DetailController

Văn hóa

Tập tục chon hòn Mồ trong tín ngưỡng dân gian Mường

19/01/2011 00:00
Nằm thấp thoáng ẩm hiện đâu đó trong các thung lũng, hẻm núi sương mù, là không gian tĩnh tại dành cho người chết - dành cho thế giới của Mường ma, đó chính là những khu mộ người Mường.
Khu mộ cổ Đống Thếch – Kim Bôi

Trong quan niệm người Mường, sự sống hiện tại chỉ là tạm thời, cuộc sống đằng sau cái chết, thế giới Mường ma mới là thế giới vĩnh cửu, nên những nghi lễ đám ma cổ truyền của họ rất cầu kỳ, tốn kém và thường diễn ra trong nhiều ngày (xưa kia, ở một số vùng Mường có tục gia đình nào không có đủ tiền làm ma cho người chết, thì phải để xác chết trong nhà đến khi nào có tiền sắm đủ mọi thứ mới được tiến hành lễ thức ma chay).

Trong khuôn khổ bài viết, người viết không đề cấp tới các nghi lễ đó, mà chỉ nhắc tới một kía cạnh rất nhỏ, nhưng cũng không kém phần quan trọng để hoàn thiện các bước cuối đưa người chết trở về được với thế giới Mường ma, đó chính là việc chôn hay cắm các hòn đá ở phía trên ngôi mộ và những quan niệm xung quanh nó. Có thể thấy rằng, trong tiến trình lịch sử loài người, thì đá là chất liệu đầu tiên đưa con người từ xã hội nguyên thủy sang xã hội văn minh (thời đại đồ đá trải dài nhất trong lịch sử loài người), đá tham gia vào mọi hoạt động sinh hoạt của con người. Nhất là với cư dân bản địa cái nôi của nền văn hóa Hòa Bình nổi tiếng một thời, địa bàn cư trú xung quanh là núi non trung điệp thì đá chính là đặc trưng cơ bản của núi, nên cũng như một số dân tộc khác, thuyết vật linh tồn tại phổ biến trong quan niệm người dân Mường, người ta cho rằng giữa đá và linh hồn con người có mối liên hệ chặt chẽ. Nên không phải ngẫu nhiên họ chọn đá – hòn mồ để cắm xung quanh ngôi mộ người chết.

Tiếng Mường hòn mồ gọi là kèn mồ. Hòn mồ là một dấu hiệu, ranh giới, phân biệt Mường ma với Mường người, do vậy hòn mồ được dựng lên không chỉ với ý nghĩa đơn thuần là đánh dấu mộ. Có vùng Mường quan niệm hòn mồ là vật đưa linh hồn người chết lên trời trở về với tổ tiên mình (một phần đá chôn trong đất tiếp giáp với phần xác và lưu giữ phần hồn người chết, phần đá nhọn còn lại hướng lên trời sẽ giải thoát linh hồn trở về thế giới Mường ma); nhưng cũng có thể là biểu hiện còn lại của linh hồn người chết được gửi gắm vào trong đá như một số vùng Mường khác quan niệm. Ta không xét tới đúng hay sai trong quan niệm tâm linh cổ truyền, mà chỉ có đâu là niềm tin, tín ngưỡng mà con người gửi gắm vào, và dù lựa chọn như nào thì tựu chung đá vẫn được coi là phương tiện thể hiện mong ước trường tồn của con người trước thần linh và các lực lượng siêu nhiên tồn tại trong vũ trụ.

Số lượng hòn mồ nhiều hay ít, to hay nhỏ phụ thuộc vào: thân phận, địa vị xã hội, dòng họ, đàn ông hay đàn bà, có vợ có chồng hay còn đơn chiếc, số lượng hồn và vía lúc sinh thời… của người chết. Ví dụ như, ở vùng Mường Bi (Tân Lạc) số lượng hòn mồ lại do các đêm mo quy đinh, nếu mo một đêm cắm hai hòn, mo ba đêm cắm năm đến bảy hòn, mo càng nhiều đêm hòn mồ càng được cắm nhiều; còn vùng Mường Động (Kim Bôi) hiện vẫn còn lưu giữ khu mộ cổ ở Đống Thếch, xưa kia là nghĩa địa chỉ dành chôn quan Lang, ta thấy số lượng hồn mồ và kích thước không giống nhau, có lẽ nó phụ thuộc vào chức sắc của người chết.

Ngoài hòn mồ bên trên các mộ Mường còn có một kiến trúc khác, đó là nhà mồ. Nhà mồ thường được làm ngay khi đem chôn cất người quá cố. Nhà mồ của người Mường không cầu kỳ như một số dân tộc khác, và dường như chỉ dựng lên để gọi là có, còn sau đó mặc cho thời gian mưa gió chẳng bao giờ đoái hoài đến nữa. Trong suốt thời gian từ sáu đến chín tháng, gia đình có người mất cử người mang thức ăn, đố uống tới để người chết lên ăn. Sau đó, nếu không có việc gì xẩy ra người ta hầu như không đến thăm mộ nữa, năm tháng qua đi ta chỉ còn nhận ra ngôi mộ nhờ vào những dấu tích hòn mồ trên đó.