Theo báo cáo của Cục Thú y, đầu năm 2022 cả nước xảy ra 753 ổ dịch tả lợn Châu phi tại 225 huyện của 47 tỉnh, thành phố. Tổng số lợn mắc bệnh chết và tiêu hủy là 36.516 con. Tại tỉnh Hòa Bình theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu năm 2022 đến nay bệnh Dịch tả lợn Châu phi vẫn tiếp tục xảy ra tại 19 xã của 5 huyện, thành phố (làm chết 2.118 con lợn với trọng lượng tiêu hủy là 89.491 kg). Nhận định nguy cơ các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi cuối năm 2022 (vụ Thu Đông) là rất cao. Để chủ động kiểm soát, ngăn chặn các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm phát sinh và lây lan ra diện rộng. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố khẩn trương triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm.
UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thành phố: Đối với các địa phương đang có dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi: Chủ động sử dụng các nguồn lực, huy động nhân lực tại chỗ và áp dụng đồng bộ các giải pháp để kiểm soát, xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để lây lan, dây dưa kéo dài; trường hợp các ổ dịch có nguy cơ phát sinh, lây lan diện rộng, cần công bố dịch và tổ chức chống dịch theo đúng quy định của Luật thú y; thành lập các Đoàn công tác đến các địa phương có dịch để chỉ đạo chống dịch.
Phòng, chống bệnh Viêm da nổi cục trâu, bò: Tổ chức rà soát, thống kê các hộ chăn nuôi trâu, bò trên địa bàn và hướng dẫn người chăn nuôi chủ động giám sát, kịp thời phát hiện các trường hợp gia súc có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh, báo cáo chính quyền, cơ quan thú y và triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; xử lý nghiêm các trường hợp giấu, không báo cáo dẫn đến dịch bệnh lây lan rộng; áp dụng các biện pháp kỹ thuật trong chăn an toàn sinh học, thực hành chăn nuôi tốt, vệ sinh, sát trùng, diệt côn trùng, ruồi, ve, mòng... tại khu vực chăn nuôi; bổ sung chất dinh dưỡng, khoáng chất để nâng cao sức đề kháng cho gia súc. Rà soát, tổng hợp nhu cầu vắc xin VDNC trâu bò, điều chỉnh, bổ sung hoặc xây dựng mới kế hoạch. Bố trí nguồn kinh phí mua vắc xin và kinh phí để tổ chức, thực hiện việc phòng, chống bệnh VDNC. Khẩn trương tiêm vắc xin bao vây ổ dịch và phòng bệnh cho toàn bộ đàn trâu bò có nguy cơ.
Phòng, chống bệnh Cúm gia cầm: Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh lây lan vào địa bàn, giám sát chủ động, thường xuyên kiểm tra tình hình dịch bệnh tại các khu vực trọng điểm chăn nuôi gia cầm, nơi có ổ dịch cũ và có nguy cơ phát sinh dịch nhằm phát hiện sớm các ổ dịch để xử lý kịp thời.
Phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm vụ Thu Đông: Hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; hằng ngày vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hóa chất khu vực chuồng nuôi và khu vực xung quanh có nguy cơ cao; có biện pháp ngăn chặn các loài véc tơ truyền bệnh xâm nhập vào chuồng nuôi, phun thuốc sát trùng, thuốc diệt các loài này.
UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Thành lập các Đoàn công tác đi kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc các địa phương thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật tại cơ sở; chỉ đạo cơ quan chuyên môn tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật lưu thông trên địa bàn tỉnh; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Theo dõi giám sát, kiểm soát tốt các loại dịch bệnh không để xảy ra diện rộng, xử lý dứt điểm các ổ dịch khi còn ở diện hẹp. Chủ động phòng bệnh từ xa bằng cách tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin.
Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và thú y phối hợp với các địa phương để quyết liệt chỉ đạo, tổ chức có hiệu quả các giải pháp đồng bộ phòng, chống dịch bệnh cho động vật nuôi; chủ động giám sát, lấy mẫu để xác định chính xác dịch bệnh; phát hiện sớm, xử lý kịp thời các ổ dịch bệnh trên đàn động vật nuôi và báo cáo kịp thời theo quy định.
Tổ chức kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp cung ứng, buôn bán các loại vắc xin không đảm bảo chất lượng theo quy định pháp luật hiện hành; xử lý nghiêm các trường hợp cản trở, lợi dụng tình hình dịch bệnh, găm hàng gây khó khăn cho người chăn nuôi trong việc tiếp cận, mua vắc xin để tiêm phòng cho đàn vật nuôi.
Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức, nội dung phù hợp với từng đối tượng và nguy cơ, tác hại của dịch bệnh động vật; biểu dương các điển hình tiên tiến, kịp thời phát hiện phê bình các địa phương, cơ quan, đơn vị và cá nhân có thái độ chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống bệnh động vật./.