DetailController

Giáo dục

Thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi)

21/05/2019 00:00
Sáng nay 21/5, Quốc hội tiếp tục làm việc tại Hội trường thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Giáo dục (sửa đổi). Sau khi nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Giáo dục (sửa đổi); các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận sôi nổi, đóng góp nhiều ý kiến vào nội dung dự án luật. Luật Giáo dục (sửa đổi) là một dự án luật quan trọng, có tác động trực tiếp đến người dân và nhận được sự quan tâm đặc biệt của xã hội, dự án luật cũng đã được Quốc hội thảo luận rất kỹ lưỡng tại kỳ họp thứ 5, 6 và được Chính phủ tổ chức lấy ý kiến Nhân dân một cách rộng rãi.

 Dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp này được thiết kế gồm 10 chương, 119 điều, trong đó một số nội dung cơ bản đã được Ban soạn thảo tiếp thu, chỉnh lý. Tuy nhiên, trong phiên thảo luận sáng nay vẫn còn rất nhiều ý kiến khác nhau về nội dung của dự án. Các ý kiến cơ bản tập trung vào một số nội dung như: Về triết lý giáo dục; về chuẩn trình độ giáo viên; về phân hệ giáo dục; về chương trình sách giáo khoa; về học phí; về hệ thống giáo dục quốc dân; về phổ cập giáo dục; về học bổng, về chính sách cử tuyển; về giáo dục hòa nhập; quy định về chính sách đồng bộ, điều chỉnh quan hệ nhà trường, nhà giáo và người học…

Dự kiến tại kỳ họp này Quốc hội sẽ tiến hành biểu quyết thông qua dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) vào ngày 14/6.

Chiều cùng ngày, sau khi nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng  trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý đối với dự án Luật Kiến trúc, các đại biểu tiếp tục thảo luận tại Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án luật trên. Tiếp đó, cơ quan trình, cơ quan chủ trì thẩm tra báo cáo, làm rõ những vấn đề mà đại biểu nêu./.