DDCI cấp huyện Hòa Bình năm 2022 phản ánh các khía cạnh quản lý kinh tế của các địa phương trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, trong đó DDCI cấp huyện phản ánh qua 09 chỉ số thành phần. Năm 2022, chỉ số DCCI của thành phố Hòa Bình như sau: Chi phí không chính thức đạt 7,62 điểm; Chi phí thực hiện TTHC và tuân thủ pháp luật đạt 7,38 điểm; Chất lượng dịch vụ công và bộ phận một cửa đạt 7,25 điểm; Tiếp cận đất đai và địa điểm kinh doanh đạt 7,1 điểm; Hiệu lực thực thi pháp luật, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự đạt 7,02 điểm; Tính năng động của chính quyền địa phương đạt 6,86 điểm; Chi phí gia nhập thị trường và hoạt động cấp phép đạt 6,77 điểm; Tính minh bạch trong tiếp cận thông tin và đối xử công bằng đạt 6,65 điểm; Hỗ trợ sản xuất kinh doanh đạt 6,58 điểm.
Theo đánh giá: Điểm số về minh bạch trong tiếp cận thông tin và đối xử công bằng còn chưa cao, có nhiều dư địa để cải cách, Một số vấn đề còn gặp phải tại cổng thông tin các huyện thành phố là: một số thông tin chưa cập nhật, còn tồn tại tình trạng đường dẫn quá hạn, không họạt động khiến cho các HKD khó khăn trong việc tìm kiếm thông tin liên quan. Một số chỉ số như: Chỉ số tính năng động của chính quyền địa phương; chi phí gia nhập thị trường và hoạt động cấp phép, hỗ trợ sản xuất kinh doanh có phần giảm.
Để khắc phục những hạn chế, yếu kém trên, UBND thành phố Hòa Bình đã ban hành kế hoạch thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh năm 2023. Trong đó tập trung thực hiện một số giải pháp trọng tâm như: Tiếp tục quán triệt và chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 10/CTTTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc; Chỉ thị số 12/CT-UBND ngày 20/6/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình về thực hiện cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI; Chỉ thị số 01/CT-UBND ngày 11/01/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm chỉ đạo, điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh Hòa Bình năm 2023....Tăng cường công tác tự kiểm tra, giám sát nhằm phát hiện tiêu cực, tham nhũng trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị; kiểm soát chặt chẽ việc chấp hành các quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, phát huy hiệu quả hoạt động của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục để mỗi cán bộ, công chức, viên chức ý thức được việc làm hài lòng người dân và doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính luôn đặt lên hàng đầu; có cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ nhằm ngăn chặn kịp thời biểu hiện nhũng nhiễu, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư; nghiêm túc, kiên quyết xử lý nghiêm những người không đủ năng lực, phẩm chất; thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương trong quản lý nhà nước và trong quản trị cơ quan, đơn vị. Tiếp tục tuyên truyền rộng rãi đường dây nóng của UBND tỉnh đặt tại Thanh tra tỉnh đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, nhân dân ở các xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh (Số điện thoại đường dây nóng 02183 882 609; địa chỉ thư điện tử đường dây nóng: duongdaynong.ttt@hoabinh.gov.vn) để tiếp nhận những thông tin kiến nghị, phản ảnh của người dân, doanh nghiệp và nhà đầu tư liên quan đến việc nhũng nhiễu, gây phiền hà của cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức từ tỉnh đến xã trong giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp.
Đề nghị Hội Doanh nghiệp thành phố chỉ đạo các tổ chức, đơn vị trực thuộc: Kịp thời phản ánh, kiến nghị với Thanh tra tỉnh (qua đường dây nóng): Việc chồng chéo, trùng lặp đối với hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp; doanh nghiệp bị thanh tra quá 01 lần/năm; hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực của cán bộ, công chức, viên chức, không giải quyết hoặc giải quyết không đúng quy định đối với các nội dung người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư kiến nghị hoặc yêu cầu phù hợp với quy định của pháp luật; từ chối thực hiện hoặc kéo dài thời gian thực hiện các thủ tục hành chính không đúng quy định; việc các cơ quan hành chính nhà nước của tỉnh, thành phố, xã, phường giải quyết thủ tục hành chính chậm thời gian so với quy định; không hẹn ngày trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo quy định; việc cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức tùy tiện tự đặt thêm thành phần hồ sơ, giấy tờ, thủ tục ngoài quy định và yêu cầu người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư bổ sung; việc cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức tự đặt ra các khoản thu và yêu cầu người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư phải nộp các khoản chi phí ngoài quy định; cán bộ, công chức, viên chức thiếu trách nhiệm, gây khó khăn, lợi dụng vị trí công việc được giao để vụ lợi./.