DetailController

Khoa học - Môi trường

Tháo gỡ khó khăn trong giải ngân vốn đầu tư ở các tỉnh Tây Bắc

04/09/2012 00:00
Năm 2012, trong điều kiện ngân sách hạn hẹp, phải cắt giảm đầu tư công, nhưng vốn cho những dự án chuyển tiếp, vốn cho các chương trình mục tiêu quốc gia vẫn được cân đối. Ðể khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước, hệ thống kho bạc các tỉnh Hoà Bình, Sơn La và Ðiện Biên đang phối hợp chặt chẽ với chính quyền, chủ đầu tư, Ban quản lý (BQL) dự án đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công nghiệm thu và thanh toán, phấn đấu đến hết quý III năm 2012 giải ngân đạt 70% kế hoạch vốn đã phân bổ của năm 2012.
Thi công đường tránh ngập dự án di dân Thủy điện Sơn La.

Tiến độ giải ngân chưa cao

Theo lãnh đạo kho bạc của ba tỉnh: Hòa Bình, Sơn La và Ðiện Biên, tình hình thực hiện nhiệm vụ giải ngân nguồn vốn đầu tư ngân sách Nhà nước tập trung, vốn trái phiếu Chính phủ (TPCP) và vốn các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2012 gặp một số khó khăn, vướng mắc. Kế hoạch phân bổ vốn chi tiết chậm; năng lực của một số chủ đầu tư, BQL dự án, nhất là các huyện vùng cao, còn hạn chế. Việc tổ chức nghiên cứu, phổ biến, hướng dẫn cơ chế chính sách ở một số đơn vị chưa thường xuyên, công tác báo cáo cập nhật thông tin chưa kịp thời. Năng lực tài chính của các nhà thầu yếu kém, nợ quá hạn kéo dài cộng với lãi suất vay ngân hàng cao và khó tiếp cận nguồn vốn vay đang là vấn đề bức xúc. Ðể hoàn thành chức trách, nhiệm vụ kiểm soát chi, lãnh đạo kho bạc các tỉnh đã chủ động đề xuất với chính quyền, chủ đầu tư, BQL dự án giải quyết nhiều vướng mắc, đôn đốc nhà thầu đẩy mạnh thi công, hoàn thiện hồ sơ thanh toán để giải ngân kịp thời, thực hiện tốt công tác kiểm soát chi.

Theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước (KBNN) tỉnh Hòa Bình, đến ngày 31-7, nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản tập trung, vốn TPCP và vốn chương trình hỗ trợ có mục tiêu giải ngân được 52%; nguồn vốn đầu tư ngân sách địa phương mới giải ngân đạt 49%. Tương tự, tỷ lệ giải ngân qua KBNN tỉnh Ðiện Biên cùng thời điểm: vốn đầu tư các dự án do địa phương quản lý đạt tỷ lệ 48%, còn vốn đầu tư các dự án do T.Ư quản lý giải ngân đạt thấp hơn, 33%. Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ giải ngân vốn T.Ư đạt thấp chủ yếu do năm nay phân bổ vốn chậm, đặc biệt vốn TPCP được tiến hành phân bổ ba đợt vào các tháng 4, 5, 6 và khi được phân bổ vốn thì Tây Bắc đã đi vào mùa mưa, cho nên bị động trong thi công và giải ngân thanh toán. Riêng đối với KBNN tỉnh Sơn La, tỷ lệ giải ngân đạt cao, đến ngày 15-8, hệ thống kho bạc tỉnh Sơn La đang quản lý 2.222 dự án, trong đó vốn ngân sách T.Ư có 39 dự án chuyển tiếp, tổng vốn theo kế hoạch là 348,3 tỷ đồng, đã thực hiện giải ngân 202,5 tỷ đồng, đạt 58% kế hoạch. Vốn ngân sách tỉnh chi đầu tư xây dựng cơ bản tập trung và vốn hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách T.Ư và vốn khác với tổng số dự án được ghi kế hoạch là 910 dự án, số vốn đầu tư 1.571,9 tỷ đồng, đã giải ngân 923 tỷ đồng, đạt 58,7% kế hoạch. Với kết quả này, KBNN tỉnh Sơn La được xếp trong tốp đầu của cả nước về đạt tỷ lệ giải ngân cao...

