Ngay từ đầu năm ngành Nông nghiệp đã quyết liệt chỉ đạo các địa phương tập trung triển khai biện pháp cach tác kỹ thuật; Phòng chống dịch bệnh, đói rét cho cây trồng, vật nuôi; chủ động chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang cây trồng có hiệu quả kinh tế hơn, sử dụng tiết kiệm nguồn nước; tăng cường công tác quản lý vật tư nông nghiệp, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; thực hiện Tết trồng cây năm 2023.
Tới nay, tổng diện tích gieo trồng của tỉnh đã đạt gần 24 nghìn ha, đạt 39% kế hoạch năm. Tổng đàn gia súc, gia cầm (theo số liệu của Cục Thống kê Hòa Bình):Tổng đàn trâu hiện có 114.560 con bằng 99,3% so với cùng kỳ; tổng đàn bò hiện có 89.710 con, bằng 102,6% so với cùng kỳ; tổng đàn lợn 476.102 con, so với cùng kỳ bằng 1024,9%; tổng đàn gia cầm 8.720 nghìn con, so với cùng kỳ bằng 104,9%. Tình hình phát triển chăn nuôi trên địa bàn phát triển ổn định, chủ động dự kiến kế hoạch, giải pháp ổn định giá cả, cung cầu các loại thực phẩm chăn nuôi trong dịp tết Nguyên đán Quý Mão, giá một số sản phẩm ổn định so với cùng kỳ năm trước.
Duy trì diện tích nuôi cá ao hồ nhỏ, nuôi cá ruộng, nuôi cá hồ chứa là 2.695 ha, số lồng nuôi cá 4.900, sản lượng thu hoạch ước đạt khoảng 3.063 tấn. Trong đó sản lượng nuôi 2.577 tấn, khai thác là 486 tấn. Khai thác thủy sản diễn ra chủ yếu là trên hồ thủy điện sông Đà và các sông suối lớn, hồ, đập. Phương tiện khai thác gồm thuyền các loại 1.470 chiếc, lưới các loại 1.250 chiếc và 445 cái vó đèn. Đối tượng khai thác chủ yếu là các loại cá tạp và tôm sông, các loài cá có giá trị kinh tế chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Sản lượng khai thác thủy sản ước đạt 486 tấn. Công tác thanh tra bảo vệ nguồn lợi thủy sản được tiếp tục tăng cường đã hạn chế khai thác thủy sản bằng chất nổ, xung điện, chất độc, nguồn lợi thủy sản trên hồ được bảo vệ và phát triển.
Trong quý I, toàn tỉnh đã trồng được 112,51 ha rừng trồng tập trung và 23.044 cây phân tán. Các địa phương rà soát hiện trường, chuẩn bị vật tư, vật liệu sản xuất giống cây lâm nghiệp phục vụ công tác trồng rừng theo kế hoạch năm 2023; tăng cường kiểm tra, giám sát các đơn vị, cá nhân sản xuất kinh doanh giống thực hiện tốt công tác quản lý giống cây trồng lâm nghiệp theo quy định, tính đến nay đã sản xuất được 9.725.000 cây/16.000.000 cây giống phục vụ kế hoạch trồng rừng (đạt 61%). Trong quý I, do tình hình rét đậm, rét hại trên địa bàn tỉnh từ ngày 31/01/2023 đến 01/02/2023 gây thiệt hại trên địa bàn huyện Cao Phong đã làm 07 con trâu bị chết. Ước tính thiệt hại: 59 triệu đồng.
