DetailController

Nông, Lâm, Ngư Nghiệp

Thành phố Hòa Bình: Tập trung nâng cao chất lượng rừng nhằm bảo tồn hệ sinh thái rừng và phòng, chống thiên tai

27/05/2024 16:30
Nhằm nâng cao chất lượng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất là rừng tự nhiên nhằm phát huy tốt chức năng của từng loại rừng, bảo tồn hệ sinh thái rừng, đa dạng sinh học, tăng cường trữ lượng các-bon và phòng, chống thiên tai ứng phó với biến đổi khí hậu; góp phần phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng-an ninh. Thành phố Hòa Bình đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 171/QĐ-TTg ngày 07/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án nâng cao chất lượng rừng nhằm bảo tồn hệ sinh thái rừng và phòng, chống thiên tai đến năm 2030, thành phố phấn đấu trong giai đoạn từ nay tới năm 2030 tập trung nâng cao chất lượng rừng trên diện tích khoảng 410ha.
Khu vực Dự án phục hồi rừng tự nhiên phòng hộ tại xã Dân Chủ, thành phố Hòa Bình

Trong giai đoạn từ năm 2024 - 2030, tập trung khoanh nuôi súc tiến tái sinh tự nhiên khoảng 155,8 ha; khoanh nuôi súc tiến tái sinh có trồng bổ sung: 12,3 ha; làm giàu rừng tự nhiên: 147,6 ha; nuôi dưỡng rừng tự nhiên: 94,3 ha. Trong đó tập trung cải thiện chất lượng rừng tự nhiên là rừng nghèo, rừng nghèo kiệt và rừng chưa có trữ lượng được cải thiện về trữ lượng rừng, đa dạng tổ thành loài cây và cấu trúc rừng đáp ứng yêu cầu về bảo tồn hệ sinh thái rừng, đa dạng sinh học và phòng chống thiên tai.

Trong đó, trước hết thành phố tập trung rà soát hiện trạng, đối tượng rừng cần nâng cao chất lượng phù hợp với đặc điểm, hiện trạng của từng loại rừng đặc dụng, phòng hộ và sản xuất; trong đó tập trung các khu vực có độ dốc lớn, đầu nguồn, nơi có nguy cơ sạt lở cao. Trên cơ sở đó, xác định cụ thể về hiện trạng, đối tượng, diện tích, loại rừng theo chủ quản lý, xây dựng dự án, phương án, kế hoạch nâng cao chất lượng rừng xác định cụ thể các biện pháp kỹ thuật lâm sinh như khoanh nuôi bảo vệ rừng tự nhiên, làm giàu rừng và nuôi dưỡng rừng. Lựa chọn loài cây trồng phù hợp với chức năng của từng loại rừng (rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất) từng vùng sinh thái để bảo tồn hệ sinh thái rừng, bảo tồn đa dạng sinh học và tăng khả năng phòng hộ của rừng. Phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng các mô hình điểm nâng cao chất lượng rừng bằng nhiều loài cây bản địa có cấu trúc đa tầng, đa loài, nâng cao khả năng bảo tồn của hệ sinh thái rừng và chức năng phòng hộ của rừng trên điều kiện lập địa khó khăn, vùng đất dốc, vùng khô hạn, cho từng loại rừng (rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất là rừng tự nhiên) để triển khai thực hiện; trên cơ sở theo dõi, đánh giá kết quả tổ chức tổng kết, tài liệu hóa và nhân rộng mô hình ra các khu vực khác.

Chủ trương thực hiện quản lý, bảo vệ rừng theo hướng bền vững. Tiến hành rà soát diện tích rừng và đất lâm nghiệp chưa giao do Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý, xây dựng phương án, dự án giao rừng, cho thuê rừng cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng, đảm bảo toàn bộ diện tích rừng đều có chủ quản lý theo quy định của pháp luật. Xác định diện tích đất lâm nghiệp và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho chủ rừng; rà soát ranh giới, xử lý các trường hợp chồng lấn diện tích đất đai để bảo đảm sử dụng đất ổn định, lâu dài, đúng mục đích. Thực hiện quản lý rừng theo tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững, gắn bảo vệ, phát triển rừng với bảo tồn đa dạng sinh học và các dịch vụ môi trường rừng; toàn bộ diện tích rừng của các tổ chức quản lý rừng được xây dựng và thực hiện phương án quản lý rừng bền vững. Giám sát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng rừng, nhất là việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang các mục đích khác như: xây dựng trang trại, khai thác khoáng sản, xây dựng các khu công nghiệp, dịch vụ du lịch. Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các cấp, các ngành, chủ rừng và toàn xã hội về vai trò của hệ sinh thái rừng trong bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; vận động người dân thực hiện tốt và chấp hành pháp luật trong quản lý bảo vệ rừng./.