Ðể đạt được tỷ lệ giải ngân này, KBNN các tỉnh thường xuyên phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư, BQL dự án để cập nhật thông tin, tháo gỡ vướng mắc phát sinh trong quá trình thanh toán. Kịp thời báo cáo KBNN T.Ư, HÐND và UBND tỉnh những vấn đề vượt thẩm quyền để tổng hợp báo cáo Bộ Tài chính. Trước mắt, nhằm hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư trong những tháng cuối năm, KBNN các tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Ðiện Biên đang thực hiện các biện pháp đẩy nhanh giải ngân, đặc biệt chú trọng các nguồn vốn thuộc ngân sách huyện, vốn chương trình mục tiêu quốc gia được chuyển qua trợ cấp cân đối về các huyện, phấn đấu hết quý III năm 2012 giải ngân đạt 70% kế hoạch năm 2012.

Còn nhiều khó khăn, vướng mắc

Giám đốc BQL các dự án giao thông trọng điểm tỉnh Ðiện Biên Trần Thanh Kiên cho biết: Hiện BQL đang điều hành năm dự án chuyển tiếp, trong đó dự án đường Mường Lay - Nậm Nhùn, năm 2012 bố trí 100 tỷ đồng, mới giải ngân được 25,8 tỷ đồng. Nguyên nhân giải ngân chậm là do đầu tháng 6 mới giao vốn, đúng vào mùa mưa nên thi công chậm. Dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ 279 đoạn Ðiện Biên - Tây Trang, tổng mức đầu tư 1.054 tỷ đồng phải tạm dừng, giãn tiến độ sau năm 2015, trước mắt, chỉ triển khai 10 km đường tránh TP Ðiện Biên Phủ được cấp 50 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng, trong đó năm 2012 cấp 10 tỷ đồng, năm 2013 cấp 40 tỷ đồng. Dự án đường Chà Tở - Mường Tày có tổng mức đầu tư 320 tỷ đồng, sử dụng vốn vay Quỹ phát triển Cô-oét và vốn đối ứng trong nước, khởi công tháng 11-2011. Hiện nay, phần vốn Cô-oét làm đến đâu nghiệm thu thanh toán đến đó đã giải ngân được 71 tỷ đồng, nhưng lại vướng phần vốn đối ứng trong nước, năm 2012 chỉ bố trí 3,8 tỷ đồng. BQL và các nhà thầu đang phấn đấu đến hết năm 2013 kết thúc dự án nhưng với nguồn vốn đối ứng như hiện nay chưa biết kéo dài đến bao giờ. Riêng dự án cầu cơ khí Nậm Cản, tổng mức đầu tư 146 tỷ đồng, sử dụng vốn di dân tái định cư thủy điện Sơn La cấp tương đối đầy đủ, dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 6-2013... Bên cạnh những khó khăn về nguồn vốn, một số dự án còn gặp khó khăn về giải phóng mặt bằng.

Trưởng BQL dự án giao thông tỉnh Hòa Bình cho biết thêm, tình hình bố trí vốn năm nay rất khó khăn. Quốc lộ 6 sau khi đưa vào sử dụng đoạn đi qua tỉnh Hòa Bình do địa chất phức tạp, tình trạng sạt lở gây tai nạn và ách tắc giao thông trên tuyến đường huyết mạch lên Tây Bắc đoạn qua Hòa Bình có 12 điểm cần xử lý gấp trong năm nay. Ðể bảo đảm an toàn giao thông, lãnh đạo tỉnh Hòa Bình và Sở Giao thông vận tải đã kiến nghị Chính phủ bố trí vốn để xử lý gấp các điểm có nguy cơ sạt lở cao. Từ tháng 4 đến nay, BQL đang khẩn trương lập dự án, Chính phủ đồng ý bố trí nguồn vốn 200 tỷ đồng từ nguồn dự phòng năm 2012 để triển khai thi công khắc phục sạt lở. Hiện nay, có hai điểm đã được phê duyệt, nhà thầu đã triển khai lán trại, đưa máy móc, thiết bị lên công trường chuẩn bị tập trung thi công. Các điểm còn lại phấn đấu hoàn thành các thủ tục để phê duyệt tổng dự toán toàn bộ 12 điểm sạt lở. Dự án kiên cố hóa khắc phục tình trạng sạt lở quốc lộ 6 qua Hòa Bình thuộc diện cấp bách, ngành giao thông đang tập trung để triển khai nhanh, bảo đảm an toàn cho việc đi lại ở các tỉnh Tây Bắc.

