Trên địa bàn tỉnh, theo tổng hợp báo cáo sáu tháng đầu năm 2024 đã ghi nhận: Bệnh DTLCP xảy ra tại 18 xã của 06 huyện, thành phố, tổng số lợn ốm, chết phải tiêu hủy là 1.278 con, trọng lượng tiêu hủy là 41.190 kg; bệnh LMLM xảy ra 02 ổ dịch, với tổng số 23 con trâu, bò mắc bệnh, chết 03 con bê, nghé; bệnh Dại ghi nhận 03 người tử vong do Dại (02 trường hợp tại huyện Lạc Sơn và 01 trường hợp tại huyện Yên Thủy). Trong thời gian tới dịch bệnh gia súc, gia cầm và bệnh Dại động vật có nguy cơ cao tiếp tục phát sinh và lây lan, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn cung thực phẩm, sức khỏe người dân và môi trường.
Để công tác phòng, chống dịch bệnh động vật kịp thời, hiệu quả, ngày 25/6, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Công điện số 05/CĐ-UBND Về việc tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, Giám đốc các sở, ngành có liên quan thực hiện các nội dung theo Công điện số 58/CĐ-TTg ngày 16/6/2024 của Thủ tướng Chính phủ, Công văn số 800/UBND-KTN ngày 30/5/2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc tập trung quyết liệt triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống bệnh DTLCP. Đồng thời tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, dại động vật trong đó chú trọng thực hiện các nội dung sau:
Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố: Trực tiếp chỉ đạo, huy động các nguồn lực hợp pháp trên địa bàn tổ chức triển khai, thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch; thực hiện giám sát dịch bệnh đến tận thôn bản, cơ sở chăn nuôi nhằm kịp thời phát hiện và khoanh vùng xử lý dứt điểm các ổ dịch trong diện hẹp, không để phát sinh ổ dịch mới; xử lý tiêu hủy động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh theo quy định; chủ động triển khai các biện pháp, chính sách hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh theo đúng quy định của pháp luật; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, vận chuyển động vật bệnh, vứt xác động vật chết làm lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường. Tiếp tục chỉ đạo cơ quan chuyên môn, chính quyền cơ sở tổ chức triển khai tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi, bảo đảm đạt tối thiểu trên 80% tổng đàn hiện có được tiêm phòng, nhất là đối với các bệnh nguy hiểm trên động vật như: Bệnh Dại, LMLM, CGC, VDNC, DTLCP,...
Hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp vệ sinh phòng bệnh cho đàn vật nuôi; đẩy mạnh xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh; chủ động xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện; xử lý nghiêm các trường hợp dấu dịch, chậm báo cáo làm lây lan dịch bệnh. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức, nội dung phù hợp với từng đối tượng, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân về nguy cơ xảy ra dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho động vật. Chủ động sử dụng ngân sách dự phòng hỗ trợ công tác phòng, chống dịch, đặc biệt bố trí kinh phí chuẩn bị đầy đủ các phương tiện, vật tư, dụng cụ, hoá chất sát trùng, vôi bột, vắc xin… để chủ động ứng phó kịp thời, bao vây dập tắt các ổ dịch khi mới xảy ra trong diện hẹp. Thành lập đoàn công tác do Lãnh đạo Ủy ban nhân dân huyện, thành phố làm trưởng đoàn để kiểm tra, đôn đốc các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật tại cơ sở; đồng thời cử các tổ công tác kỹ thuật trực tiếp xuống phối hợp với chính quyền cơ sở để xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để dịch dây dưa tái phát. Chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh nếu để xảy ra dịch bệnh gia súc, gia cầm phát sinh trên diện rộng, gây thiệt hại lớn trên địa bàn quản lý.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Tập trung chỉ đạo, tổ chức hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm; chủ động giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, bảo đảm phát hiện sớm, cảnh báo và phối hợp xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan diện rộng. Thành lập các đoàn công tác tổ chức kiểm tra, đôn đốc các địa phương thực hiện nghiêm quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật theo quy định; kịp thời báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh những vấn đề vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện. Chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Hòa Bình tăng cường thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân về nguy cơ xảy ra dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh có hiệu quả; thực hiện nghiêm việc kiểm dịch động vật, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán động vật và sản phẩm động vật vào địa bàn; kịp thời phát hiện, phối hợp xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong buôn bán, vận chuyển động vật, ản phẩm động vật không đúng quy định.
Sở Y tế chỉ đạo về chuyên môn, kỹ thuật, hướng dẫn, tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh truyền lây giữa động vật và người.
Sở Công Thương, Cục Quản lý thị trường tỉnh tăng cường công tác quản lý thị trường, chủ động phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc trên thị trường nhằm ngăn chặn dịch bệnh động vật lây lan.
Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị, công an địa phương phối hợp với lực lượng chức năng, cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương trong việc đấu tranh, ngăn chặn, xử lý các trường hợp buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc; lập chuyên án đấu tranh với các đối tượng vận chuyển, buôn bán động vật, sản phẩm động vật nhập lậu làm tăng nguy cơ phát sinh dịch bệnh.
Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí, doanh nghiệp viễn thông đóng trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng về tình hình dịch, các yếu tố nguy cơ, các biện pháp phòng chống dịch bệnh để người dân không hoang mang, chủ động áp dụng các biện pháp phòng bệnh theo hướng dẫn của ngành y tế, thú y.
Sở Tài chính kịp thời tham mưu bố trí kinh phí phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh động vật theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các Đoàn thể tỉnh: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các Tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh phối hợp chặt chẽ với Sở, Ban, ngành, các địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân, hội viên, đoàn viên tích cực tham gia công tác phòng, chống bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn.
Yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Giám đốc các sở, ngành và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan, tổ chức thực hiện nghiêm nội dung tại Công điện này./.