Để khẩn trương khắc phục hậu quả của bão số 3 năm 2024, Sở Giao thông vận tải đề nghị Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, các Ban Quản lý dự án, Công ty TNHH BOT Quốc lộ 6 Hòa Lạc Hòa Bình, các nhà thầu quản lý, bảo dưỡng thường xuyên đường bộ, đường thủy nội địa khẩn trương thực hiện các nội dung sau:
Đối với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:
Khẩn trương rà soát, kịp thời phát hiện để có phương án đảm bảo an toàn giao thông, tránh xảy ra sự cố bất ngờ đối với các công trình giao thông nằm trong khu vực bị ảnh hưởng của mưa lũ, nhất là các cầu đường bộ (cầu yếu, xây dựng lâu năm), các khu vực xung yếu dễ bị sụt trượt, lở đất, đứt đường.
Chủ động bố trí nhân lực, phương tiện, thiết bị, vật tư tại khu vực trọng điểm, xung yếu để sẵn sằng tổ chức cứu nạn, cứu hộ và khắc phục nhanh nhất sự cố do mưa, lũ gây ra, đảm bảo giao thông an toàn, thông suốt, đặc biệt trên các tuyến giao thông trọng điểm.
Tổ chức phân luồng hướng dẫn giao thông an toàn, nhất là qua các ngầm tràn, khu vực ngập sâu nước chảy siết; cử người trực chốt, cắm phao tiêu, rào chắn, báo hiệu ở những vị trí ngập nước sâu, sạt lở đất gây mất an toàn giao thông.
Thực hiện rà soát, đánh giá an toàn cho các cầu, cầu treo dân sinh, các khu vực ngầm đặc biệt tại các khu vực có tình hình thủy văn, địa chất phức tạp, biên độ lũ biến đổi nhanh. Chuẩn bị đầy đủ vật tư dự phòng, bố trí máy móc, thiết bị, vật tư và nhân lực ở những vị trí trọng yếu thường xuyên bị sụt trượt để chủ động khắc phục, đảm bảo giao thông trong thời gian nhanh nhất.
Tiếp tục triển khai thực hiện Công văn số 2889/SGTVT-QLKCHTGT ngày 09/9/2024 của Sở Giao thông vận tải về việc tăng cường công tác kiểm tra khả năng khai thác công trình cầu thuộc phạm vi quản lý.
Đối với các Ban Quản lý dự án:
Chỉ đạo nhà thầu thi công cử lực lượng trực phòng chống thiên tai, sẵn sàng nhân lực, máy móc, thiết bị phối hợp với các đơn vị quản lý, bảo dưỡng thường xuyên tuyến đường thực hiện cảnh báo, phân luồng, khắc phục đối với các vị trí sạt lở, hư hỏng công trình đường bộ trong phạm vi thi công đảm bảo giao thông an toàn, thông suốt trong mọi tình huống.
Riêng Ban Quản lý dự án Xây dựng và Bảo trì công trình giao thông ngoài nội dung chỉ đạo trên, chú trọng chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông qua đoạn dốc Cun trên Quốc lộ 6 đang triển khai thi công; không để xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài.
Đối với các nhà thầu quản lý, bảo dưỡng thường xuyên đường bộ:
Tập trung đảm bảo giao thông, khắc phục nhanh các tuyến đường giao thông trọng yếu để phục vụ công tác vận chuyển hàng cứu trợ và tìm kiếm cứu nạn, đồng thời tránh gây ùn tắc.
Tích cực, chủ động phối hợp với chính quyền địa phương các cấp, Cơ quan Công an, Cảnh sát giao thông, các lực lượng khác và cơ quan, đơn vị có liên quan trong phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn.
