
Đâu rồi làng Mường cổ?!
Xóm Ải vốn được công nhận là làng truyền thống tiêu biểu của dân tộc ít người từ năm 2008. Đến tháng 10 năm 2008, Bộ VHTT&DL đã có ý kiến về đầu tư xây dựng xóm Ải nhằm mục đích bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu của dân tộc Mường. Kết hợp giữa bảo tồn văn hóa dân tộc với phát triển dịch vụ du lịch, quảng bá văn hóa dân tộc, nâng cao mức hưởng thụ về văn hóa của đồng bào dân tộc nơi đây. Theo báo cáo về việc thực hiện dự án bảo tồn làng văn hóa truyền thống dân tộc Mường của Sở VHTT&DL thì sau gần 2 năm triển khai thực hiện dự án, đến nay mới chỉ hoàn thành việc xây lắp các hạng mục công trình “phụ trợ” như làm nhà sinh hoạt cộng đồng, đường nội bộ, trồng cây trong khu vực nhà sinh hoạt cộng đồng và làm nhà vệ sinh, chuồng trâu, bò cho 37 hộ dân. Còn các hạng mục quan trọng như bảo tồn văn hóa phi vật thể, dạy, khôi phục nghề truyền thống, mua sắm nhạc cụ, dạy dân ca, dân vũ; hỗ trợ cải tạo 10 hộ dân và tôn tạo cảnh quan trong, ngoài làng vẫn chưa được triển khai. Trên thực tế, dự án dở dang, hạ tầng chưa hoàn thiện, cảnh quan nhếch nhác là điều dễ nhận thấy. Khó có thể nhận biết đây là không gian văn hóa của dân tộc nào. Và nếu không được giới thiệu thì chắc cũng chẳng mấy ai biết được đây là làng văn hóa tiêu biểu của dân tộc Mường và là một trong số 20 làng văn hóa dân tộc tiêu biểu của cả nước. Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Văn Bình, Chủ tịch UBND xã Phong Phú ngao ngán: Quá trình triển khai dự án dàn trải, chậm tiến độ. Lẽ ra đến nay dự án đã phải xong rồi nhưng hiện tại vẫn chưa ổn. Các hạng mục đã triển khai bộc lộ quá nhiều bất cập. Người dân chúng tôi rất đồng tình và mong chờ dự án nhưng quá trình thực hiện thì thất vọng vì những công trình làm xong không đúng tính chất là làng Mường, văn hóa Mường.
Nhà sàn theo dự án không đúng nguyên bản nhà sàn của người Mường Bi
Một trong những bất cập mà bất kỳ ai cũng có thể thấy đó là hạng mục chuồng trâu, bò không đảm bảo. Vừa nhỏ lại hẹp, nhốt 1 con thì vừa, mà nhốt 2 con thì chật. Cái “thạo” (song ngang) làm thưa quá, con bê có thể chui qua được. Không chỉ có vậy, nhà cộng đồng được dựng lên theo thiết kế không đúng với tính chất, bản sắc nhà người Mường. “Chỉ cần so sánh giữa nhà sàn của người dân xung quanh đó với nhà sàn theo Dự án nó khác hẳn nhau. Nó chỉ giống nhau ở cái mái lợp cỏ gianh và sàn bương. Còn cái vách, bố trí cột và cách thiết kế thì không giống với nhà sàn truyền thống của người Mường”, ông Bình cho biết thêm. Ông Bùi Quốc Chủm, 70 tuổi một người dân trong xóm cười buồn: Bản thân tôi là người Mường, đến thời điểm này thấy dự án triển khai hiện lên không giống làng Mường. Nhà sàn của người Mường, đâu có ai đi làm cầu thang 10 bậc. Người ta chỉ làm theo số lẻ, vậy mà nhà sàn của dự án làm đến 12 bậc, sau khi có sự góp ý người ta chỉ cắt đi 2 bậc. Với lại nhà sàn ngày xưa chỉ xẻ gỗ rồi thưng không có hoa văn ngang dọc gì cả, nhưng nhà sàn của dự án ở đây lại cho thêm hoa văn vào, nó mất đi tính chất nguyên bản của nhà sàn đặt trong không gian văn hóa là làng Mường cổ. Còn ông Bùi Văn Dựng, Trưởng xóm Ải thì chao chát: Nếu ở nơi khác người ta có thể thoải mái đưa những những hoa văn, họa tiết, cách điệu vào nhưng ở đây là không gian văn hóa của làng Mường cổ thì việc đưa các hoa văn, họa tiết cách điệu vào nó sẽ phá vỡ không gian văn hóa này. Nếu để sinh hoạt sử dụng thì được, nhưng ở góc độ văn hóa, bảo tồn giữ gìn giá trị truyền thống của dân tộc thì chúng tôi không đồng tình. Có thể không làm đúng nguyên mẫu 100% nhưng ít ra cũng phải đạt 70 - 80% thì vẫn hay hơn. Theo tôi đây chỉ 50% giống. Nó chỉ được gọi là nhà sàn, chứ không phải là nhà sàn của người Mường vì nó không có cái hồn của người Mường trong đó. Ngay khi bước lên chiếc cầu thang nhà sàn, chúng tôi đã không cảm nhận được nét văn hóa của dân tộc mình.
Sự lệch pha văn hóa này có phải bắt nguồn từ việc chủ đầu tư không tham gia ý kiến của người dân bản địa. Dù là chủ thể của dự án bảo tồn nhưng người dân ở đây đều không biết gì về kế hoạch hay bản vẽ, kiến trúc của dự án?
Đập dâng nước tạo cảnh do không tham khảo ý kiến người dân trước khi xây dựng nên chỉ sau một trận mưa lớn đã bị hỏng
Người dân có được tham gia dự án?
Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Văn Linh, Trưởng phòng VHTT huyện Tân Lạc cho biết: Tôi chỉ biết có dự án này triển khai ở xóm Ải, khi khởi công, nghiệm thu các hạng mục thì cũng được mời tham gia. Chẳng rõ dự án triển khai bắt đầu từ năm nào đến khi nào hoàn thành. Tôi cũng chẳng biết ở huyện có ai tham gia vào dự án với vai trò gì hay không. Dù vậy, khi trao đổi với chúng tôi ông Trưởng phòng Tài chính - kế hoạch Sở VHTT&DL, đại diện Chủ đầu tư cho rằng: trong quá trình triển khai dự án chúng tôi đã có sự phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương và tổ chức tham khảo ý kiến nhân dân trước khi triển khai xây dựng các hạng mục công trình. Tuy nhiên về phía chính quyền địa phương, ông Bùi Văn Bình Chủ tịch UBND xã Phong Phú cho rằng: Trong quá trình thực hiện dự án sự tham gia của người dân rất hạn chế. Chỉ có ông trưởng xóm Ải tham gia vận chuyển vật liệu cho đơn vị thi công. Xã không nắm được dự án và không rõ huyện có ai là thành viên tham gia dự án. Khi triển khai dự án Chủ đầu tư không có sự tham khảo ý kiến của người dân. Cùng đồng tình với quan điểm của ông Bình, ông Bùi Văn Dựng, Trưởng xóm Ải cho biết: Việc triển khai dự án thời kỳ đầu bên khảo sát thiết kế về cùng địa phương tổ chức khảo sát toàn bộ địa hình, nhà cửa của bà con nhân dân. Sau đó đi thiết kế thực trạng thì chúng tôi không biết họ thiết kế, làm như thế nào, địa phương cũng chẳng biết dự án thi công như thế nào hoặc vốn kinh phí đầu tư là bao nhiêu.