Từng hơn chục năm giữ chức vụ Chánh án cấp huyện, trực tiếp xét xử hàng trăm vụ án, nhưng có lẽ những vụ án ly hôn đã làm ông trăn trở, day dứt rất nhiều. Cuộc sống vùng nông thôn miền núi, người phụ nữ luôn “trung thành” với cái bếp, những ngày cực nhọc trên nương rẫy nhưng ly hôn rồi nếu không phân xử công tâm thì có lẽ cuộc đời họ lại trở về với con số không tròn trĩnh, còn với những người vợ chưa thể có con thì số phận sẽ nghiệt ngã, cay đắng hơn nhiều.
Vụ án ly hôn giữa Sùng A Chư và Giàng Y Hua ở Pà Cò-Hang Kia (huyện Mai Châu) do ông làm chủ tọa là một trong những vụ mà ông mất nhiều công phân giải. Hua là cô gái trẻ đẹp nhưng kết hôn với Chư là người đàn ông đã qua một đời vợ và có 1 đứa con riêng. Cuộc sống cứ bình lặng trôi đi được 2-3 năm mà Hua vẫn chưa có con. Không thông cảm với nỗi buồn và những khó khăn của vợ để tìm cách chữa trị, người đàn ông đó lại nại ra rằng Hua không chịu sinh con cho mình là vì lý do riêng tư nào đó, chứ không phải do bệnh tật nên đã “ngoại tình” với một cô gái khác trong bản. Từ đó cuộc sống vợ chồng Hua nảy sinh mâu thuẫn và họ dắt díu nhau ra tòa xin ly hôn.
Thấy mâu thuẫn tình cảm giữa Chư và Hua không thể hòa giải được, Tòa án quyết định cho vợ chồng họ được ly hôn. Không giống như nhiều cuộc ly hôn khác, người đàn ông sẵn sàng “nhường” cho vợ tất cả để đi theo người tình mới, thì Chư lại tranh giành quyết liệt với vợ các đồ đạc trong nhà, cả chiếc thùng đựng nước đáng giá có 20.000 đồng.
Trước tình thế không ai chịu nhường ai, Chủ tọa phiên tòa lúc đó đành phải căn cứ vào tình hình cuộc sống thực tế ở địa phương để phân chia tài sản: chia cho vợ chiếc thùng còn chồng sở hữu chiếc xe đạp, vì ở miền núi đường đi lại khó khăn, con gái thì không biết đi xe đạp, còn Chư có một cậu con trai riêng, sau này con trai của Chư sẽ đi. Còn Hua được sở hữu chiếc thùng thì mừng vui khôn xiết, vì phụ nữ ở miền núi thường dệt vải, may áo thế nên chiếc thùng ngoài dùng để đựng nước thì Hua có thể dùng để ngâm vải, nhuộm quần áo…
Rồi một vụ án khác cũng làm ông trăn trở nhiều ngày. Đó là phiên tòa ly hôn giữa chị Lương Thị Hoa và anh Phạm Văn Long ở xã Săm Khòe, huyện Mai Châu. Thời “hoàng kim” của hôn nhân họ quan tâm và dành cho nhau những những gì tốt đẹp nhất, nhưng đến khi mâu thuẫn không thể nào hóa giải được dẫn nhau ra tòa, họ lại hằn học, không chịu nhường nhau phân nào. Thậm chí đến khi chia tài sản, có mỗi cái mẹt (dùng để sàng gạo, thái rau) cũng kiên quyết đòi cắt làm đôi, mỗi người một nửa dù chỉ để vứt đi không thể dùng được nữa.
Sinh ra và lớn lên ở huyện vùng núi Mai Châu tỉnh Hòa Bình, sau khi đi bộ đội về rồi tham gia học lớp đào tạo cán bộ Thẩm phán, năm 1992 ông Hà Quang Dĩnh được giao làm Phó Chánh án TAND huyện Mai Châu. Công tác được một thời gian, năm 1994 ông được Chủ tịch nước bổ nhiệm làm Chánh án.
Hơn chục năm làm Chánh án Tòa án cấp huyện, sống, làm việc gần dân, tham gia xét xử hàng trăm vụ án hình sự và dân sự. Mỗi một vụ án đi qua là mỗi lần trong ông đọng lại những nỗi niềm của người Thẩm phán về việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về miền núi, nhất là trong những án ly hôn - dân sự. Ông tâm sự, bên cạnh những vụ ly hôn khi phân chia tài sản hai bên tranh giành nhau quyết liệt, còn có nhiều vụ ly hôn, sau khi “ai đi đường nấy” và lập gia đình khác, nhưng người chồng vẫn quay lại đánh đập, dọa nạt, dùng đá ném “người mới” của vợ cũ… Theo ông, nguyên nhân chủ yếu do do người dân còn nhiều hạn chế trong việc nhận thức hiểu biết pháp luật, cán bộ địa phương hiểu luật chưa sâu dẫn đến khâu tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật khi kết hôn không được giải thích rõ ràng mà ra.
Đến nay, dù ở cương vị Phó Chánh án TAND tỉnh Hòa Bình nhưng điều mong muốn cháy bỏng đối với ông là làm sao đó để tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đến được với người dân, nhất là vùng sâu vùng xa như Mai Châu của Hòa Bình, vì đối với đồng bào miền núi, sự hiểu biết pháp luật còn nhiều hạn chế.