Thường xuyên kiểm tra, theo dõi, đánh giá tình trạng kết cấu hạ tầng đường bộ và các cầu bắc qua sông đang bị ảnh hưởng của mữa lũ, đặc biệt là cầu đã xây dựng lâu năm, các khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét trên các tuyến đường để có phương án đề xuất phân luồng giao thông từ xa nhằm đảm bảo an toàn giao thông, an toàn công trình; đề xuất phương án tạm dừng khai thác, sử dụng vào mục đích giao thông để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người, phương tiện tham gia giao thông đối với các trường hợp sau:
Các công trình cầu không bảo đảm an toàn cho khai thác sử dụng do thiên tai, mức nước dâng cao, lưu tốc dòng chảy lớn, cầu yếu, các trường hợp có dấu hiệu tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, an toàn công trình;
Các vị trí ngầm, tràn nước ngập, chảy xiết;
Các đoạn đường bị sụt lở đứt đường, đứt một phần đường mà phần còn lại không bảo đảm an toàn giao thông. Các vị trí sạt lở ta luy dương toàn bộ mặt đường nhưng chưa khắc phục; cống và nền đường cuốn trôi chưa khắc phục;
Các trường hợp không bảo đảm an toàn cho khai thác, sử dụng khác;
Đối với các trường hợp mức độ hư hỏng, hạn chế của các tuyến đường không thuộc trường hợp mục 3.3 nêu trên và phương án phân luồng toàn bộ người, phương tiện giao thông sang các tuyến khác khó khăn, thì phải có biện pháp tổ chức giao thông phù hợp; hạn chế giao thông; chỉ đạo tổ chức trực gác điều tiết phân tán, giảm mật độ giao thông và tránh tập trung nhiều người và phương tiện cùng tham gia giao thông, bổ sung các báo hiệu đường bộ và các biện pháp an toàn khác. Trong đó cần lưu ý đến:
Đối với đường, gồm: các đoạn đường dấu hiệu tiếp tục sạt lở ta luy, vị trí có nguy cơ đá lăn, đất sụt; vị trí đã sạt lở lấp một phần mặt đường nhưng chưa khắc phục xong; các vị trí sạt lở một phần ta luy âm; các vị trí cây, vật kiến trúc đổ chắn đường nhưng chưa kịp khắc phục;
Các vị trí hư hỏng nặng một phần cống, ngầm, tràn ngập ít, vận tốc nước chảy chậm;
Các trường hợp cần thiết khác.
Tăng cường kiểm tra đánh giá các công trình an toàn giao thông, các loại báo hiệu đường bộ để sửa chữa, thay thế, bổ sung kịp thời.
Tiếp tục triển khai kế hoạch phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai của cơ quan, đơn vị; thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cần thiết khác.
Duy trì việc tổ chức trực công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu nạn.
Thực hiện chế độ báo cáo kịp thời.
Đối với nhà thầu bảo dưỡng thường xuyên đường thủy nội địa:
Chủ động, phối hợp với các cơ quan, đơn vị đảm bảo an toàn giao thông đường thủy nội địa, không để xảy ra sự cố đối với phương tiện giao thông đường thủy gây ảnh hưởng đến an toàn đê điều, các cầu qua sông; chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan của địa phương trong việc bảo vệ tài sản kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa.
Thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình các tuyến ĐTNĐ trên tuyến đường thủy nội địa địa phương quản lý khi xuất hiện các chướng ngại vật có nguy cơ đâm, va vào các cầu vượt sông trên địa bàn. Trong trường hợp phát hiện các chướng ngại vật có nguy cơ đâm, va làm ảnh hưởng tới các cầu vượt sông yêu cầu đơn vị quản lý báo cáo kịp thời về Sở Giao thông vận tải để có biện pháp xử lý an toàn, hiệu quả.
Theo dõi chặt chẽ, nắm bắt kịp thời diễn biến của mưa, lũ trên các phương tiện thông tin đại chúng để triển khai phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại đơn vị, ứng phó với mọi diễn biến của thiên tai, với mục tiêu “tính mạng con người là trên hết”.
Kịp thời khôi phục các đặc tính kỹ thuật của báo hiệu đường thủy nội địa tại các khu vực xuất hiện vật chướng ngại đột xuất, ảnh hưởng đến lưu thông phương tiện trên luồng; kịp thời công bố thông báo luồng về sự thay đổi của tuyến luồng tại các khu vực xảy ra sự cố, tuyến luồng có thay đổi lớn.
