Nếu như năm 2008, trên địa bàn thành phố Hòa Bình số xóm, tổ dân phố văn hóa chỉ đạt tỷ lệ 55,1% thì đến năm 2012 đã tăng lên 72,4%. Có thể nói, phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” nói chung và phong trào xây dựng xóm, tổ dân phố văn hóa nói riêng đã góp phần không nhỏ đến việc phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2008-2012 đạt hơn 13,6%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt hơn 45%; tỷ lệ hộ nghèo 2,1%; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên dưới 1%; thu nhập bình quân đạt 27,5 triệu đồng/người/năm; kết cấu hạ tầng được tập trung đầu tư; bộ mặt đô thị và nông thôn có nhiều khởi sắc; văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ; bộ mặt đô thị và nông thôn được cải thiện rõ rệt. Đặc biệt, phong trào xây dựng xóm, tổ dân phố văn hóa ở cơ sở góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, hạn chế được những hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan và tệ nạn xã hội; các thiết chế văn hóa được củng cố và xây dựng; tình làng nghĩa phố gắn bó cộng đồng, đoàn kết cùng nhau phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Có được kết quả trên là do Ban chỉ đạo thành phố Hòa Bình, chính quyền địa phương và nhân dân đã nỗ lực vượt qua khó khăn để triển khai thực hiện có hiệu quả phong trào xây dựng xóm, tổ dân phố văn hóa. Các ban, ngành chức năng và thành viên ban chỉ đạo đã có sự phối hợp thường xuyên nhằm đẩy mạnh các nội dung của phong trào, tích cực vận động cán bộ, đoàn viên, hội viên, cán bộ, công chức trog cơ quan, đơn vị thực hiện tốt nội quy, quy chế dân chủ, hưởng ứng phong trào xây dựng xóm, tổ dân phố văn hóa. Nhiệt tình tham gia các công tác xã hội, xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, phát triển kinh tế, góp phần vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc. Bên cạnh đó, ban chỉ đạo các xã, phường chủ động xây dựng kế hoạch, biện pháp tổ chức, hướng dẫn thực hiện phong trào gắn với các chỉ tiêu thi đua hàng năm; hướng dẫn ban vận động tổ chức đăng ký danh hiệu văn hóa trong phong trào và bình xét danh hiệu gia đình văn hóa hàng năm, ba năm theo đúng quy định. Đồng thời tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện quy ước, hương ước của địa phương; tổ chức tốt các ngày hội đại đoàn kết dân tộc. Ngày hội cũng là dịp để các xóm, tổ dân phố đánh giá kết quả thực hiện hoạt động và xây dựng mục tiêu, phương hướng phấn đầu trong năm tiếp theo. Bên cạnh đó là biểu dương, khen thưởng các điển hình tiên tiến, xuất sắc; hướng dẫn, chỉ đạo các xóm, tổ dân phố triển khai công tác quy hoạch xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, trong đó có quy hoạch phát triển các thiết chế văn hóa như nhà văn hóa, sân chơi, sân tập thể thao của xã, phường, xóm, tổ dân phố; củng cố xây dựng, duy trì hoạt động của các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, cơ quan, đơn vị, các tổ chức đoàn thể quần chúng.
Hơn nữa, công tác tuyên truyền, vận động toàn dân tham gia thực hiện phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được tiến hành thông qua các hội nghị, cuộc họp dân, các chương trình hoạt động lồng ghép của MTTQ và các đoàn thể...Trong đó chú trọng tuyên truyền sâu rộng các chương trình phát triển kinh tế, xã hội, phát triển sự nghiệp giáo dục, y tế, giải quyết việc làm, làm đường giao thông nông thôn, xóa đói, giảm nghèo, thực hiện tốt chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình, xây dựng địa bàn không có tệ nạn xã hội; tuyên truyền vệ tiêu chuẩn gia đình văn hóa, xóm, tổ dân phố văn hóa, cơ quan, đơn vị, trường học văn hóa. Không những vậy, công tác kiểm tra, giám sát cũng được các cơ quan chức năng tăng cường, duy trì tốt chế độ hội họp, sơ kết, tổng kết nhằm đánh giá đúng thực trạng kết quả triển khai thực hiện phong trào hàng năm, từng thời kỳ. Từ đó kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, điều chỉnh những tồn tại trong công tác chỉ đạo thực hiện. Chú trọng việc nhân rộng các điển hình tiên tiến, những kinh nghiệm hay trong thực tiễn. Đồng thời tổ chức công tác bình xét danh hiệu văn hóa trong phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” bảo đảm công khai, dân chủ, đúng quy định.
Cũng theo Ban chỉ đạo “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” thành phố Hòa Bình thì bài học kinh nghiệm để đạt được những kết quả trên đó là việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền đối với công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, đặc biệt là đối với phong trào xây dựng xóm, tổ dân phố văn hóa; kịp thời xây dựng, ban hành các văn bản chỉ đạo; cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng xóm, tổ dân phố văn hóa vào các chỉ thị, nghị quyết, chương trình, đề án, kế hoạch. Nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của ban chỉ đạo phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” thành phố và cơ sở; phân công nhiệm vụ cụ thể, phù hợp với chức trách, nhiệm vụ cho các thành viên trong ban chỉ đạo; thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, làm tốt công tác sơ kết, tổng kết, nêu cao vai trò tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên; kịp thời nêu gương những điển hình tiên tiến, đi đôi với phê phán những hành vi vi phạm pháp luật; tăng cường sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể trong quá trình triển khai thực hiện phong trào, đặc biệt là vai trò của MTTQ các cấp; đánh giá đúng chất lượng phong trào, chỉ ra được những tồn tại, yếu kém, nguyên nhân và biện pháp khắc phục; chú trọng công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa; sử dụng hiệu quả kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các hoạt động văn hóa, nhất là đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa.
Phát huy những kết quả đạt được của phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” thời gian tới, các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể sẽ tiếp tục nhân rộng các điển hình tiên tiến để cổ vũ các tầng lớp nhân dân tiếp tục hưởng ứng phong trào. Đồng thời không ngừng nâng cao công tác lãnh đạo, quản lý của các cấp ủy Đảng, chính quyền, ban, ngành đoàn thể, tích cực đẩy mạng, triển khai tuyên truyền, xây dựng kế hoạch, mục tiêu phấn đấu phù hợp vơi từng giai đoạn cụ thể; gắn xây dựng xóm, tổ dân phố văn hóa với xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh.