DetailController

Văn hóa

Tết sớm bản Mông

09/02/2011 00:00
Xuân về sớm hơn với bản Mông bởi năm nào cũng vậy, Tết của dân tộc Mông được tổ chức trước Tết Nguyên đán một tháng. Thời gian Tết Mông diễn ra trong ba ngày đầu tháng Chạp, nhưng không khí Tết thì kéo dài tới cả tháng. Vào những ngày này, trên khắp các bản làng người Mông, đâu đâu cũng tràn ngập bầu không khí Tết, tiếng sáo, tiếng khèn dập dìu khắp các sườn núi...
Các thiếu nữ dân tộc Mông đi chơi Tết.

 

Háo hức chuẩn bị tư trang, chúng tôi lên đường đến Pà Cò (Mai Châu) ăn Tết Mông. Con đường vắt vẻo lưng núi bồng bềnh, ẩn hiện trong màn sương sớm đưa chúng tôi đến với Pà Cò. Cả bản rực lên sắc đào đỏ thắm. Từ trong thung sâu, tiếng khèn Mông lảnh lót gọi hoa mơ, hoa mận thức dậy nở trắng một vùng. Hít căng lồng ngực bầu không khí chốn vùng cao thanh bình, chúng tôi- những du khách lần đầu đến với bản người Mông nơi đây như thấy xuân cũng đang ùa về trong lòng mình.
 
Sáng 30 tháng chạp, là sáng đầu tiên chúng tôi ở Pà Cò. Thức dậy, khi những tia nắng của ngày mới bắt đầu len lỏi vào từng bờ đá ngọn cây. Trên các bản làng người Mông, những bộ váy thổ cẩm phơi trên bờ rào đá tựa như những đàn bướm đang khoe sắc dưới nắng mai. Chiều đến, nhà nào cũng đồ những phản cơm thật to để giã bánh. Lượng bánh làm nhiều để đủ dùng trong cả tháng ăn tết của người Mông. Theo chân Sùng A Chua ở bản Pà Cò Con - một thanh niên Mông hiếu khách, chúng tôi đến từng nhà trong bản xem họ chuẩn bị giã bánh. Sẽ rất tiếc nếu đến bản Mông Pà Cò mà không được thưởng thức bánh dày- thứ bánh đặc trưng mỗi dịp Tết của người dân nơi đây. Món bánh dầy truyền thống của Tết người Mông được làm từ thứ gạo nếp nương thơm, dẻo mà người Mông trồng ở mảnh đất tốt nhất. Những người tham gia giã bánh dày thường là những người đàn ông khoẻ mạnh, lực lưỡng. Họ tập hợp thành một nhóm khoảng chục người thay nhau giã. Giã hết nhà này rồi lại đi nhà khác tạo nên một không khí Tết vui nhộn, ấm cúng. Những người phụ nữ Mông cũng tham gia giã bánh, nhưng chỉ tham gia cho vui, bởi họ không có sức khoẻ bền bỉ như nam giới. Trong khi đó món bánh này lại đòi hỏi phải giã khi xôi nóng vừa sới ra khỏi trõ, giã liên tục không được để cho bánh nguội. Tiếng chày giã xuống phải mạnh đến mức xuyên qua độ dẻo của bánh đến nền cối gỗ, tạo nên âm thanh “cộp, cộp” như thế mới đạt tiêu chuẩn. Song ấn tượng nhất đối với mỗi du khách đó là khi chiếc bánh đang cứng như đá (vì giá lạnh), đem rán hoặc nướng trên than củi, sẽ trở nên mềm dẻo và thơm ngon lạ kỳ! Trong cái lạnh giá của Tết ở bản Mông, được ngồi sưởi ấm bên bếp lửa, thưởng thức vị thơm, dẻo của món bánh dày, cảm nhận những nét văn hoá rất riêng của những con người bản Mông chân chất, chắc hẳn ai cũng sẽ có cảm giác thật ấm áp khó quên!
 
Với người phụ nữ Mông, những ngày Tết là dịp họ được nghỉ ngơi và ăn mặc đẹp nhất. Tết đến, xuân sang, người phụ nữ Mông nào cũng có một bộ váy mới do chính tay mình làm ra. Sùng Y Lan, cô gái Mông với đôi má ửng hồng trong nắng sớm cho biết: Để có được bộ váy mới, mình phải dồn công sức cả năm. Từ trồng, đập vỏ cây lanh, se thành sợi dệt vải đến phết sáp ong, tạo hoa văn, thêu thùa... Nhìn chiếc váy là biết người phụ nữ Mông cần cù, chịu thương, chịu khó, khéo léo đến đâu.
 
Vui và náo nhiệt nhất là những ngày Tết chính được cùng người Mông chơi các trò chơi dân gian như ném pao, đánh quay... Từ rất sớm, người già, trẻ nhỏ, đông nhất là đám thanh niên đã tập trung ở bãi đất rộng của bản, đàn ông đánh quay, lũ con gái ném còn, trẻ con chơi chọi quay. âm thanh của ngày hội bản Mông quyện với tiếng khèn vọng vào núi đá. Đâu đó, ta dễ dàng bắt gặp ánh mắt tình tứ của những đôi trai, gái trao nhau. Bây giờ trai gái Mông vẫn hát tỏ tình, vẫn thổi khèn, thổi sáo, vẫn ném pao... Có điều họ không chỉ hát như khi xưa vẫn hát: “Anh ném pao, em không bắt- Em không yêu, quả pao rơi rồi”, mà lời hát tỏ tình đã thêm phần hiện đại: “Cú nhịa co” (anh yêu em).
 
Tết sớm ở bản Mông Pà Cò, nắng đã dát vàng trên triền đá. Đám con gái đem những chiếc váy thổ cẩm ra phơi, những chiếc váy mới chờ khoe sắc trong tiếng khèn mê say mùa gọi bạn... Tết bản Mông nay như thắm hơn. Con đường trải nhựa nối khắp các bản làng. Trường học, trạm y tế đã được đầu tư xây dựng kiên cố. Rời bản Mông Pà Cò trở về với phố thị, chúng tôi mang theo niềm tin: rồi đây, những chương trình, dự án đầu tư của Đảng, Nhà nước và sự nỗ lực của người dân đã, đang đổi thay từng ngày cho miền đất khô khát này, tiếp thêm nguồn sinh lực cho rừng đá nở hoa.