DetailController

Tin từ các đơn vị

Thành phố Hòa Bình: Phấn đấu giai đoạn 2023 – 2025 xây dựng ít nhất được 01- 02 điểm du lịch nông thôn

09/02/2023 15:36
Căn cứ Kế hoạch số 234/KH-UBND ngày 07/12/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình triển khai Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch số 221/KH-UBND ngày 25/01/2021 của Ủy ban nhân dân thành phố Hòa Bình thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới thành phố Hòa Bình giai đoạn 2021-2025.
Trong giai đoạn 2023 – 2025, phấn đấu lựa chọn, xây dựng được từ 01- 02 điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa hoặc môi trường sinh thái của thành phố

Trong giai đoạn 2023 - 2025, thành phố phấn đấu phát triển, chuẩn hoá các điểm đến và sản phẩm du lịch nông thôn; phấn đấu có ít nhất 01- 02 điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa hoặc môi trường sinh thái của thành phố. Phấn đấu 50% cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn được công nhận đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch. Thực hiện đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với quá trình chuyển đổi số; ít nhất 50% điểm du lịch nông thôn được công nhận được số hóa và kết nối trên trang quảng bá, xúc tiến du lịch bằng công nghệ số. Phấn đấu 100% điểm du lịch nông thôn được giới thiệu, quảng bá; 50% điểm du lịch nông thôn ứng dụng các giao dịch điện tử trong hoạt động du lịch. Ít nhất 70% chủ cơ sở du lịch nông thôn được đào tạo, tập huấn về nghiệp vụ quản lý du lịch; 80% lao động du lịch nông thôn được bồi dưỡng, tập huấn và nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng phục vụ khách du lịch, ít nhất 50% là lao động nữ; mỗi điểm du lịch có ít nhất 01 nhân viên thành thạo ngoại ngữ. Bảo đảm an ninh du lịch, an toàn cho khách du lịch trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.

Trong đó, tập trung nâng cấp, đầu tư phát triển điểm du lịch nông thôn gắn với việc thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới: Lựa chọn các điểm du lịch cộng đồng theo bản sắc văn hóa đặc trưng riêng của từng địa phương phù hợp với vị trí địa lý, tiềm năng phát triển du lịch. Thiết kế, cải tạo cảnh quan kiến trúc và môi trường trong toàn bộ không gian điểm du lịch vừa bảo tồn bản sắc truyền thống các dân tộc vừa đảm bảo điều kiện vệ sinh, thuận tiện, sinh thái; tiết kiệm đầu tư thông qua việc sử dụng các nguyên liệu tại chỗ, thân thiện với môi trường. Cải tạo, nâng cấp và hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ  tại các điểm du lịch, phù hợp với nhu cầu của khách du lịch, đảm bảo hài hòa với không gian, cảnh quan. Bố trí và xây dựng các điểm, trung tâm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm truyền thống, đồ lưu niệm,…đạt chất lượng phục vụ khách du lịch. Nâng cao chất lượng tổ chức hoạt động và quản lý các điểm đến; Xây dựng và phát triển các hạ tầng dịch vụ (theo Đề án phát triển du lịch thành phố Hòa Bình)

Tập trung phát triển sản phẩm du lịch nông thôn mang đặc trưng thế mạnh của địa phương: Tập trung phát triển sản phẩm du lịch có chất lượng, đa dạng, khác biệt, gắn với bản sắc, đặc trưng địa phương, có tính trải nghiệm và giá trị gia tăng cao, theo định hướng của thị trường và phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng du khách.Đa dạng hóa sản phẩm, chú trọng phát triển sản phẩm mới, có tính cạnh tranh cao và bắt kịp với xu hướng và thị hiếu của khách du lịch. Nâng cấp, hoàn thiện các cơ sở lưu trú và các công trình dịch vụ, kiến trúc, cảnh quan, không gian văn hóa đảm bảo chất lượng dịch vụ, hạn chế tác động đến môi trường, mang đặc trưng riêng của từng dân tộc.

Nâng cao chất lượng cán bộ cơ sở về quản lý và phát triển hoạt động du lịch nông thôn. Phối hợp với đơn vị liên quan tổ chức mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho các tổ chức, cá nhân, cộng đồng tham gia vào hoạt động du lịch nông thôn, xây dựng văn hóa du lịch chuyên nghiệp, thân thiện, an toàn và văn minh.

Đẩy mạnh truyền thông, xúc tiến quảng bá du lịch nông thôn. Triển khai các chương trình xúc tiến quảng bá, hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch nông thôn dựa trên lợi thế của hoạt động sản xuất nông nghiệp, đặc trưng văn hóa, sinh thái của các địa phương; Ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông đa phương tiện cho xúc tiến quảng bá các điểm du lịch nông thôn, sản phẩm du lịch nông thôn.Xây dựng và triển khai các mô hình thí điểm về phát triển du lịch nông thôn theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững. Phát triển du lịch nông thôn theo các loại hình: du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, du lịch gắn với bảo tồn thiên nhiên. Ưu tiên các mô hình có sản phẩm du lịch đặc sắc cho từng địa phương và có hiệu quả kinh tế; Xây dựng và chuẩn hóa các sản phẩm OCOP về du lịch cộng đồng nhằm góp phần thực hiện chuẩn hóa quy trình, tiêu chuẩn, đánh giá, chấm điểm sản phẩm OCOP hàng năm. Nâng cao ý thức và trách nhiệm của mọi tác nhân trong chuỗi giá trị du lịch, trong bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa và bảo vệ môi trường; sử dụng nguyên liệu và lao động tại chỗ; áp dụng các giải pháp về chuyển đổi số; huy động sự tham gia của phụ nữ, người nghèo, người dân tộc thiểu số, người yếu thế để nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân./.