DetailController

Văn hóa

Thành phố Hòa Bình: Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng dân tộc Mường

27/07/2015 00:00
Với mỗi người con đất Mường tiếng cồng, tiếng chiêng âm vang trong mỗi xóm, làng đã trở thành những hình ảnh quen thuộc, gần gũi, gắn liền với đời sống văn hóa tinh thần của bà con dân tộc Mường. Trong ngày Tết cổ truyền, tết độc lập, ngày hội đầu xuân, ngày đại đoàn kết hay những chương trình văn hóa - văn nghệ thì những âm thanh chầm bổng của chiêng lại ngân vang như mời gọi, thúc dục lòng người. Cũng bởi lẽ đó mà từ lâu cồng chiêng đã trở thành một nét văn hóa, một món ăn tinh thần không thể thiếu gắn liền với đời sống, sản xuất của bà con dân tộc Mường. Sự thẩm thấu hết sức tự nhiên đó đã trở thành máu thịt và thấm sâu trong tâm hồn của mỗi người con đất Mường.
Thành phố Hòa Bình duy trì và phát triển hoạt động văn hóa cồng chiêng

Nhận thức  được tầm quan trọng của Nghị quyết T.Ư 5 (khóa VIII) “về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam đậm tiên tiến đà bản sắc dân tộc”, những năm qua, thành phố  Hòa Bình đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền, tổ chức thực hiện Nghị quyết đến toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn, trong đó đặc biệt chú trọng việc bảo tồn, phát triển văn hóa vật thể và phi vật thể. Trong đó có công tác duy trì gìn giữ và phát triển văn hóa Cồng chiêng.  Thành phố đã tăng cường thực hiện công  tác tuyên truyền  trên các phương tiện thông tin đại chúng về giá trị của văn hóa cồng chiêng từ đó để cộng đồng biết, để tự hào, giữ gìn và tham gia tích cực vào việc giữ gìn, bảo tồn di sản văn hóa quý giá này. Mặt khác thành phố đã tranh thủ sự phát triển mạnh mẽ của phong trào nghệ thuật quần chúng từ đó khuyến khích ưu tiên các hoạt động văn hóa gắn liền với văn hóa cồng chiêng. Tại các hội thi, hội diễn nghệ thuật quần chúng hay  hội thi tuyên truyền cổ động hàng năm thành phố Hòa Bình luôn có những ưu tiên đối với những tiết mục tái hiện nét văn hóa hóa độc đáo của cồng chiêng. Bởi vì bảo tồn văn hóa cồng chiêng không đơn giản chỉ là cất giữ mà cồng chiêng phải được khơi dậy, trình diễn trong sinh hoạt cộng đồng. Văn hoá Cồng chiêng Mường là văn hóa đang lưu dẫn trong đời sống sinh hoạt thường ngày và trong văn hóa dân gian, nó phải được sống trong môi trường dân gian, trong đời sống cộng đồng. Tiếng Cồng, tiếng chiêng phải được ngân vang, ngân xa và được lưu truyền mãi mãi trong sinh hoạt cộng đồng của dân tộc Mường.

 Hiện nay, thành phố đã có trên 20 đội cồng chiêng thuộc các xã, phường, xóm tổ trên địa bàn, thành phố đang rà soát, quản lý gần 1000 chiếc cồng chiêng còn được lưu giữ trong nhân dân trong đó có khoảng gần 100 chiếc cồng chiêng cổ.  Bên cạnh đó, hiện nay đóng trên địa bàn thành phố có 1 bảo tàng văn hóa dân tộc cấp tỉnh, 2 bảo tàng tư nhân đã và đang sưu tầm và lưu giữ văn hóa cồng chiêng của người dân tộc Mường, trong đó có nhiều cồng chiêng cổ qua các thời kỳ. Ngoài ra trong quần chúng nhân dân đã có nhiều cá nhân đã sưu tầm và lưu giữ được nhiều bộ cồng chiêng quý, đồng thời trở thành những cá nhân điển hình trong tuyên truyền lưu giữ văn hóa cồng chiêng trong quần chúng nhân dân đơn cử như ông: Nguyễn Văn Việt ở tổ 5 xã Sủ Ngòi, ông  Nguyễn Văn Thực, phường Thái Bình, hay tiêu biểu là ông Bùi Thanh Bình với tình yêu văn hóa dân tộc Mường ông đã thành lập bảo tàng tư nhân với tên gọi Bảo tàng di sản văn hóa Mường tại tổ 6 Phường Thái Bình – TPHB và hiện nay bảo tàng của ông có trên 5.000 hiện vật được trưng bày  như (đồ đá, đồ đồng, gốm sứ qua các thời kỳ; quan lang xứ Mường) riêng  cồng chiêng ông có gần 100 chiếc. Trong đó có 10 chiêng cổ, chiêng lớn nhất có đường kính 70 cm và nhiều chiêng nhỏ khác qua các thời kỳ phát triển của văn hóa Mường truyền thống. Một trong những nét tiêu biểu về giữ gìn, bảo tồn văn hóa cồng chiêng tại thành phố Hòa Bình là nhiều xóm, tổ dân phố đã thực hiện xã hội hóa trong các hoạt động văn hóa, nhân dân tự đóng góp, hay  kêu gọi sự ủng hộ giúp đỡ của các đơn vị doanh nghiệp để sưu tầm, phục dựng lại các bộ cồng chiêng phục vụ trong những ngày lễ tết của xóm, tổ tiêu biểu như tổ dân phố số 10, số  9 Phường  Thịnh Lang với bộ chiêng 12 chiếc, xóm 5 xã Sủ Ngòi,  hay tại các xã như Dân Chủ, Thống Nhất, các phường như Thịnh Lang, Tân Hòa, Chăm Mát, Thái Bình mỗi xã, phường đều có từ 2 – 3  bộ cồng chiêng phục vụ các hoạt động văn hóa văn nghệ địa phương…

Sự lớn mạnh của một thành phố trẻ về kinh tế, cùng những nỗ lực không mệt mỏi của chính quyền các cấp và quần chúng nhân dân trong bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống dân tộc tốt đẹp, trong đó có văn hóa cồng chiêng. Qua đó góp phần vun đắp thêm sự gắn bó của cồng chiêng trong đời sống nhân dân, tiếng cồng, tiếng chiêng  một  loại hình âm nhạc nền nếp, giai điệu hòa thanh chuẩn mực, động tác, đội hình chuyển động thướt tha, giàu mỹ cảm cùng lòng hiếu khách  sẽ mãi là hình ảnh độc đáo trong tâm thức những của bất kỳ ai khi đến với Hòa Bình và luôn khắc sâu trong ký ức, cuộc sống của người con xứ Mường. Để văn hóa cồng chiêng sẽ mãi là hình ảnh văn hóa độc đáo của tỉnh Hòa Bình nói chung và thành phố Hòa Bình nói riêng .