũ bảo hiểm; có cả lỗi vi phạm nồng độ cồn. Trước thực trạng trên, đại biểu đề nghị dự thảo Luật cần rà soát, xem xét các quy định liên quan để làm cơ sở tổ chức thực hiện giải quyết được những vấn đề của thực tiễn hiện nay.