Các cơ quan chức năng đã chủ động, tích cực triển khai công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn. Tổng số vụ phát hiện, bắt giữ, xử lý 80 vụ. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính 1.021 triệu đồng, tiền phạt bổ sung và truy thu thuế là 3.968 triệu đồng. Cụ thể, lực lượng Quản lý thị trường phát hiện, xử lý 17 vụ, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính 95,5 triệu đồng. Lực lượng Công an đã phát hiện, xử lý 08 vụ (phạt vi phạm hành chính 05 vụ, khởi tố vụ án hình sự 01 vụ, tiếp tục xác minh làm rõ 02 vụ việc). Tổng số tiền xử phạt 57,1 triệu đồng, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 232,8 triệu đồng. Cục Thuế tỉnh đã ban hành Quyết định xử phạt đối với 49 doanh nghiệp vi phạm hành chính với tổng số tiền truy thu, tiền phạt là 4.805 triệu đồng. Lực lượng Kiểm lâm xử lý 04 vụ việc với tổng số tiền xử phạt 29.250.000 đồng. Tang vật tịch thu 0,636 m3 gỗ xẻ thông thường, 0,572 m3 gỗ xẻ. Duy trì và tăng cường hoạt động 24/24 tại các chốt kiểm dịch, kết quả: kiểm dịch lợn 45.715 con (lợn giống là 35.573 con, lợn thương phẩm là 10.142 con); kiểm dịch gia cầm 2.078.160 con (gia cầm giống là 1.536.400 con, gia cầm thương phẩm là 541.760 con); kiểm dịch trứng giống là 1.462.440 quả.
Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các văn bản chỉ đạo về chống buôn lậu, gian lận thương mại đối với các lĩnh vực, ngành hàng trọng điểm tâm như chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử; chống buôn lậu và vận chuyển trái phép gia súc, gia cầm và sản phẩm từ gia súc, gia cầm qua biên giới; chống hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; công tác chống buôn lậu, vận chuyển trái phép khoáng sản, đường cát có xuất xứ từ Thái Lan, thuốc lá điếu, xăng dầu. Tiếp tục thực hiện Kế hoạch về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền trên địa bàn tỉnh Hòa Bình; trong đó chú trọng kiểm tra, xử lý nghiêm đối với hành vi sản xuất, vận chuyển, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Tiếp tục triển khai việc kiểm tra, kiểm soát về an toàn thực phẩm theo chức năng nhiệm vụ được giao. Tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại đối với mặt hàng thuốc lá điếu và đường cát. Tổ chức Hội nghị ký quy chế phối hợp trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh giữa Cục Quản lý thị trường tỉnh Hòa Bình và Công an tỉnh Hòa Bình.
Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh thường xuyên theo dõi, đôn đốc Ban Chỉ đạo các huyện, thành phố và chính quyền các địa phương trong công tác tuyên truyền, kiểm tra, xử lý, ngăn chặn các hành vi vi phạm; cử cán bộ tham gia các Đoàn kiểm tra liên ngành, qua đó đã góp phần giải quyết và xử lý kịp thời các vụ việc phức tạp, liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực theo Quyết định. Phối hợp giữa các ngành chức năng trực tại các trạm, chốt kiểm dịch động vật 24h/24h, các điểm nóng về kinh doanh, giết mổ động vật nhằm kiểm soát có hiệu quả việc kinh doanh, vận chuyển thịt lợn, sản phẩm từ thịt lợn không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch ra vào địa bàn, tăng cường công tác phòng, chống và ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh.
Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, giáo dục phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả luôn được xác định là một trong những công tác trọng tâm với sự tham gia tích cực của các sở, ban, ngành trên toàn tỉnh. Hoạt động tuyên truyền đa dạng hơn, phong phú phù hợp với tình hình thực tế, đặc điểm của từng nhóm đối tượng, từng vùng. Các ngành thành viên, Ban Chỉ đạo 389 các địa phương thường xuyên phối hợp với các cơ quan báo, đài truyền hình, Ủy ban MTTQ Việt Nam thực hiện các phóng sự, đưa nhiều tin bài tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước./.