Trọng tâm công tác quý II, ngành NN&PTNT tiếp tục chủ động trong công tác điều tra phát hiện sinh vật hại cây trồng để dự báo sớm, hướng dẫn cơ sở và người nông dân áp dụng biện pháp quản lý phù hợp với từng đối tượng gây hại chính. Hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp kỹ thuật đối với diện tích lúa mới cấy cần thường xuyên kiểm tra. Đối với cây ăn quả có múi đang giai đoạn phân hóa mầm hoa – nở hoa, tiếp tục bón phân, chăm sóc, xử lý ra hoa tập trung, tăng khả năng đậu quả và chống rụng quả non. Tiếp tục hướng dẫn địa phương các biện pháp ngăn chặn bệnh khảm lá hại cây sắn; phòng, chống tổng hợp sâu keo mùa thu hại ngô; phòng trừ sâu bệnh trên cây ăn quả. Duy trì hệ thống bẫy đèn để hỗ trợ cho công tác dự tính dự báo dịch hại cây trồng. Tăng cường công tác điều tra phát hiện, dự dự báo tình hình sâu bệnh hại trên cây trồng (kể cả cây trồng nhập nội). Kiểm tra và giám sát quy trình kỹ thuật xông hơi, khử trùng đối với các cơ sở bảo quản nông sản trên địa bàn tỉnh.
Quản lý tốt công tác sản xuất giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi đúng quy định của pháp luật. Quản lý tốt quy hoạch 03 loại rừng, đảm bảo chặt chẽ, thống nhất, đúng mục đích, hiệu quả. Rà soát, đánh giá và giám sát chặt chẽ các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và đất lâm nghiệp. Kiểm tra, đôn đốc thực hiện nghĩa vụ trồng rừng thay thế theo quy định. Tăng cường công tác kiểm tra các cơ sở sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp, đảm bảo quản lý chặt chẽ theo chuỗi hành trình. Tiếp tục thực hiện tốt phương án bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng; bố trí lực lượng, chuẩn bị tốt phương tiện, trang thiết bị sẵn sàng ứng cứu khi có cháy rừng xảy ra. Duy trì hiệu quả quy chế phối hợp giữa 3 lực lượng.Tăng cường quản lý các cơ sở chế biến, kinh doanh lâm sản, xử lý nghiêm và kiên quyết đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở chế biến lâm sản bất hợp pháp hoặc cố tình không chấp hành quy định về quản lý lâm sản. Tiếp tục triển khai thực hiện Phương án quản lý rừng bền vững 4 Khu bảo tồn thiên nhiên trên địa bàn tỉnh theo quyết định đã được phê duyệt.
Phát huy thế mạnh tiềm năng mặt nước nuôi trồng thuỷ sản, ứng dụng công nghệ mới vào các hoạt động thủy sản nhằm đa dạng sản phẩm. Duy trì diện tích nuôi cá ao hồ, số lồng nuôi cá. Sản lượng cá giống ước đạt trên 10 triệu con giống các loại. Điều tiết nước hợp lý, quản lý chặt chẽ các hồ đập, đảm bảo tích đủ nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân. Tăng cường công tác quản lý đê điều, công trình thuỷ lợi, phát hiện và ngăn chặn, xử lý kịp thời những vi phạm hành lang bảo vệ đê. Tổ chức tốt việc thường trực phòng chống thiên tai, kịp thời xử lý thông tin theo thẩm quyền. Tham mưu ban hành Kế hoạch đảm bảo an toàn thực phẩm; triển khai các hoạt động thông tin, truyền thông về an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn.
Đôn đốc, tổng hợp, đề xuất kế hoạch thực hiện các đề án, dự án, kế hoạch, chính sách thuộc lĩnh vực nông nghiệp đã được ban hành, đánh giá kết quả thực hiện, tham mưu chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp và PTNT gắn với xây dựng nông thôn mới. Hướng dẫn các địa phươngtriển khai các nguồn vốn hỗ trợ phát triển và nâng cao năng lực hoạt động các HTX, THT để phấn đấu đạt mục tiêu đề ra. Triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh năm 2023. Hướng dẫn thực hiện Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững năm 2023, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn tổ chức thực hiện Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững 6 tháng đầu năm. Tuyên truyền về Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2023. Triển khai thực hiện Chương trình OCOP theo đúng chu trình thường niên. Đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; Thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu kế hoạch được giao trong năm 2023.