DetailController

Giáo dục

Thành phố Hòa Bình: Đẩy mạnh công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em

12/05/2022 00:00
Thành phố Hòa Bình hiện có 32.232 trẻ, chiếm tỷ lệ 22,95% dân số. Số trẻ em khó khăn là 345 em, trong đó có 40 em khuyết tật đang được hưởng trợ cấp. Những năm qua, cùng với sự phát triển về kinh tế, thành Hòa Bình đã quan tâm và làm tốt công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Thông qua việc thực hiện tốt chính sách trẻ em, xây dựng nhiều công trình phúc lợi và tổ chức các hoạt động ý nghĩa, thiết thực đã giúp trẻ em được tiếp cận với những quyền lợi chính đáng của mình.
100% các trường học trên địa bàn tổ chức phổ biến giáo dục Luật Giao thông đường bộ; phòng, chống ma túy, bạo lực học đường; phòng cháy chữa cháy.

Xác định công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em là công tác trọng tâm, thành phố đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Đến nay, 100% các trường học trên địa bàn tổ chức phổ biến giáo dục Luật Giao thông đường bộ; phòng, chống ma túy, bạo lực học đường; phòng, chống đuối nước, xâm hại tình dục trẻ em. Bên cạnh đó, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội tăng cường đổi mới công tác vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân tích cực tham gia các hoạt động, chương trình chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; tham gia giám sát, phản biện xã hội việc thực hiện pháp luật về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, lên án xử lý nghiêm các hành vi bạo lực, vi phạm pháp luật, vi phạm quyền trẻ em.

Các chính sách về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, đặc biệt là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được triển khai kịp thời và đầy đủ. Nhân dịp các ngày Quốc tế thiếu nhi, Tết Trung thu, Tết Nguyên đán hàng năm, thành phố đã tổ chức các đoàn công tác đến tặng quà, khích lệ các em nhỏ.  Từ năm 2012 đến nay, thành phố đã tặng hơn 300.000 suất quà; hỗ trợ 16 trẻ em bị tai nạn thương tích; chia sẻ động viên các trường hợp đuối nước tử vong trị giá 86.400.000 đồng. Thông qua Quỹ bảo trợ trẻ em của Trung ương, của tỉnh, thành phố tặng 1.518 xuất quà trị giá gần 560 triệu đồng cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

Mạng lưới giáo dục, y tế tiếp tục được củng cố và hoàn thiện đáp ứng nhu cầu học tập, khám, chữa bệnh cho trẻ em. Đến nay, ngành Giáo dục thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; 100% phường, xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục xóa mù chữ mức độ 2. Chương trình tiêm chủng mở rộng, phòng, chống các bệnh truyền nhiễm và suy dinh dưỡng trẻ em được tuyên truyền và triển khai rộng khắp. Hằng năm, có 95% trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đủ 8 loại vắc xin, 100% phụ nữ mang thai được quản lý thai nghén, 100% trẻ em vùng khó khăn được phân loại các nhu cầu về khám chữa bệnh, dinh dưỡng và đồ dùng thiết yếu của trẻ.

Với hình thức xã hội hóa, thành phố đẩy mạnh đầu tư nhiều công trình phúc lợi cho trẻ em, tạo điều kiện để trẻ em có thể rèn luyện, phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần. Bên cạnh kết quả đạt được, tỷ lệ trẻ em dễ bị tổn thương, dễ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt còn cao; đội ngũ cán bộ phụ trách công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em hầu hết kiêm nhiệm nên còn gặp nhiều khó khăn; các điểm vui chơi và các hình thức giải trí phù hợp với trẻ em còn hạn chế. Để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em thời gian tới, các cấp, các ngàng trong thành phố cần tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, tạo môi trường sống, học tập, vui chơi an toàn, lành mạnh cho trẻ em. Đẩy mạnh và đổi mới các hoạt động truyền thông, phổ biến giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng thực hiện quyền trẻ em, bổn phận của trẻ em phù hợp với từng nhóm đối tượng. Triển khai tốt các hoạt động của mô hình Cung cấp, kết nối các dịch vụ trợ giúp chăm sóc sức khỏe, giáo dục, trợ giúp pháp lý và các dịch vụ xã hội cơ bản cho trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi. Quan tâm đầu tư, dành quỹ đất trong quy hoạch phát triển đô thị thành phố để xây dựng các công trình, các điểm vui chơi dành cho trẻ em. Huy động nguồn lực xã hội hóa để chăm lo sự nghiệp chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, nhất là chăm lo cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em trong các gia đình nghèo./.