DetailController

Tin từ các đơn vị

Thành phố Hòa Bình chung sức xây dựng nông thôn mới

23/07/2024 16:21
Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), cơ sở hạ tầng nông thôn thành phố đã thay đổi nhanh chóng, toàn diện, diện mạo nông thôn tại các xã ngày càng đổi mới, cơ sở hạ tầng được hoàn thiện, nâng cao. Đời sống vật chất tinh thần của người dân được nâng lên, tình hình chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo và giữ vững. Các xã nông thôn mới thay đổi một cách toàn diện nhanh chóng, rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, giữa các phường và các xã, thành phố đã có 07/07 xã đạt chuẩn NTM đạt 100%, 04/07 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao đạt 57,14%.
Hệ thống đường giao thông các xã xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Hòa Bình đáp ứng yêu cầu đi lại thuận tiện cho người dân

Đến nay, kinh tế thành phố Hòa Bình phát triển tích cực, cơ cấu giá trị sản xuất của thành phố chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng ngành nông, lâm, thủy sản, tăng nhanh ngành thương mại - dịch vụ và công nghiệp - xây dựng; tốc độ tăng giá trị sản xuất trên địa bàn thành phố 2020-2023 đạt 18,5 %. Sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng tập trung, liên kết sản xuất hàng hóa, từng bước ứng dụng công nghệ cao và đảm bảo an toàn thực phẩm; xuất hiện nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả cao trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; đặc biệt, người nông dân đã bước đầu hình thành tư duy sản xuất hàng hóa. Quy mô, chất lượng giáo dục - đào tạo không ngừng được nâng cao; chất lượng giáo dục luôn nằm trong tốp đầu của toàn tỉnh. Thu nhập của người dân được cải thiện, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm qua các năm, chất lượng an sinh xã hội được nâng lên rõ rệt. Đời sống của Nhân dân tiếp tục được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người toàn thành phố năm 2022 đạt 85 triệu đồng/người/năm, năm 2023 đạt 90 triệu đồng/người/năm, ước năm 2024 đạt 100 triệu đồng/người/năm.

Hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn được đầu tư đồng bộ theo quy mô lên phường và ngày càng hoàn thiện; giao thông, thủy lợi đáp ứng yêu cầu đi lại thuận tiện và thuận lợi cho sản xuất; trường học, trạm y tế, nhà văn hóa các xã, xóm được đầu tư xây dựng khang trang, chợ nông thôn được xây mới và chuyển đổi mô hình quản lý, sửa sang đáp ứng nhu cầu giao thương, buôn bán của người dân, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế. Các mặt về phát triển giáo dục, y tế, văn hóa và bảo vệ môi trường, xây dựng hệ thống chính trị xã hội vững mạnh và giữ gìn an ninh trật tự xã hội tiếp tục được duy trì và có nhiều chuyển biến tích cực. hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở được tăng cường, củng cố, tình hình quốc phòng - an ninh được củng cố vững chắc, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn được duy trì ổn định. Công tác xây dựng Đảng, Chính quyền, Đoàn thể vững mạnh; công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, công tác đánh giá, quy hoạch, đào tạo và sử dụng cán bộ luôn được quan tâm; công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng được duy trì.

Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hòa Bình đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhất là đã làm thay đổi nhận thức của cán bộ và người dân về xây dựng nông thôn mới. Người dân ngày càng tin tưởng vào chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, chủ động, tích cực tham gia với nhiều cách làm sáng tạo, vừa làm giàu cho bản thân vừa đóng góp xây dựng phát triển kinh tế địa phương, góp phần đưa thành phố Hòa Bình hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Một số mô hình xây dựng nông thôn mới tiêu biểu ở các xã như: Ngày thứ 7 xanh - sạch - đẹp; tuyến đường nông dân tự quản; du lịch sinh thái xóm Bích trụ, xã Hòa Bình;    tuyến đường sáng - an toàn; phân loại rác thải tại hộ; nhà sạch - vườn đẹp - môi trường trong lành - ngõ xóm văn minh; camera an ninh góp phần đảm bảo an ninh trật tự trong xây dựng nông thôn mới tại địa bàn các xã; sản xuất và tiêu thụ rau an toàn của Hợp tác xã Độc Lập; nuôi cá lồng VietGap; xã hội hóa trong thực hiện chương trình Thắp sáng đường quê

Trên cơ sở kết quả đã đạt được sau hơn 10 năm (2011-2024) thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, thành phố Hòa Bình quyết tâm duy trì, giữ vững và tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí. Từng bước xây dựng các xã trở thành xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu. Đối với các xã đạt chuẩn NTM, phấn đấu tiếp tục nâng cao các tiêu chí NTM, định hướng phát triển thành lập phường; trước mắt, trên cơ sở quy hoạch phân khu tổ chức sản xuất hợp lý theo chuỗi giá trị, nhất là sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn, áp dụng công nghệ cao vào sản xuất; gắn sản xuất nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị; xã hội nông thôn dân chủ, bình đẳng, ổn định, giàu bản sắc văn hóa truyền thống, môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh được giữ vững; Nhân dân được thụ hưởng đời sống vật chất và văn hóa tinh thần ngày càng cao hơn. Phấn đấu đến năm 2025 có thêm 01 xã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao; 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Phấn đấu có 1/7 xã lên phường. Xác định duy trì nâng cao chất lượng tiêu chí nông thôn mới nhằm từng bước đô thị hóa, huy động sự tham gia tích cực của cộng đồng, lồng ghép các nguồn vốn đầu tư từ các chương trình cùng với xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị, đủ tiêu chí lên phường, tránh lãng phí trong đầu tư. Phát huy tiềm năng lợi thế, tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch gắn với xây dựng đô thị văn minh, hiện đại, thân thiện môi trường, giàu bản sắc văn hóa, phát huy giá trị các di tích văn hóa, lịch sử và điều kiện tự nhiên, cảnh quan sinh thái.

Từng bước nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của người dân; tạo nhiều mô hình sản xuất gắn với việc làm ổn định cho nhân dân, phấn đấu đến hết năm 2025 thu nhập bình quân đầu người đạt 100 triệu đồng/người/năm và tỷ lệ hộ nghèo giảm 0,96%; trong đó, thu nhập bình quân đầu người ở các xã đến năm 2025 là 60 triệu đồng/người/năm. Tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Tập trung xây dựng hình thành nhiều chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nhất là đối với các cây trồng, vật nuôi có lợi thế của thành phố góp phần nâng cao thu nhập người dân nông thôn, thực hiện tốt công tác giảm nghèo bền vững. Phát triển kinh tế gắn với công tác bảo vệ tài nguyên rừng, bảo vệ nguồn nước. Đẩy mạnh thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP; phát triển dịch vụ, du lịch sinh thái gắn với việc khai thác tốt lợi thế của địa phương góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn bền vững./.