Chủ động, phối hợp với các cơ quan, đơn vị đảm bảo an toàn giao thông đường thủy nội địa để tổ chức phân luồng giao thông tại các khu vực xảy ra sự cố; chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan của địa phương trong việc bảo vệ tài sản kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa.
Có phương án bảo đảm an toàn hoặc thu hồi, bảo quản các đèn báo hiệu, biển hiệu, phao báo hiệu và phụ kiện; kịp thời triển khai lại hệ thống báo hiệu ngay sau lũ; kiểm tra, rà soát phao neo, trụ neo, báo hiệu khu vực neo đậu cho tàu, thuyền tránh trú bão, lũ trên tuyến đường thủy nội địa thuộc phạm vi quản lý; bố trí nhân lực, phương tiện, thiết bị phục vụ công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đảm bảo sẵn sàng ứng cứu.
Tăng cường công tác thường trực, kiểm tra việc neo đậu, đậu đỗ của phương tiện thủy nội địa; yêu cầu chủ phương tiện phải neo đậu, chẳng buộc chắc chắn, ổn định, đậu đỗ tại khu vực an toàn không để phương tiện trôi dạt, va đập vào kết cấu hạ tầng giao thông, công trình khác.
Đối với Thanh tra Sở: Rà soát, kiểm tra, yêu cầu các phương tiện không neo đậu khu vực gần các công trình vượt sông.
Phối hợp với cơ quan liên quan tại địa phương kiểm tra các quy định về điều kiện hoạt động của phương tiện, việc trang bị, sử dụng áo phao cứu sinh, dụng cụ nổi cứu sinh tại các bến khách ngang sông trên địa bàn quản lý; yêu cầu chủ bến, chủ phương tiện phải neo đậu phương tiện trong thời gian ảnh hưởng của mưa, lũ để bảo đảm an toàn cho người và phương tiện; xử lý nghiêm các trường hợp không chấp hành Luật Giao thông đường thủy nội địa, phối hợp với cơ quan chính quyền địa phương trong quá trình mưa, lũ diễn biến phức tạp.
Phối hợp với các cơ quan liên quan xử lý các phương tiện thuỷ nội địa trôi dạt, đắm trên đường thuỷ nội địa hạn chế ảnh hưởng đến cầu đường bộ.
Không cấp phép cho phương tiện rời cảng, bến trong thời gian, phạm vi ảnh hưởng của mưa, lũ; yêu cầu thuyền trưởng, người lái phương tiện hoặc chủ phương tiện phải có biện pháp khẩn cấp bảo đảm an toàn cho người, phương tiện và hàng hóa.
Phối hợp với các đơn vị liên quan của địa phương trong việc hướng dẫn nơi neo đậu, tránh trú an toàn cho các phương tiện và có các biện pháp đảm bảo an toàn về người, phương tiện khi có tình huống xảy ra.
Đối với Công ty TNHH BOT Quốc lộ 6 Hòa Lạc Hòa Bình
Căn cứ các nội dung nêu trên tổ chức chỉ đạo thực hiện đối với Quốc lộ 6 (Km38+00-Km70+932) và đường Hòa Lạc - Hòa Bình (Km6+680-Km30+275).
Theo dõi vị trị sạt lở tại trạm thu phí quốc lộ 6, có phương án đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, đảm bảo an toàn cho người và tài sản của trạm.
Sửa chữa kịp thời các vị trí hư hỏng phát sinh trên mặt đường, lề đường, rãnh thoát nước trên tuyến quản lý.
Sở Giao thông vận tải đề nghị Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, Thanh tra Sở, các Ban Quản lý dự án, Công ty TNHH BOT Quốc lộ 6 Hòa Lạc - Hòa Bình, các nhà thầu quản lý, bảo dưỡng thường xuyên đường bộ, đường thủy nội địa triển khai thực hiện./.