Nhà thầu đang gặp khó

Từ cuối năm 2011 đến nay, nhiều doanh nghiệp (DN) xây dựng đang trải qua giai đoạn đầy khó khăn do năng lực tài chính hạn hẹp, nợ quá hạn chồng chất, lãi suất vay cao nhưng vẫn khó tiếp cận vốn vay ngân hàng trong khi vốn bỏ ra đầu tư chậm được thanh toán. Giám đốc Công ty công trình giao thông tỉnh Ðiện Biên Ðào Thị Hằng cho biết: Sau ngày cổ phần hóa, phần vốn của Nhà nước tại công ty vẫn chiếm 64%, nhưng vốn hoạt động sản xuất, kinh doanh chủ yếu vẫn dựa vào vay ngân hàng. So với các nhà thầu trên địa bàn thì DN vẫn là đơn vị xây dựng có uy tín ở hai tỉnh Ðiện Biên và Lai Châu, đảm nhận thi công nhiều tuyến giao thông quan trọng. Từ tháng 7-2011 đến nay phát sinh thêm nhiều khó khăn do vốn thanh toán chậm, DN vay vốn thi công trong tình trạng lãi suất cao. Năm 2011, lãi suất vay là 21,5%/năm, đến hạn thanh toán không trả được đúng hạn, lãi vay tăng lên 25%/năm, đầu tháng 7-2012, lãi suất hạ xuống 19%/năm và từ ngày 15-7 hạ xuống 15%/năm. Năm 2011, sản lượng xây lắp 100 tỷ đồng, doanh thu 79 tỷ đồng nhưng phải trả lãi ngân hàng hơn chín tỷ đồng, mỗi khi được thanh toán có tiền về ngân hàng giữ lại. Tình trạng nợ quá hạn tại ngân hàng xuất phát từ nguyên nhân nhiều dự án bỏ vốn thi công nhưng thanh toán chậm như đường Mường Nhé - Pắc Ma (Lai Châu), đã bàn giao đưa vào sử dụng nhưng chưa được thanh toán đồng nào, chủ đầu tư còn nợ 20 tỷ đồng, chưa bố trí được vốn thanh toán. Dự án quốc lộ 4D (Lai Châu) đến cuối năm 2011 còn nợ 11 tỷ đồng, đến tháng 5-2012 được thanh toán tám tỷ đồng. Các dự án đã thi công có khối lượng nhưng chưa được thanh toán của năm 2011 khoảng 60 tỷ đồng, tương đương nợ ngân hàng. Hạn mức vay ngân hàng 60 tỷ đồng đến nay đã trả nợ 40 tỷ đồng, còn được vay 20 tỷ đồng nhưng không có thế chấp cho nên ngân hàng từ chối. Thanh toán chậm, nợ ngân hàng lớn, lãi suất cao, DN càng khó khăn, đến đầu tháng 8 mới trả lương cho công nhân hết tháng 4. Tình hình khó khăn còn kéo dài vì chưa có công trình gối đầu, duy trì việc làm cho 143 lao động chính thức và từ 200 đến 250 lao động thời vụ là rất khó khăn. Tình trạng khó khăn về tài chính đang khá phổ biến đối với nhiều nhà thầu ở ba tỉnh nêu trên, chính vì vậy vấn đề bức xúc hiện nay là cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân để giúp DN cân bằng tài chính.

Nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ tích cực cho hoạt động giải ngân trong những tháng còn lại, Giám đốc KBNN tỉnh Sơn La Nguyễn Thế Chất và lãnh đạo kho bạc các tỉnh kiến nghị: HÐND và UBND các cấp cần chỉ đạo tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các nguồn vốn đầu tư, nhất là đối với những công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, nâng cao năng lực và trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, chủ đầu tư, BQL dự án trong giám sát các hoạt động đầu tư, xây dựng. HÐND, UBND các huyện tổ chức rà soát khả năng thực hiện kế hoạch các dự án đã phân bổ vốn để có phương án điều chuyển vốn từ dự án thừa vốn, các dự án không có khả năng thanh toán sang các dự án thiếu vốn, báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý. Ðối với những khối lượng hoàn thành, chủ đầu tư, BQL dự án khẩn trương nghiệm thu, xác định khối lượng ba tháng một lần để thanh toán theo tiến độ thi công, không đợi đến nghiệm thu cả gói thầu. Ðể nâng cao trách nhiệm trong việc quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn, chủ đầu tư và nhà thầu cần cam kết bảo đảm tiến độ thi công và nghiệm thu thanh toán theo hợp đồng.